Các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc và những khoản đầu tư khủng ở Việt Nam
Thương mại điện tử, công nghệ, bất động sản tại Việt Nam là lựa chọn đầu tư của những người giàu có nhất tại nền kinh tế số hai thế giới.
Ma Huateng - Tập đoàn Tencent
Ma Huateng (còn gọi là Pony Ma), sinh năm 1971, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn internet khổng lồ của Trung Quốc Tencent Holdings hiện là người giàu nhất Trung Quốc và giàu thứ 14 thế giới với khối tài sản 48,4 tỷ USD (theo cập nhật của Forbes ngày 2/3/2018).
Tencent là công ty Trung Quốc đầu tiên được “ngồi chung mâm” với các tên tuổi lớn của thế giới như Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google) hay Microsoft, Amazon, Berkshire Hathaway… khi trở thành 1 trong 10 công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới.
Tỷ phú Ma Huateng - nhà sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn Tencent.
|
Tencent, ra đời cùng năm với Google vào 1998, đã xây dựng nền móng từ những ngày đầu với mảng game trực tuyến (doanh thu 10 tỷ USD năm 2016), tin nhắn và nhanh chóng trỗi dậy trở thành một gã khổng lồ quy mô toàn cầu trong 2 thập kỷ qua.
Trong những năm đầu hoạt động, Tencent bị đánh giá là chỉ biết sao chép công nghệ từ phương Tây rồi tinh chỉnh cho phù hợp với thị trường Trung Quốc.
Nhưng sau đó, Tencent đã phát triển được WeChat, ứng dụng nhắn tin di động hiện có gần 1 tỷ người dùng. Đây không chỉ là một ứng dụng tin nhắn, mà còn là một hệ sinh thái sản phẩm công nghệ, bao gồm công cụ tìm kiếm, mạng xã hội và nền tảng thanh toán trực tuyến.
Khoản đầu tư đầu tiên của Tencent tại Việt Nam là Công ty Cổ phần VNG (VNG), chủ sở hữu nhiều dịch vụ trực tuyến phổ biến tại Việt Nam như game Võ Lâm Truyền Kỳ, phần mềm quản lý đại lý internet CSM, Zalo, MP3 Zing, Zing News, trang thương mại điện tử 123mua,…
Một số ý kiến đã so sánh ứng dụng tin nhắn Zalo của VNG như một phiên bản WeChat của Tencent, vì cũng như WeChat được tùy biến cho người Trung Quốc, Zalo ra mắt sau đó một năm (2012) là ứng dụng tin nhắn và gọi điện miễn phí dành riêng cho người Việt Nam.
Tại Việt Nam, SEA (tên mới của Garena), một công ty con của Tencent, đang nắm thị phần rất lớn về game và đang chuyển dần sang thâu tóm thương mại điện tử. Mới nhất, SEA đã mua lại 82% cổ phần Foody.vn với giá 64 triệu USD. SEA mở rộng thêm mảng thương mại điện tử với Shopee và thanh toán trực tuyến là AirPay.
Hiện tại Việt Nam, mỗi tháng, Shopee có khoảng 2,7 - 3,6 triệu đơn hàng, tương đương 100.000 đơn hàng/ngày và bám sát Lazada Việt Nam của Alibaba.
Hai trong số ba nhà đầu tư vào trang thương mại điện tử Tiki.vn của Việt Nam (bao gồm VNG của Việt Nam, JD.com từ Trung Quốc và STIC từ Hàn Quốc) đều có cổ đông là tập đoàn công nghệ Tencent của Trung Quốc.
Từ 13/11/2017, ví điện tử WeChat Pay của Tencent chính thức hoạt động tại Việt Nam thông qua thỏa thuận hợp tác với VIMO, chỉ 3 ngày sau khi đối thủ của họ là Alipay - thuộc tập đoàn Alibaba - công bố quan hệ hợp tác với NAPAS.
Jack Ma - Tập đoàn Alibaba
Jack Ma, sinh năm 1964, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, là người giàu thứ hai Trung Quốc và giàu thứ 20 thế giới, sở hữu khối tài sản trị giá 39,9 tỷ USD tính đến ngày 2/3/2018 theo bảng xếp hạng của Forbes.
Alibaba với Tencent là hai “gã khổng lồ” chiếm trên 92% thị phần thanh toán di động ở Trung Quốc. Alibaba cũng là hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới và là một trong những công ty công nghệ hàng đầu toàn cầu.
Vào tháng 4/2016, Alibaba đã chi 1 tỷ USD thâu tóm kênh mua sắm trực tuyến hàng đầu Lazada, hiện hoạt động tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam.
Đúng một năm sau, tháng 4/2017, dịch vụ thanh toán trực tuyến HelloPay của Lazada đã hợp nhất với Ant Financial, nền tảng thanh toán trực tuyến qua di động sở hữu bởi Alibaba. Ngay sau đó, HelloPay đổi tên thành Alipay Singapore, Alipay Malaysia, Alipay Indonesia và Alipay Philippines theo tên các thị trường mà Lazada đang hoạt động.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng gặp gỡ Chủ tịch Alibaba Jack Ma.
|
Ngày 10/11/2017, nhân chuyến thăm Việt Nam của Jack Ma, tập đoàn Alibaba đã ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), đơn vị duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam. Cổ đông chính của NAPAS gồm Ngân hàng Nhà nước và 15 ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam.
NAPAS hiện đang quản trị và vận hành một hệ thống kết nối liên thông mạng lưới 16.800 máy ATM, 220.000 máy POS, hơn 90 triệu thẻ của 43 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
NAPAS đồng thời cung cấp dịch vụ cổng thanh toán thương mại điện tử kết nối với hơn 200 doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vự hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch và nhiều dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích khác cho khách hàng
Theo thỏa thuận này, ngoài việc thanh toán bằng thẻ UnionPay, khách du lịch Trung Quốc còn có thể chi tiêu, mua sắm qua ứng dụng thanh toán Alipay tại các đơn vị bán hàng của Việt Nam.
Trong chuyến đi tới Hà Nội, ông Jack Ma đã kể lại câu chuyện tạo dựng một thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc, với ngụ ý Alibaba sẽ lặp lại câu chuyện đó tại Việt Nam.
HỒ MAI
NHÀ ĐẦU TƯ
|