Việt Nam và 10 quốc gia thành viên hoàn tất các chi tiết cuối cùng của CPTPP
CPTPP sẽ được ký kết ở Chile vào ngày 08/03/2018
Các chi tiết cuối cùng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 3/2018) đã đạt được sự đồng thuận từ tất cả 11 quốc gia thành viên.
Hiệp định này trước đó đã đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) sau khi Mỹ rút lui.
CPTPP chiếm tới 12.9% GDP của cả thế giới và 14.9% hoạt động thương mại toàn cầu. Bất chấp sự rút lui của Mỹ, thỏa thuận hiện tại vẫn ngang tầm với Thỏa thuận Đối tác Kinh tế (EPA) giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) vừa mới hoàn tất trong thời gian gần đây.
Về đích
“Mỹ đã tuyên bố rút khỏi TPP từ một năm về trước”, Toshimitsu Motegi - Bộ trưởng Kinh tế của Nhật Bản cho biết tại cuộc họp báo ngày 23/01/2018 sau 2 ngày bàn luận với các nhà đàm phán thương mại hàng đầu tại Tokyo.
CPTPP sẽ được ký kết ở Chile vào ngày 08/03/2018, ông Motegi thông báo. Một khi ký kết hoàn tất, thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau khi được 6 quốc gia phê chuẩn.
“Tất cả 11 quốc gia thành viên sẽ tham gia buổi lễ ký kết”, ông cho biết. “Chúng tôi sẽ không thay đổi lịch nữa”.
“Ngay cả khi nếu Canada muốn rút khỏi thỏa thuận thì ngày 08/03 vẫn là ngày 10 quốc gia còn lại tiến hành ký kết”, một quan chức Nhật Bản cho biết.
Cơ hội để tăng trưởng
Bất chấp các lợi ích cạnh tranh từ mỗi nước, tất cả các bên đều nhất trí rằng họ không phải bỏ phí gần 8 năm đàm phán trước đó. CPTPP đại diện cho tầm quan trọng của hoạt động thương mại đa phương và là một đối trọng với khát khao tiến tới các thỏa thuận thương mại song phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhật Bản hy vọng CPTPP sẽ được phê chuẩn vào năm 2019, dùng cột mốc đó để mời Mỹ quay lại với thỏa thuận và mang thêm nhiều quốc gia khác vào. “Tôi muốn nghĩ về việc mở rộng TPP sau khi nó có hiệu lực”, ông Motegi cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục giải thích tầm quan trọng của TPP với Mỹ và chúng tôi hy vọng họ sẽ ‘hồi tâm chuyển ý’ mà quay lại với TPP”.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia Review)
Fili
|