Trên có nghiêm, dưới mới sạch
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị (ảnh) cho rằng, để chống chạy chức, chạy quyền thì quan trọng nhất là người đứng đầu cấp ủy và người làm công tác tổ chức. Nếu các “chốt” này công tâm, trong sáng, công khai, minh bạch thì sẽ không ai dám “chạy” và cũng không thể “chạy” được.
Không khí dân chủ, quyết tâm trong Đại hội Đảng. Ảnh: DT.
|
Công tâm, công khai và minh bạch
Ngay từ năm 1999, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã cảnh báo và chỉ ra tình trạng chạy chức, chạy quyền. Khi đó tình trạng “chạy” diễn ra như thế nào, thưa ông?
Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) thời đó tập trung chủ yếu vào vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng. Khi đó, trong bộ máy, ở một số cơ quan, đơn vị xuất hiện tình trạng mất dân chủ, xa rời quần chúng, một số cán bộ hư hỏng, ăn chơi, gây bức xúc trong nhân dân. Riêng về tình trạng chạy chức, chạy quyền các biểu hiện, dấu hiệu là có nhưng chưa nặng nề, mang tính cá biệt. Cũng có trường hợp biếu xén, quà cáp để nhờ vả, mong được nâng đỡ. Do đó, việc ban hành Nghị quyết T.Ư 6 lần 2 là rất quan trọng, với quyết tâm không để cán bộ, đảng viên sa sút về đạo đức, lối sống. Đây chính là quan điểm của Bác Hồ về chỉnh đốn đảng. Bác cũng nói là có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong.
Khi đó Đảng đã làm gì để xử lý và ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền?
Thời đó ít phức tạp hơn bây giờ. Và như tôi đã nói là dấu hiệu chạy chức, chạy quyền là có nhưng chỉ mang tính cá biệt. Bởi công tác tổ chức cán bộ thời đó rất nghiêm ngặt. Việc đề bạt cán bộ ngoài tiêu chuẩn, quy định ra còn phải phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến người dân đánh giá về cán bộ. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 lần 2, Đảng làm rất quyết liệt. Nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao có vi phạm, liên đới đến các vụ việc nổi cộm đều bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Về công tác cán bộ, tôi nhớ, khi là Bí thư Thành ủy Hà Nội, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố thì ban thường vụ Thành ủy bàn bạc rất dân chủ, thẳng thắn về công tác cán bộ. Danh sách cán bộ dự kiến được các cơ quan, ban ngành thẩm định rất kỹ về mọi mặt từ trình độ, tiêu chuẩn, đạo đức, không có chuyện “con ông, cháu cha” gì cả. Tại đại hội, Ban Thường vụ thống nhất không báo cáo danh sách mà chỉ làm cơ cấu, còn để Đại hội dân chủ thảo luận, giới thiệu. Qua thảo luận thì thấy cơ bản phương án nhân sự cũng giống chuẩn bị ban đầu, có chăng chỉ vênh một vài trường hợp. Cách làm như thế rất dân chủ, công khai, minh bạch nên không có chuyện “chạy”, đút lót, hối lộ. Thậm chí muốn “chạy” thì cũng không thể “chạy” được và cũng không biết chạy ai, làm sao mà chạy được cả đại hội. Do đó, điều quan trọng nhất trong công tác cán bộ là phải công tâm, công khai, minh bạch và phải vì cái chung, chứ đừng vì lợi ích cá nhân.
Như vậy, Đảng đã nhận diện và cảnh báo tình trạng chạy chức, chạy quyền từ rất sớm. Vậy vì sao đến nay nó vẫn diễn ra phức tạp?
Tất cả những hư hỏng của cán bộ, rồi tình trạng chạy chức, chạy quyền đều đã được Đảng ta thẳng thắn chỉ ra, rõ nhất là trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Trung ương 4 khóa XII… Sở dĩ người ta chạy chức, chạy quyền là để được làm quan, để có địa vị, từ đó hưởng bổng lộc nhờ cái địa vị đó. Vừa qua báo cáo của các cấp có thẩm quyền mới chỉ nêu con số hơn 10 tỉnh, thành phố có việc bổ nhiệm người nhà, người thân. Nhưng nếu kiểm tra tất cả các tỉnh, thành phố thì tôi nghĩ con số sẽ còn lớn hơn.
Đây là điều rất nguy hiểm và Đảng đã nhận diện đúng. Vấn đề quan trọng là hành động như thế nào? Theo tôi, trong công tác cán bộ, lãnh đạo, người đứng đầu các cấp mà gương mẫu thì chạy chức, chạy quyền thế nào được. Nếu có thì cũng rất hiếm và sẽ bị phát hiện, xử lý ngay, chứ đâu diễn ra nhiều nơi được, sờ đâu cũng thấy chuyện. Làm công tác cán bộ đòi hỏi phải gương mẫu, nghiêm khắc, trong sạch, lắng nghe ý kiến từ nhân dân.
Tiếp củi để “lò” luôn nóng
Trước thực trạng trên, Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng quy định về kiểm soát quyền lực ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, theo ông cần có giải pháp gì để có hiệu quả?
Theo tôi vai trò của người đứng đầu cấp ủy và người làm công tác tổ chức là quan trọng nhất. Tiếp đó là phải phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên… Cần có quy định chặt chẽ, nhưng quan trọng nhất là phải phát huy vai trò của nhân dân. Phải để dân tham gia vào công việc giới thiệu cán bộ cho Đảng. Ví dụ, khi bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ thì trước hết phải lắng nghe ý kiến của người dân để biết cán bộ đó tốt – xấu ra sao? Ví dụ như qua việc bổ nhiệm, luân chuyển Trịnh Xuân Thanh thì thấy có “bóng dáng” của việc “chạy” nhưng sao lại không phát hiện ra? Nếu chúng ta phát huy và lắng nghe ý kiến của người dân có lẽ đã phát hiện được những vi phạm trong việc luân chuyển, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh từ rất sớm.
Quyền lực là của nhân dân giao cho. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý thì phải chịu sự kiểm soát, giám sát của nhân dân. Đảng lãnh đạo đúng vai trò, ở đâu có vấn đề gì là phải “tuýt còi” ngay, xử lý ngay. Bên cạnh đó, Đảng cũng cần phải quan tâm bồi dưỡng, trọng dụng người tài vào Đảng; bổ nhiệm người tài ngoài Đảng vào bộ máy.
Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng thời gian qua đã và đang được thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, dư luận vẫn lo rằng liệu có giữ được “lò nóng” mãi, thưa ông?
Khóa XI Đảng đã khởi động và khóa XII đã thực hiện ngày càng tốt hơn việc xây dựng chỉnh đốn Đảng. Nhưng không vì thế mà chủ quan. Trong thời gian tới cần phải tiếp tục kiên định, vững vàng, quyết tâm hơn nữa. Làm sao có “lò lửa” cháy và nhiều người cầm củi mang vào, chứ chỉ một hai người cầm củi đưa vào thì sợ rằng, lúc nào đó mệt, củi sẽ hết và lò sẽ tắt… Cần phải có giải pháp động viên, bảo vệ để có thật nhiều người tiếp củi, nhặt củi đưa vào lò, có thế thì lò mới cháy và không sợ bị tắt… Lò cháy thì mới đốt hết các tiêu cực, Đảng mới vững mạnh. Một cán bộ lãnh đạo năng lực trình độ hạn chế thì sẽ làm cho cả bộ máy, địa phương, bộ ngành trì trệ. Chưa nói, nếu cán bộ đó mà còn hư hỏng nữa thì sẽ gây hại nhiều hơn nữa. Do đó công tác cán bộ là rất quan trọng, là then chốt của mọi then chốt.
Vừa qua báo cáo của các cấp có thẩm quyền mới chỉ nêu con số hơn 10 tỉnh, thành phố có việc bổ nhiệm người nhà, người thân. Nhưng nếu kiểm tra tất cả các tỉnh, thành phố thì tôi nghĩ con số sẽ còn lớn hơn.
|
Văn Kiên - Luân Dũng (thực hiện)
TPO
|