Quan trọng vẫn là lãi suất!
Lãi suất luôn là biến số được quan tâm nhiều nhất do có sức ảnh hưởng khá lớn lên nền kinh tế. Thực tế cho thấy mặt bằng lãi suất khá ổn định trong 3 năm trở lại đây, liệu năm 2018 sẽ có diễn biến như thế nào?
Những dấu hiệu lạc quan
Cuối tháng 1/2018, Ngân hàng Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất huy động đầu vào thêm 0.1% ở các kỳ hạn ngắn, đánh dấu lần giảm lãi suất thứ hai liên tiếp sau khi đã giảm 0.1% vào tháng 11/2017. Với 2 lần điều chỉnh giảm trong chưa đầy 3 tháng, hiện tại Vietcombank đang là ngân hàng có khung lãi suất tiền gửi thấp nhất trên thị trường.
Techcombank cũng là một trong những ngân hàng có động thái giảm lãi suất trong tháng 1 đầu năm nay. Dù thanh khoản giai đoạn gần Tết Nguyên đán vừa qua chịu nhiều áp lực nhưng nhờ sự bơm hút linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hỗ trợ đáng kể cho hệ thống, giúp các ngân hàng vẫn giữ được ổn định mặt bằng lãi suất.
Nhiều ý kiến cho rằng yếu tố lãi suất cùng với tỷ giá sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực trong năm nay, giữa bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động khó lường có thể gây bất ổn lên tình hình kinh tế trong nước. Tuy nhiên, những gì đã, đang và dự kiến sẽ diễn ra cho thấy vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định trong năm nay.
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Ngày 26/1/2018, NHNN ban hành Thông tư số 01/2018/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (TCTD), chính thức có hiệu lực từ ngày 29/1/2018, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng giúp các TCTD yếu kém có cơ hội vay nguồn vốn ưu đãi từ NHNN với lãi suất 0% theo Đề án tái cơ cấu được phê duyệt. Đây được xem là quyết sách quan trọng cho Đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.
Do đó, áp lực huy động vốn của các ngân hàng yếu kém có thể giảm đi phần nào, từ đó có cơ hội giảm lãi suất huy động đầu vào. Cần biết rằng thời gian qua, mặt bằng lãi suất bị giữ ở mức cao phần nào chịu sự ảnh hưởng từ các TCTD yếu kém, do các ngân hàng này buộc phải neo lãi suất ở mức cao để duy trì lượng tiền gửi hiện hữu cũng như thu hút thêm khách hàng mới để đảm bảo thanh khoản hoạt động.
Trước đó, ngay từ đầu năm nay, NHNN cũng đã chính thức giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) từ 5% xuống còn 4.75%, đồng thời giảm chi phí tiếp cận thông tin tín dụng từ CIC nhằm hỗ trợ hệ thống có cơ hội tiết giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện giảm thêm lãi suất theo yêu cầu của Chính phủ.
Ngoài ra, với Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã được thông qua kỳ vọng cũng sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu của toàn hệ thống. Thống kê cho thấy tính đến ngày 31/12/2017, tức sau 4 tháng Nghị quyết 42 có hiệu lực thi hành, toàn hệ thống đã xử lý được trên 50 ngàn tỷ đồng nợ xấu xác định theo nghị quyết trên. Những số liệu công bố về xử lý nợ xấu của một số ngân hàng gần đây lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng là minh chứng rõ nhất cho thấy hiệu quả xử lý nợ xấu nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước đây, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản thời gian qua cũng hồi phục mạnh mẽ.
“Cục máu đông” nợ xấu vốn được xem là một trong những yếu tố khiến lãi suất khó giảm trong thời gian qua, do đó nếu sớm khai thông nguồn vốn chết này sẽ giúp các ngân hàng có thêm điều kiện giảm lãi suất.
Các yếu tố như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong năm 2018 cùng với lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước sẽ giúp nguồn thu của Chính phủ tăng lên, giúp lượng tiền gửi Kho bạc tại các ngân hàng có thể tăng mạnh như năm 2017, và thanh khoản của hệ thống thêm dồi dào. Bên cạnh đó, nếu nguồn thu ngân sách được cải thiện nhờ hoạt động thoái vốn thành công thì sẽ giúp giảm áp lực huy động vốn trên thị trường trái phiếu Chính phủ, từ đó hạn chế hiệu ứng “chèn lấn” và giúp ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Những biến số bên ngoài
Trong bối cảnh USD vẫn đang suy yếu trên thị trường thế giới sẽ giúp nhà điều hành kiểm soát tỷ giá “dễ thở” hơn. Việc giữ tỷ giá ổn định cũng là một trong những yếu tố quan trọng để giảm áp lực lên lãi suất VND, vì nếu VND được dự báo mất giá mạnh sẽ kích thích dòng vốn chuyển dịch từ kênh tiền gửi ngân hàng sang nắm giữ lướt sóng USD, gây áp lực lên thanh khoản ngân hàng. So với đầu năm nay, chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh tiếp tục giảm 2.5%.
Một số quan điểm cho rằng triển vọng giá dầu tiếp tục hồi phục trong năm 2018 có thể gây áp lực lên lạm phát, từ đó tác động tiêu cực đến lãi suất. Tuy nhiên, thị trường dầu thế giới vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng vượt kỳ vọng và dự báo của giới phân tích, do đó khả năng từ giờ đến cuối năm chỉ củng cố chứ khó tăng mạnh hơn nữa, vì vậy khó có thể gây áp lực lên lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay.
Ngược lại, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, áp lực lạm phát năm 2018 sẽ chủ yếu đến từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công như y tế, giáo dục và giá thực phẩm, nghĩa là những yếu tố nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Vì vậy, không loại trừ tình huống nếu nhận thấy lạm phát có khả năng tăng cao, Chính phủ có thể trì hoãn việc tăng giá dịch vụ công để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Định hướng xuyên suốt của Chính phủ trong những năm qua là ưu tiên ổn định vĩ mô, do đó luôn yêu cầu phải giữ được mặt bằng lãi suất ổn định. Ngân hàng Nhà nước cũng đã xác định phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 là một nhiệm vụ trọng tâm. Rõ ràng trong bối cảnh chính sách tài khóa có nhiều hạn chế thì nới lỏng chính sách tiền tệ đang là yếu tố hỗ trợ để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng. Và để chính sách nới lỏng tiền tệ phát huy hết hiệu quả thì việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất ở mức phù hợp là điều kiện quan trọng hơn bao giờ hết.
Phan Thụy
FILI
|