Thứ Tư, 21/03/2018 09:15

Vào mùa đại hội ngân hàng, chuyện “ghế nóng” đã bớt “nóng”?

Nhân sự cấp cao của các ngân hàng từng là tâm điểm thu hút dư luận trong vài năm trở lại đây bởi mức độ biến động khá mạnh. Liệu mùa ĐHĐCĐ thường niên 2018 câu chuyện về bộ máy lãnh đạo có nhân tố nào mới bởi đây cũng là thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ tiếp theo của nhiều ngân hàng?

Vẫn thu hút khá nhiều sự quan tâm, nhưng những biến động trong nhân sự cấp cao ngân hàng dự kiến trình cổ đông mùa đại hội năm nay đã không còn được mô tả bởi những từ như “nóng bỏng”, “chạy đua”, “dậy sóng” nữa.

Nếu có đề cập, tính từ “nóng” trong năm 2018 lại được dùng với một ý nghĩa tích cực hơn khi mô tả các kế hoạch khủng về lợi nhuận, về cổ tức và chia thưởng cho cổ đông, cũng như động thái lên sàn. Nhiều ngân hàng nhóm tư nhân lần lượt công bố kế hoạch lãi lên đến chục ngàn tỷ đồng như VPBank, Techcombank; nhiều khoản cổ tức, chia thưởng lớn cho cổ đông dần được hé lộ (VPBank, HDBank,…), những làn sóng chào sàn được mong đợi (Techcombank, TPBank).

Thực tế, bên cạnh các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh như lợi nhuận, cổ tức, nợ xấu, niêm yết… nhân sự cấp cao ngân hàng vẫn luôn là chủ đề được quan tâm trước đại hội thường niên, không chỉ với các ngân hàng nằm trong diện tái cấu trúc bắt buộc, mà còn với những ngân hàng cần sự ổn định sau quãng thời gian biến động. Bởi bộ máy lãnh đạo cấp cao sẽ là đầu tàu dẫn dắt và vạch ra định hướng phát triển cho toàn bộ ngân hàng.

Tuy nhiên, sau mùa đại hội năm 2017 được đánh giá là khá trật tự và quy củ, nhiều ngân hàng đã bước đầu ghi nhận kết quả trong công cuộc tái cơ cấu dưới bàn tay của các “lãnh tướng” mới, câu chuyện về nhân sự cấp cao và tái cơ cấu ngân hàng đến mùa đại hội năm nay có còn “nóng” và được trông chờ như trước khi phần lớn trong số các nhà băng này sẽ phải bầu lại HĐQT nhiệm kỳ mới?

Với Eximbank, ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 có thể xem là kỳ đại hội êm ái nhất trong những năm qua. Không còn những to tiếng qua lại về bầu cử HĐQT, 9 thành viên được giữ nguyên (trước đó có kế hoạch bầu thêm thành viên HĐQT) theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vài tháng sau đại hội, Eximbank tiếp tục “thay áo” hàng loạt nhân sự Ban điều hành thông qua việc cắt giảm tổng cộng 9 Phó Tổng Giám đốc.

Được biết, HĐQT Eximbank đã thông qua dự án tái cấu trúc và chiến lược Ngân hàng giai đoạn 2016-2020, còn gọi là Eximbank Mới (New Eximbank). Một trong những kế hoạch tái cấu trúc các mảng hoạt động theo đề án của ban quản lý dự án “New Eximbank” đó là rà soát, sắp xếp, bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân sự thuộc thẩm quyền HĐQT, thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo tùy theo tình hình thực tế.

Mới đây, Eximbank cũng vừa chốt danh sách cổ đông về việc đề cử, ứng cử nhân sự dự kiến để bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 và tham dự họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. Eximbank dự kiến nộp hồ sơ cho NHNN xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT trước khi tiến hành bầu tại ĐHĐCĐ (tổ chức vào ngày 27/04).

Câu chuyện nhân sự cao cấp cùng các ứng viên tham gia tái cơ cấu Sacombank cũng đã từng gây “sốt” thị trường năm 2017 trước khi vị trí tân Chủ tịch HĐQT chính thức gọi tên ông Dương Công Minh - nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam và nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank. Ban kiểm soát Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021 của Sacombank cũng đón nhận thêm 3 thành viên mới đến từ Vietcombank. Đồng thời, nhiều nhân sự cấp cao của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) hiện cũng không còn nằm trong hàng ngũ Ban điều hành của Sacombank.

Được biết, một trong những mục tiêu của Chủ tịch Dương Công Minh trong công cuộc tái cấu trúc Ngân hàng là kiện toàn bộ máy lãnh đạo và nhân sự. Trong một buổi ký kết hợp tác với VAMC hồi cuối tháng 9/2017, Chủ tịch Dương Công Minh cho biết từ ngày 02/10/2017 sẽ sắp xếp lại toàn bộ nhân sự của Sacombank và hoàn tất trong tháng 10/2017.

Không còn những đồn đoán ồn ào xem ai sẽ là người “cầm quyền”, thay vào đó điều được quan tâm nhiều hơn bây giờ là những người cầm quyền đã làm được gì cho Sacombank. Hiện Sacombank chưa công bố chi tiết tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 sắp tới. Trong thư gửi cổ đông, Sacombank mới chỉ thông báo dự kiến bầu bổ sung 2 thành viên vào HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 tại đại hội, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập.

Còn với BIDV, “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT đã vắng chủ gần một năm rưỡi nay, từ sau khi nguyên Chủ tịch Trần Bắc Hà, về hưu vào tháng 9/2016. Hiện, ông Trần Anh Tuấn - Thành viên HĐQT vẫn đang phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT BIDV kể từ khi ông Trần Bắc Hà về hưu. Không chỉ trống “ghế” Chủ tịch, HĐQT của BIDV cũng giảm bớt một thành viên là ông Nguyễn Huy Tựa khi nghỉ hưu kể từ đầu tháng 11/2017. Vì vậy, ĐHĐCĐ chính là dịp để kiện toàn bộ máy của nhà băng này.

Tại NamABank cách đây không lâu đã định họp ĐHĐCĐ bất thường bầu 1 nhân sự HĐQT nhưng sau đó đã hủy buổi họp. Cùng thời gian, NCB cũng thông báo sẽ dời lại thời gian họp ĐHĐCĐ thường niên khoảng 1 tháng, từ trung tuần tháng 3/2018 sang trung tuần tháng 4/2018. Bên cạnh đó, HĐQT NCB sẽ trình cổ đông thông qua nội dung bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015-2020.

Tương tự, SCB cũng sẽ bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 dự kiến tổ chức vào tháng 3/2018. Được biết trước đó, 1 thành viên có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 vì lý do sức khỏe.

Hàng loạt nhà băng sẽ bầu nhân sự HĐQT nhiệm kỳ mới 2018-2022

Sau khi ông Dương Công Minh về đầu quân cho Sacombank, ông Nguyễn Đức Hưởng đã thay ông Minh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank. Tuy nhiên, cận Tết Nguyên Đán 2018, theo thông tin từ báo chí, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết đã đưa ra quyết định về điểm dừng của mình: Chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank để tập trung cho sức khỏe, nhưng vẫn tiếp tục đồng hành cùng Ngân hàng với vai trò cố vấn cao cấp. Như vậy, ĐHĐCĐ tới đây của LienVietPostBank sẽ phải bầu ra Chủ tịch mới thay thế ông Hưởng.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ 2018 mới công bố, tổng số thành viên bầu vào HĐQT LienVietPostBank nhiệm kỳ 2018-2023 dự kiến trình cổ đông thông qua gồm 8 thành viên, trong đó có 6 thành viên hiện đang nằm trong HĐQT LienVietPostBank, 2 thành viên còn lại là ông Dương Công Toàn (Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank) và bà Dương Hoài Liên (hiện không nắm giữ chức vụ tại LienVietPostBank). Danh sách HĐQT dự kiến này không có Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng và Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Huynh.

Mới đây nhất, PVcomBank công bố kết quả đề cử, ứng cử nhân sự dự kiến bầu Thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023. Kết quả cho thấy có ba bộ hồ sơ ứng viên do 3 nhóm cổ đông đề cử giữ chức danh thành viên nhiệm kỳ 2018-2023 gửi đúng hạn và đáp ứng tiêu chuẩn. Khá bất ngờ, không có cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), thay vào đó là sự xuất hiện của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank, MSB) và một số cổ đông tổ chức, cá nhân khác. Ba ứng viên được đề cử là ông Nguyễn Hoàng Nam, ông Ngô Ngọc Quang, ông Trịnh Hữu Hiền (hiện đều là thành viên HĐQT của PVcomBank).

Với ACB, vào đầu tháng 1/2018, Standard Chartered đã thoái sạch vốn và hai ngân hàng chính thức “đường ai nấy đi” sau 12 năm gắn bó. Đại diện vốn của Standard Chartered là ông Andrew Colins Vallis cũng đã rút lui khỏi HĐQT ACB. Ngay sau đó, ACB tiến hành chốt quyền ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến bầu vào thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023. Số lượng và việc bầu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới sẽ được trình ĐHĐCĐ 2018 sắp tới thông qua.

Nhiệm kỳ hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát tại khá nhiều các nhà băng khác như BacABank, SeABank hay KienLongBank cũng sẽ kết thúc trong năm 2018. Vì vậy, các ngân hàng này sẽ tiến hành bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới (2018-2023) trong ĐHĐCĐ sắp tới.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   Năm 2018, rất khó giảm lãi suất, tỷ giá sẽ không có biến động (20/03/2018)

>   Chuyện về chàng sinh viên Luật – Kiện tướng Lê Tuấn Minh (20/03/2018)

>   Techcombank bán cổ phiếu quỹ, đã có 6 nhân viên đăng ký gom 346,000 cp (20/03/2018)

>   Ngân hàng SCB đặt mục tiêu lãi trước thuế 2018 đạt 224 tỷ đồng, cổ tức sẽ vẫn phải chờ chỉ đạo của NHNN (20/03/2018)

>   Nan giải cuộc chiến thanh toán “tiền bẩn” (20/03/2018)

>   Vì sao MBB "mạnh tay" đặt kế hoạch lãi trước thuế 2018 tăng 47% lên 6,800 tỷ đồng? (20/03/2018)

>   Viện Kiểm sát nhắc ông Đinh La Thăng ‘trả lời đúng trọng tâm’ (20/03/2018)

>   Agribank đấu giá tài sản của STL khởi điểm hơn 59.8 tỷ đồng (20/03/2018)

>   Nguyên tổng giám đốc Navibank lãnh 13 năm tù (20/03/2018)

>   Giá USD bật tăng trở lại (20/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật