Thứ Sáu, 16/03/2018 22:08

Lấy độc trị độc

Chứng khoán Việt Nam đã bắt đầu từng bước hòa mình với sự biến động của thị trường thế giới. Điều này có tác động tới nhà đầu tư theo hai mặt. Một mặt, giờ đây họ phải để mắt đến sự lên xuống của các đồng tiền, các chỉ số chứng khoán quốc tế, phải theo kịp diễn biến của tình hình bên ngoài. Mặt khác, họ phải sàng lọc các thông tin trong nước, kể cả thông tin chính thống và không chính thức từ doanh nghiệp. Ngoài ra họ còn phải ước lượng tâm lý đám đông vì trình độ, kinh nghiệm của giới đầu tư nội địa vô cùng phân hóa và ở nhiều tầng nấc khác nhau.

IPO Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Ảnh: HOSE

Chính vì vậy, giao dịch hàng ngày càng trở nên “khó nhằn”. Một bộ phận nhà đầu tư đã chuyển từ giao dịch ngày sang mua và nắm giữ. Họ buộc phải chọn các cổ phiếu cơ bản tốt, triển vọng ổn định và có ảnh hưởng đến chỉ số, tức thường trực có mặt trong danh mục đầu tư của các tổ chức. Xuất phát từ đây, sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu ngày càng trầm trọng. Dòng tiền trên thị trường tập trung cao độ vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, bất chấp chỉ số P/E của chúng đã ở mức gấp đôi P/E bình quân khu vực.

Một đặc điểm khác đang manh nha của dòng tiền là tìm đến các doanh nghiệp tầm cỡ IPO và mau chóng có mặt ở sàn UPCoM. Thanh khoản giao dịch hàng ngày của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và PVPower (POW) trên UPCoM đang giúp sàn này cải thiện khối lượng giá trị giao dịch rõ rệt. Chỉ cần thêm 4-5 doanh nghiệp quy mô như thế nữa lên UPCoM, thì thanh khoản của UPCoM sẽ vượt HNX. Đây là một dấu hiệu đáng mừng trong việc tạo cung cho thị trường.

Sau năm doanh nghiệp lớn IPO vừa qua, tới đây một vài đơn vị nhỏ hơn bán cổ phần lần đầu ra công chúng với tổng trị giá cổ phần tính theo giá khởi điểm chỉ khoảng 2.000 tỉ đồng. Nhà nước đã chủ động giãn các đợt IPO khi nhận thấy VN-Index đang chịu thử thách ở vùng đỉnh cao về điểm số. Chứng khoán cần một “liều thuốc” kích thích mới để lấy lại hưng phấn - sự hưng phấn bền vững dựa trên tiền tươi thóc thật của người dân, chứ không phải tiền margin.

Dân gian có câu “lấy độc trị độc”. Các đợt IPO hoặc bán vốn nhà nước tại những doanh nghiệp tốt nhất, làm ăn hiệu quả không nên dừng lại. Ngược lại, cần được chuẩn bị kỹ để mang ra tiến hành lúc này. Nhà nước cần xác định một cách rõ ràng và dứt khoát: chúng ta thoái vốn để thay đổi phương thức quản trị kinh doanh, cải cách khối doanh nghiệp quốc doanh; hay thoái vốn để thu được nhiều tiền một cách tối đa. Đâu là mục tiêu chính và quan trọng mang tầm quyết định của công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước?

Nếu xác định thoái vốn nhà nước là một cách thức tận thu cho ngân sách và phải làm sao để không làm thất thoát tài sản nhà nước là mục tiêu hàng đầu, thì có lẽ chúng ta sẽ còn phải chờ đợi dài dài. Trong khi một đồng tiền từ thoái vốn nhà nước hôm nay thu về, nếu biết quản lý, đầu tư, tiêu xài hợp lý, thì 1-2 năm sau, nó đã có thể sinh sôi nảy nở thành 1,5-2 đồng. Như vậy há chẳng tốt hơn là đợi 1-2 năm rồi mới thoái vốn để thu về 1,5 đồng thay vì 1 đồng hiện nay sao? Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn!

Hai mẩu chuyện có thật. Khi được tham khảo ý kiến về việc thoái vốn nhà nước ở Vinamilk (36% vốn Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp này hiện có giá thị trường ít nhất 10 tỉ đô la Mỹ - NV), bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, nói rằng Nhà nước nên cân nhắc bán một lần phần còn lại để tận dụng việc bán lô lớn, sẽ được quan tâm hơn bán từng đợt nhỏ, và công khai việc sử dụng số tiền bán vốn đó vào việc đầu tư những công trình tầm cỡ của đất nước có sự giám sát chặt chẽ của người dân như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam, hay những thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội, TPHCM để giãn dân số, giảm tắc nghẽn giao thông, phát triển các địa phương gần thủ đô và TPHCM. Tuy nhiên đến nay ý kiến của Vinamilk vẫn chỉ đang được “nghiên cứu” và liệu Nhà nước có bán tiếp vốn nhà nước ở Vinamilk không, còn là ẩn số. Trên nghị trường Quốc hội, trả lời các đại biểu, đại diện các bộ, ngành khẳng định sẽ tiếp tục thoái vốn nhà nước. Nhà nước không đi kinh doanh bia, sữa mà tạo điều kiện, xây dựng môi trường tốt cho doanh nghiệp kinh doanh.

Kể từ khi Nhà nước bán 53% cổ phần Sabeco, thu về 4,8 tỉ đô la Mỹ, cho đến nay người dân vẫn không rõ số tiền đó được sử dụng như thế nào. Có chuyên gia kinh tế nhận định: quan trọng là Nhà nước bán được giá, và tiền đã hòa vào ngân sách quốc gia, còn chi tiêu ra sao, để trả nợ nước ngoài, hay chi thường xuyên, hay chi đầu tư phát triển... đều tốt cả. Ông nhấn mạnh trước đây có ai dám nghĩ đến việc bán hơn phân nửa Sabeco được gần 5 tỉ đô la Mỹ đâu. Người ta nghĩ chắc được 1,5-2 tỉ đô la Mỹ là cùng.

Vậy bán được giá là mục tiêu hay cải cách doanh nghiệp quốc doanh là mục tiêu? Và nếu chọn bán được giá là mục tiêu, người dân có quyền được biết tiền đó sử dụng như thế nào, vì đấy là tiền của dân mà.

Hải Lý

Thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Chứng khoán Tuần 12-16/03: Nhẹ nhàng vượt mốc 1,130 điểm (16/03/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu tuần 19/03 (19/03/2018)

>   Từ cổ phiếu bèo đến trò chơi tài chính (16/03/2018)

>   16/03: Đọc gì trước giờ giao dịch? (16/03/2018)

>   VN30 Futures 16/03: Cơ hội giải ngân cho vị thế mua? (15/03/2018)

>   SAV dù có lãi 2017 nhưng vẫn chưa được rời diện cảnh báo (16/03/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 16/03 (16/03/2018)

>   Goldman Sachs: Việt Nam có một số cơ hội đầu tư rất thú vị (15/03/2018)

>   MCO bị phạt tiền do chậm công bố nhiều báo cáo (15/03/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 15/03: VN30 Index giảm mạnh trong đợt ATC nhưng VN-Index vẫn tăng (15/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật