Fitch nâng bậc tín nhiệm của MBB, giữ nguyên bậc tại ACB, Agribank, VietinBank và Vietcombank
Mới đây, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings vừa đưa ra bậc xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (Long-term Issuer default ratings – IDR dài hạn) của 5 ngân hàng Việt Nam.
Cụ thể, Fitch Rating nâng xếp hạng của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) từ B lên B+ với triển vọng “ổn định”, đồng thời nâng đánh giá Sức mạnh độc lập (Viability Rating) từ b lên b+. Bên cạnh đó, Fitch Rating còn nâng đánh giá Sức mạnh độc lập của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank, HOSE: VCB) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) từ b- lên b.
Trong khi đó, tổ chức này giữ nguyên bậc tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của Vietcombank, VietinBank, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ở mức B+ với triển vọng “tích cực”. Còn Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) được đánh giá ở mức B và có triển vọng “ổn định”.
Sỡ dĩ, Fitch Ratings đưa ra đánh giá tích cực là vì môi trường hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày càng được nâng cao, cùng với đó là việc cải thiện các chính sách kinh tế thúc đẩy nền kinh tế vĩ mô ổn định và có khả năng dự báo. Điều này cho phép các ngân hàng giảm đáng kể lượng nợ xấu còn tồn đọng – vốn đã gây áp lực lên bảng cân đối kế toán trong thời gian dài, và bù đắp phần nào cho những điểm yếu trong cấu trúc lâu dài của hệ thống ngân hàng – như tấm đệm an toàn vốn mỏng và khả năng sinh lời thấp.
Động lực thúc đẩy Fitch Ratings nâng bậc đánh giá Sức mạnh độc lập và IDR dài hạn của MB xuất phát từ mức vốn cao hơn so với các ngân hàng khác và sự cải thiện liên tục trong chất lượng tài sản – như được phản ánh qua thành phần khoản vay đa dạng hơn và giảm tỷ lệ nợ có vấn đề (cuối năm 2017: 2.9%, cuối năm 2015: 6.8%). Tỷ lệ vốn lõi của Fitch tại MB là 11.4% vào cuối tháng 6/2017 và cũng là mức cao nhất trong số các ngân hàng Việt được Fitch đánh giá.
Fitch Ratings hy vọng MB sẽ tiếp tục tạo ra khả năng sinh lời cao hơn những ngân hàng khác, nhờ tỷ lệ lãi cận biên (NIM) cao hơn và cấu trúc chi phí tinh gọn hơn – qua đó cũng góp phần hỗ trợ cho vốn tự có.
Việc đánh giá IDR dài hạn của MB và ACB bị chi phối bởi bậc Sức mạnh độc lập và phản ánh thương hiệu nhỏ hơn nhưng lại có khoản vay chất lượng tốt hơn so với các ngân hàng quốc doanh. Fitch Ratings tin rằng các khoản cho vay không hiệu quả của ACB và MB thấp hơn so với các ngân hàng quốc doanh.
Ngoài ra, bậc xếp hạng của ACB cũng phản ánh sự cải thiện về chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của họ. Chất lượng khoản vay của ACB có thể tốt hơn phần lớn các ngân hàng khác khi có rủi ro tập trung cho vay thấp hơn rất nhiều, trong đó chỉ có 1% là từ các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tại thời điểm cuối tháng 6/2017. Tỷ lệ khoản vay có vấn đề của ACB đã cải thiện đáng kể sau khi bán toàn bộ nợ xấu cho Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) vào năm 2017.
Fitch Ratings kỳ vọng ACB tiếp tục cải thiện khả năng sinh lời trong ngắn hạn, khi tỷ lệ nợ xấu tồn đọng đã được trích lập dự phòng phần lớn và việc xử lý đầy đủ nợ xấu bán cho VAMC sẽ làm giảm gánh nặng chi phí tín dụng. Tỷ suất lợi nhuận trên rủi ro hoạt động của Ngân hàng tăng lên mức 1.9% tại cuối tháng 6/2017, cao hơn mức 1.2% tại cuối thời điểm năm 2016.
Triển vọng ổn định của MB và ACB phản ánh kỳ vọng của Fitch Ratings rằng chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của hai ngân hàng này sẽ được duy trì trong ngắn hạn và trung hạn, nhờ sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Việc Fitch Ratings nâng bậc Sức mạnh độc lập của Vietcombank và VietinBank phản ánh sự cải thiện về chất lượng tài sản của hai ngân hàng, trong đó tỷ lệ nợ có vấn đề - được cho là bao gồm cả nợ xấu đã công bố, nợ xấu bán cho VAMC và các khoản cho vay đặc biệt – tăng lên mức tương ứng là 2.4% và 2.8% tại cuối tháng 6/2017, từ mức 5.1% và 3.4% tại thời điểm cuối năm 2015. Điều này là nhờ môi trường hoạt động thoáng hơn và tín dụng bán lẻ tăng trưởng mạnh. Việc giải quyết hoàn toàn nợ xấu bán cho VAMC hồi năm 2016 sẽ làm giảm bớt gánh nặng chi phí tín dụng của Vietcombank.
Ngoài ra, đánh giá của Fitch Ratings còn phản ánh thương hiệu nội địa mạnh của Vietcombank và VietinBank. Fitch tính toán tỷ lệ vốn lõi của 2 ngân hàng này còn khá thấp (8.8% của Vietcombank và 6.9% của VietinBank), và đòi hỏi họ phải huy động vốn trước khi triển khai Basel II vào ngày 01/01/2020. Việc phát triển vốn tự có của hai ngân hàng này vẫn yếu, thể hiện ở tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tài sản có rủi ro thấp (1.8% của Vietcombank và 1.4% của VietinBank trong giai đoạn từ 2013 đến tháng 6/2017).
Tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động từ khách hàng phần lớn không thay đổi và vẫn có thể kiểm soát được (81% của Vietcombank và 106% của VietinBank vào cuối tháng 6/2017), mặc dù họ có tăng trưởng tín dụng mạnh trong vài năm trước. Fitch Ratings tin rằng 2 ngân hàng quốc doanh này có lợi thế hơn so với các ngân hàng tư nhân trong những thời điểm căng thẳng, khi người gửi tiền có thể có nhiều niềm tin hơn vào các ngân hàng quốc doanh.
Chi tiết xếp hạng của Fitch đối với 5 ngân hàng:
MBBank
IDR dài hạn: Từ B lên B+; Triển vọng ổn định
IDR ngắn hạn: B
Đánh giá Sức mạnh độc lập: Từ b lên b+
Vietcombank
IDR dài hạn: B+; Triển vọng Tích cực
IDR ngắn hạn: B
Đánh giá Sức mạnh độc lập: Từ b- lên b
VietinBank
IDR dài hạn: B+; Triển vọng Tích cực
IDR ngắn hạn: B
Đánh giá Sức mạnh độc lập: Từ b- lên b
Agribank
IDR dài hạn: B +; Triển vọng Tích cực
IDR ngắn hạn: B
ACB
IDR dài hạn: B; Triển vọng ổn định
IDR ngắn hạn: B
Đánh giá Sức mạnh độc lập: b
|
Vũ Hạo (Theo Fitch Ratings)
FiLi
|