Thứ Sáu, 09/03/2018 08:48

Fintech tạo ra xu hướng hợp tác tài chính

Chính phủ đã xác định năm 2018 này là năm tăng tốc việc tái cơ cấu hệ thống tài chính-ngân hàng. Điều này cũng tạo ra những cơ hội đầu tư, hợp tác của các tập đoàn tài chính quốc tế với các doanh nghiệp nội.

Với 30 triệu người sử dụng điện thoại thông minh và khoảng 52% dân số sử dụng Internet, thị trường Việt Nam được cho là mảnh đất màu mỡ cho các giải pháp công nghệ tài chính. Các công ty đa quốc gia và các hãng công nghệ lớn đang thâm nhập vào thị trường này với hy vọng sẽ thu hút được các nhóm khách hàng tiềm năng, đặc biệt là nhóm người trẻ tuổi và yêu thích công nghệ.

Hiện có 48 công ty Fintech hoạt động

Thanh toán trực tuyến và thanh toán trên thiết bị di động là phân khúc thị trường tiềm năng ở cho các nhà cung cấp giải pháp công nghệ tài chính trong nước hiện nay, nhưng với sự xâm nhập của những “người khổng lồ” như Samsung và Ant Finnancial thì thị trường này càng có thêm sự cạnh tranh.

Tháng 9-2017, Samsung đã cho ra mắt phần mềm ứng dụng thanh toán trên điện thoại Samsung Pay khi cùng hợp tác với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS). Sáu ngân hàng đã ứng dụng Samsung Pay, cho phép khách hàng sử dụng công nghệ thanh toán mà không cần sự tiếp xúc. Gần đây nhất, Ant Financial, một công ty con của Alibaba trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với NAPAS nhằm giúp du khách Trung Quốc có thể sử dụng Alipay khi du lịch ở Việt Nam. Động thái này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy số lượng người sử dụng Alipay trong những tháng tới. Theo trang Fintechnews.sg, Apple cũng có kế hoạch đưa ví điện tử của mình, Apple Pay, đến Việt Nam trong thời gian tới.

Không chỉ các “ông lớn” trong ngành công nghệ, mà các ngân hàng Việt Nam cũng ráo riết số hóa nhiều quy trình, nghiệp vụ ngân hàng với nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Cũng trong tháng 9-2017, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Tổng công ty truyền thông VNPT (VNPT Media) đã ký kết bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ hợp tác giữa cổng thanh toán điện tử VNPT Pay và BIDV cho khách hàng. Các dịch vụ hai bên sẽ sớm triển khai ngay là dịch vụ thu hộ, dịch vụ cổng thanh toán và dịch vụ ví điện tử. Đây là các dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao, có tính ứng dụng rộng rãi và phù hợp với thị hiếu, xu thế của người tiêu dùng hiện đại. BIDV và VNPT Media định hướng phối hợp cung ứng dịch vụ thu hộ và cổng thanh toán tới các dịch vụ thu hộ cước viễn thông, thu hộ viện phí tại các bệnh viện, thu hộ phí các dịch vụ công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Một tháng sau đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đã xây dựng một kênh giao dịch mới trên Facebook Messenger gọi là eMBee Fangape. Khách hàng chỉ cần trò chuyện trực tuyến (chat) trong ứng dụng nhắn tin là có thể thực hiện các yêu cầu với ngân hàng như tra cứu số dư tài khoản, chuyển tiền, gửi tiền tiết kiệm, mua chứng chỉ quỹ, mua bảo hiểm và cả vay vốn. Công cụ này cũng mở ra nhiều kênh tương tác hơn giữa MB và khách hàng của mình, minh chứng cho xu hướng kinh doanh cởi mở hơn trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam.

Ngoài ra còn có LienVietPostBank, VP Bank, Vietcombank… cũng đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ tài chính trong các nghiệp vụ ngân hàng cũng như đầu tư vào nhiều ứng dụng Fintech khác nhau.

Không chỉ lĩnh vực thanh toán, hiện nay còn nở rộ hình thức cho vay ngang hàng (P2P), tức kết nối giữa người cho vay và người đi vay mà không cần tổ chức tài chính trung gian, dù hình thức này vẫn chưa được luật hóa tại Việt Nam. Gần đây nhất là sự ra đời của công ty Lendbiz. Công ty này cung cấp nền tảng cho vay ngang hàng nhắm vào đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Lendbiz có nền tảng hoạt động giống như Tima, Vaymuon và Mofin. Nhưng trong khi các mô hình khác chủ yếu tập trung vào dịch vụ cho vay tiêu dùng thì Lendbiz lại chọn hướng đi riêng là tập trung vào các khoản vay cho doanh nghiệp, nhằm cung cấp vốn nhanh và chi phí thấp cho nhóm khách hàng đặc thù này. Với Lenbiz, các doanh nghiệp có thể vay lên tới 1 tỉ đồng mà không cần tài sản thế chấp. Hồ sơ được thông qua trong vòng 24 giờ làm việc. Các nhà đầu tư với chỉ 500.000 đồng cho vay sẽ thu được lãi suất có thể lên tới 20% mỗi năm.

Tốc độ phát triển của các công ty này rất lớn. Tima, một công ty khởi nghiệp năm 2015 trong lĩnh vực cho vay ngang hàng vừa qua thông báo rằng, kể từ khi thành lập tới nay, tổng số tiền lũy kế kết nối thành công của công ty đã lên tới hơn 15.000 tỉ đồng (xấp xỉ 700 triệu đô la Mỹ). Theo trang Fintechnews.sg, đến nay có khoảng 48 công ty Fintech đang hoạt động tại Việt Nam và dự kiến nhiều công ty Fintech khác ở nước ngoài sẽ sớm đặt chân vào thị trường này.

Còn nhiều rào cản

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng-Tài chính, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, dù đã có nhiều mô hình Fintech thành công nhưng vẫn còn nhiều rào cản để các công ty này phát triển trong thời gian tới.

Hiện nay, Việt Nam có nhiều tiềm năng như dân số trẻ và thích sử dụng công nghệ nhưng nói chung kiến thức và kinh nghiệm về tài chính của người tiêu dùng vẫn còn thấp. Số lượng người dân hiểu về công nghệ và khả năng tiếp cận dịch vụ thông qua hạ tầng tài chính chưa cao. Bên cạnh đó, hạ tầng để phát triển và ứng dụng Fintech trong hoạt động tài chính cũng là yếu tố cản trở sự phát triển. Ngoài ra, yếu tố quan trọng nhất, theo ông Tuấn là quy định pháp lý của nhà nước chưa theo kịp sự phát triển của Fintech. “Kinh nghiệm các nước khi phát triển Fintech là cần xây dựng hệ sinh thái cho lĩnh vực này. Hệ sinh thái này liên quan tới kỹ thuật, cơ sở hạ tầng dữ liệu, nền tảng pháp lý cho hoạt động của Fintech cũng như liên kết giữa các công ty này với các đơn vị trung gian tài chính”, ông Tuấn nói.

Trong một cuộc hội thảo gần đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cũng cho biết, bên cạnh những cơ hội mà Fintech mang lại thì sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp này cũng đặt ra không ít sự thách thức.

Hiện nay, khuôn khổ pháp lý cho Fintech ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng cho lĩnh vực thanh toán, các nhánh hoạt động khác của Fintech chưa có khung pháp lý điều chỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động của Fintech luôn đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo nên việc xây dựng, ban hành các quy định pháp lý đang có xu hướng chậm hơn so với sự vận động thực tế của thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Fintech cung ứng các sản phẩm, dịch vụ với các giải pháp dựa trên môi trường mạng nên đối với những hoạt động cung ứng dịch vụ xuyên biên giới đòi hỏi phải có sự phối hợp quản lý chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước…

Mặt khác, do Fintech được ứng dụng trên nền tảng công nghệ nên việc gặp các rủi ro công nghệ là có thể xảy ra. Bởi vậy, nếu không có giải pháp công nghệ hiện đại để phòng ngừa các rủi ro công nghệ, hoạt động không an toàn của một số công ty Fintech có khả năng sẽ làm gia tăng khả năng tác động tiêu cực đến thị trường tài chính nói chung.

“Để Fintech ở Việt Nam phát triển, một trong những vấn đề mà chúng tôi quan tâm thời gian qua là xây dựng cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của các công ty Fintech. Chúng tôi xác định rõ, các công ty này không phải đối thủ của ngân hàng mà là đối tác của ngân hàng, họ sẽ là cách tay kéo dài để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt nhu cầu sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho những người ít có điều kiện tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng”, Phó thống đốc nói.

Trong một cuộc hội thảo gần đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý với bản đề xuất của Ngân hàng Nhà nước là nếu hoạt động của Fintech mà luật lệ hiện chưa quy định thì Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ cho áp dụng thí điểm, từ đó tổng kết và hoàn thiện dần luật lệ và quy định.

Thùy Dung 

tbktsg

Các tin tức khác

>   "Bốc quẻ" cho tỷ giá (08/03/2018)

>   Khách hàng yêu cầu trả 245 tỷ đồng bị mất, Eximbank đang tìm giải pháp và vẫn chờ phán quyết của Tòa án (08/03/2018)

>   Giá vàng SJC và USD cùng giảm (08/03/2018)

>   Vì sao bà Chu Thị Bình không kiện Eximbank? (07/03/2018)

>   Tháng 2, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng nhẹ so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu khoảng 2.5% (07/03/2018)

>   Tài chính tiêu dùng: Phác họa ‘cán cân quyền lực’ (07/03/2018)

>   Tài chính tiêu dùng: Phác họa ‘cán cân quyền lực’ (07/03/2018)

>   ACB: Dragon Financial Holdings Limited đăng ký bán gần 7 triệu cp (07/03/2018)

>   Nhiều người vay mua nhà vỡ nợ nếu lãi suất tăng 2% (06/03/2018)

>   Ngân hàng không thể đẩy trách nhiệm cho cá nhân sai phạm (06/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật