Đằng sau câu chuyện cạnh tranh về phí dịch vụ giữa các ngân hàng
Sau Tết, các ngân hàng đồng loạt đưa ra các chương trình điều chỉnh phí chuyển tiền, rút tiền cùng và khác hệ thống, và có những khác biệt tương đối trong biểu phí dịch vụ của các ngân hàng. Câu chuyện phí dịch vụ không đơn giản là cuộc cạnh tranh công bằng giữa các nhà băng mà đằng sau đó còn có nhiều vấn đề khác.
Phát súng tiên phong trong việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ tác động mạnh đến dư luận có thể kể đến là Ngân hàng Vietcombank (VCB) khi thông báo thay đổi một loạt loại phí khách hàng cá nhân từ trước Tết Nguyên đán, và chính thức thu phí từ ngày 1/3. Ngoại trừ phí chuyển khoản liên ngân hàng với giao dịch dưới 10 triệu đồng giảm nhẹ từ 11,000 đồng xuống 7,700 đồng, hầu như các loại phí giao dịch khác tại Vietcombank đều tăng so với trước đây.
Như phí SMS Banking của Vietcombank tăng từ 8,800 đồng lên 11,000 đồng mỗi tháng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng - VAT). Ngoài ra, chuyển khoản trong Vietcombank qua ứng dụng Mobile Banking sẽ mất 2,200 đồng mỗi giao dịch từ ngày 1/3.
Cách tính phí với những giao dịch chuyển tiền của Vietcombank cũng thay đổi, phân loại theo giá trị giao dịch, tăng phí với giao dịch giá trị lớn và chuyển khoản nộp tiền mặt tại quầy.
Ngược lại, các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng sẽ tính phí theo 0.02% giá trị. Như vậy, nếu chuyển khoản trên 50 triệu đồng liên ngân hàng, phí chuyển tiền sẽ cao hơn 11,000 đồng, tăng so với mức cũ áp dụng trước ngày 1/3. Và nếu chuyển trên 100 triệu đồng, phí chuyển liên ngân hàng sẽ lên tới 22,000 đồng. Tuy nhiên, Vietcombank cho biết, hạn mức chuyển tiền của khách hàng qua Ebank hầu hết không quá 100 triệu đồng mỗi ngày nên số lượng khách bị ảnh hưởng rất ít.
Hiện Vietcombank vẫn là một trong những nhà băng có lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Banking lớn nhất toàn hệ thống, nên việc tăng phí đối với hầu hết các giao dịch qua Mobile Banking, Internet Banking sẽ có ảnh hưởng đến lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của Vietcombank.
Không chỉ riêng Vietcombank mà hai “ông lớn” gốc Nhà nước còn lại là VietinBank và BIDV cũng thu phí chuyển tiền trong cùng hệ thống. Đáng chú ý là VietinBank thu phí cao nhất khi lên đến 0.011% giá trị giao dịch với khoản chuyển tiền từ 50 triệu đồng trở lên trong cùng hệ thống.
Trong khi đó các ngân hàng thương mại cổ phần khác lại không thu phí chuyển tiền cùng hệ thống như Techcombank (TCB), ACB, VPBank (VPB), TPBank (TPB), LienVietPostbank (LPB),…
Ở chiều ngược lại, nhiều nhà băng đang ồ ạt tung ra các chương trình miễn giảm phí cho khách hàng. Đơn cử như Ngân hàng An Bình (ABBank) vừa thêm nhiều ưu đãi cho dịch vụ Online Banking và dịch vụ ABBank Mobile. Với hai dịch vụ chuyển tiền này, ABBank cho biết sẽ giúp khách hàng tránh được nỗi lo về phí chuyển tiền khi được miễn hoàn toàn phí giao dịch chuyển tiền trong hệ thống với tất cả các giao dịch. Ngoài ra, khách hàng cũng không cần phải lo lắng về phí rút tiền tại các ATM trong lãnh thổ Việt Nam vì được miễn phí hoàn toàn. ABBank còn tặng thêm lãi suất tối đa 0.2% cho các tài khoản gửi tiết kiệm Online so với tiết kiệm mở tại quầy giao dịch.
Hiện tại, có Ngân hàng Techcombank và LienvietPostbank đang miễn phí chuyển tiền khác ngân hàng khi tiến hành chuyển khoản thông qua Internet Banking hay Mobile Banking.
Hiện tại, khi sử dụng tài khoản thanh toán, khách hàng thường hay sử dụng nhất là các dịch vụ, rút tiền mặt tại ATM, chuyển tiền cùng và khác ngân hàng. Với các giao dịch diễn ra hàng ngày này, việc các ngân hàng điều chỉnh mức phí và có các mức phí chênh lệch nhau, dù không nhiều cũng làm cho khách hàng có sự so sánh. Và từ đó việc phí tăng, có đi đôi với chất lượng phục vụ tăng, vẫn đang là vấn đề được đa số khách hàng quan tâm hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Sacombank, phí rút tiền ATM hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép tăng phí lên 3,000 đồng/giao dịch, và mức Sacombank áp dụng là 1,000 đồng/giao dịch nội bộ hay 3,000 đồng/giao dịch ngoài ngân hàng. Theo ông, đối với giao dịch thẻ ATM, thì chi phí 1,000 đồng hay 2,000 đồng là không đáng kể so với toàn bộ chi phí để vận hành hoàn thiện một giao dịch. Đầu tư cho một máy ATM chiếm khoảng 400 - 500 triệu đồng, tính trong 5 năm khấu hao, mỗi tháng mất khoảng 10 triệu đồng, còn cả phí bảo trì, bảo dưỡng ATM khoảng hơn 1,000 USD/năm, tính ra 1 tháng Ngân hàng chi tầm vài triệu đồng, đường truyền từ 1.5 - 2 triệu đồng, tiền thuê điểm đặt ATM 7 - 10 triệu đồng/tháng, tiền vận hành thay tiền 2 lần/tuần, chi phí cơ hội cho việc giữ tiền nằm tại ATM. Cộng tất cả lại chi phí một giao dịch không dưới 5,000 đồng mà một nhà băng phải chịu. Trong khi đó, ngân hàng thu về khoảng 1,500 đồng, NAPAS nhận 1,500 đồng (từ 01/03/2018 NAPAS bắt đầu giảm 150 đồng/giao dịch phí dịch vụ rút tiền ATM từ các ngân hàng thanh toán). Do đó, nếu tính ra thì phí giao dịch qua ATM là không đắt so với chi phí cho mỗi lần giao dịch mà ngân hàng phải trả.
Đó cũng là một phần lý do tại sao các ngân hàng có nhiều ATM không mặn mà phục vụ rút tiền qua ATM cho khách hàng của nhà băng khác. Trong khi đó nhiều ngân hàng sẵn sàng miễn phí giao dịch tất cả ATM trên toàn hệ thống và chấp nhận chi trả 3,000 đồng cho mỗi giao dịch (NAPAS 1,500 đồng, ngân hàng có ATM 1,500 đồng) thay vì tự đầu tư thêm máy ATM với phí vận hành cao hơn, đồng thời gánh thêm nhiều áp lực về chi phí và quy định. Và mối quan hệ cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau chưa hẳn là công bằng. Hiện tại, Sacombank có 1,040 máy ATM sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn ngân hàng có ít máy ATM. Một ngày Ngân hàng xử lý khoảng 600,000 - 700,000 giao dịch, tương đương hơn 20 giao dịch/giây, thì chi phí mà Ngân hàng bỏ ra để hoàn thành giao dịch sẽ “đội” lên hơn rất nhiều. Trong hệ thống, số lượng máy ATM nhiều nhất là Vietcombank, tiếp đến là Agribank, sau đó là VietinBank, BIDV, Techcombank, và Sacombank.
Đứng trước những ma trận thay đổi phí dịch vụ, tăng giảm đan xen, khách hàng cần phải so sánh đối chiếu để lựa chọn được ngân hàng phù hợp nhất cho mình cả về mức phí lẫn chất lượng dịch vụ.
Hàn Đông
FILI
|