Chủ Nhật, 04/03/2018 21:38

Mía đường - Vì sao vừa hội nhập đã… chết?

Năng suất và giá bán thấp, khó bán, diện tích giảm, nhà máy tồn kho… là thực trạng đang diễn ra đối với ngành mía đường ở ĐBSCL, khiến người dân gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Vùng nguyên liệu mía xã Vĩnh Hòa Hưng Nam (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) đã bước vào thời điểm thu hoạch cuối niên vụ mía 2017-2018, nhưng bà con ai nấy cũng ngao ngán bởi năng suất và giá mía giảm.

Giá bán ngày càng giảm

Hiện giá mía chỉ còn khoảng 750 đồng/kg (cùng kỳ năm trước có giá từ 950-1.000 đồng/kg).

Ông Nguyễn Văn Vinh, xã viên HTX mía Hòa Phát cho biết, hiện giá mía chỉ còn khoảng 750 đồng/kg (cùng kỳ năm trước có giá từ 950-1.000 đồng/kg) và một số hộ chưa bán được. “Rất may là tôi đã bán hết 1ha mía với giá 800 đồng/kg. Nhiều hộ dân vẫn chưa bán được do nhà máy chưa thu mua” - ông Vinh nói.

Ông Lý Thường Kiệt - Giám đốc HTX mía Hòa Phát cho biết, xí nghiệp đường Vị Thanh, nhà máy mía đường Long Mỹ Phát đã ngưng mua. Vì vậy, thời điểm này người dân chủ yếu bán qua thương lái. Lo sợ mía để lâu này giảm năng suất nên buộc nông dân phải bán với  với giá thấp.

Ông Kiệt nói thêm: “Cây mía thường sau 12 tháng là đến lứa thu hoạch, đối với cây mía ở vùng có nước nhiều thì có thể để đến 13, 14 tháng vẫn được, còn đối với vùng đất sét như ở đây, tới mùa khô mía thiếu nước thì coi như thất trắng. Ngoài ra, năm nay thời tiết không thuận lợi, do ảnh hưởng của vài cơn bão, nước lên cao ảnh hưởng đến năng suất mía”.

Tại xã Vĩnh Thuận (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang), nhiều nông dân đang điêu đứng vì mía không có ai mua do nhà máy đường chưa hoạt động. Chị Nguyễn Thị Thảo (xã Vĩnh Thuận) cho hay, giá mía xuống thấp, thương lái không mua, nhân công không có việc làm. Cứ tình hình này thì nông dân sẽ không thể sống nổi với cây mía.

Ông Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: “Tỉnh có khoảng 6.000-7.000ha, tập trung nhiều ở huyện U Minh Thượng và Gò Quao. Tình hình giá mía thời gian gần khiến người dân khá bấp bênh. Do vùng mía tập trung của tỉnh là vùng nguyên liệu của Công ty Casuco nên giá cả lên hay xuống phụ thuộc vào lượng đường còn tồn của họ”.

Lo lắng đè nặng trên vai người dân

Nhiều ngày qua, thông tin lãnh đạo tỉnh Hậu Giang kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh mua “giải cứu” 30.000 tấn đường tồn kho của Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Công ty Casuco) đã khiến người dân lo lắng, không biết giá bán mía trong thời gian tới sẽ như thế nào và việc “giải cứu” có hiệu quả hay không.

Diện tích mía ở huyện Thới Bình (Cà Mau) ngày càng giảm. Ảnh: Chúc Ly

Ông Phan Văn Tẻo (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết ông có 4.000m2 mía hơn 1 tháng tuổi đã đầu tư gần 15 triệu đồng. “Tôi lo đường tồn đọng quá nhiều sẽ kéo giá mía giảm, trước đây nhiều năm giá mía cũng đã giảm rất nhiều” - ông Tẻo tâm sự.

"Người trồng mía trong huyện có thu nhập không ổn định. Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, huyện Thới Bình không có quy hoạch vùng mía. Nên địa phương cố gắng có thể giữ ở mức 300ha. Huyện chủ trương chỉ giữ lại các diện tích mía có hiệu quả, còn lại cho nông dân chuyển đổi sang cây, con có hiệu quả hơn”.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Thới Bình, Cà Mau

Theo nhiều nông dân trồng mía ở huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), vùng nguyên liệu mía nơi đây đang được thay thế dần bằng những cây trồng, vật nuôi khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Người trồng mía đã “tự bơi” nhiều năm, đến khi không thể sống nổi với cây mía thì họ phải tìm một phương kế khác.

Theo ông Trần Thanh Dân (xã Trí Lực, huyện Thới Bình), vốn đầu tư cho cây mía ngày một tăng cao khiến người dân không thể trụ nổi. “Tiền thuê nhân công thu hoạch những năm trước chỉ từ 150.000 - 180.000 đồng/tấn thì nay đã tăng lên khoảng 250.000 -300.000 đồng/tấn, nhưng cũng khó kiếm.

“Gia đình tôi có 1ha đất trồng mía nhưng những năm gần đây thu nhập bấp bênh. Sau mấy chục năm trồng mía, bây giờ gia đình tôi đã quyết định chuyển hẳn sang mô hình tôm – lúa” - ông Dân chia sẻ.

Theo Phòng NNPTNT huyện Thời Bình, hiện diện tích trồng mía của địa phương chỉ còn lại khoảng 500ha (trước năm 2000 có 7.000ha mía). Những diện tích mía nằm đan xen với các vuông tôm nhiễm mặn có năng suất không cao.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Thới Bình thông tin: “Hiện giá mía tại địa phương chỉ còn khoảng 750 đồng/kg. Do Công ty Mía đường tỉnh Cà Mau đã giải thể nên buộc nông dân phải bán cho thương lái vùng Phụng Hiệp (Hậu Giang), sau khi trừ chi phí lợi nhuận không còn nhiều”.

Huỳnh Xây - Chúc Ly

Dân Việt

Các tin tức khác

>   Luẩn quẩn hồi sinh các dự án “đắp chiếu” (04/03/2018)

>   Liên tục kêu khó, doanh nghiệp vẫn nhập hàng ngàn ô tô về VN (04/03/2018)

>   Xây dựng một nền kinh tế số chung giữa các nước ASEAN (03/03/2018)

>   Nielsen: Thị trường tiêu dùng nhanh tăng trưởng 5,4% (03/03/2018)

>   Các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc và những khoản đầu tư khủng ở Việt Nam (02/03/2018)

>   Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang cao hơn Thái Lan (02/03/2018)

>   Parkson và bài học tiền tỉ trên thị trường bán lẻ (02/03/2018)

>   Chính phủ mong sớm có ô tô thương hiệu Việt cạnh tranh sòng phẳng với xe nhập khẩu (02/03/2018)

>   Thị trường bán lẻ và những sự dịch chuyển chiến lược (02/03/2018)

>   EVFTA có hiệu lực, thách thức nào cho giày dép Việt? (02/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật