Thứ Sáu, 19/01/2018 15:11

Tính lại GDP để nâng trần nợ công

Tại hội nghị tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa yêu cầu Tổng cục Thống kê tính lại GDP. Ông nói: “Tôi yêu cầu Tổng cục Thống kê hoàn thiện phương pháp tính, tính đúng, tính đủ quy mô kinh tế”. Thủ tướng giải thích, nhiều chuyên gia nói Việt Nam bỏ lọt tính khu vực kinh tế phi chính thức có thể lên tới 30% GDP.

Để Việt Nam đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững và cao, điểm cần ưu tiên là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: NGUYỄN NAM

Tính lại GDP đã được chỉ đạo bằng văn bản

Thủ tướng nói thêm: “Hàng vạn cái nhà lầu, hàng trăm chiếc ô tô đăng ký mỗi tháng ở TPHCM, Hà Nội mà chả tính được cái gì, bỏ rơi hết. Nếu cộng thêm được 30% nữa thì không phải 5 triệu tỉ đồng; mẫu số lớn lên, quy mô nợ công sẽ giảm xuống, có tiền cho đầu tư phát triển”.

Đây là lần thứ hai Thủ tướng đề nghị tính lại GDP, sau lần ở hội nghị tổng kết của Bộ Tài chính tuần trước. Ở hội nghị này, Thủ tướng giải thích tầm quan trọng của tăng trưởng: “GDP đạt trên 5,1 triệu tỉ đồng. Con số này rất quan trọng, từ tổng GDP này làm cho nợ công thời điểm này còn 61,3% GDP, như vậy, so với đầu năm 2016 là chúng ta kịch trần 64,5-64,6% GDP”. Ông tỏ ra lo lắng: “Nợ công đe dọa nền tài chính của chúng ta. Nếu GDP tăng cao nhiều năm tới, thì số liệu này rất quan trọng với nền tài chính của Việt Nam”.

Theo một số thành viên của Tổ tư vấn của Thủ tướng, vấn đề này đã được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập không ít lần tại các cuộc họp. Ngày 5-1-2018, Phó thủ tướng đã ký công văn yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế bao gồm cả phần kinh tế ngầm, phi chính thức, tự cung, tự cấp, tự sản, tự tiêu, và phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-1-2018.

Trong khi đó, tại hội nghị của ngành kế hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết bộ này đã trình Thủ tướng: “Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng thống kê đến năm 2030”; “Báo cáo về phương pháp xác định GDP”... Bộ cũng đã trình Chính phủ và Bộ Chính trị “Báo cáo kiểm kê, đánh giá thực chất tình hình các nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam”.

Tại hội nghị có sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định, cơ quan này sẽ điều chỉnh quy mô GDP trên cơ sở kết quả của Tổng điều tra nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2017. Bên cạnh đó, cơ quan thống kê sẽ trình Thủ tướng phê duyệt để thực hiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhằm thu thập đầy đủ thông tin của các hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra và ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế nhưng chưa được đo lường và tính toán đầy đủ trong GDP.

Như vậy, chuyện tính lại GDP đã được chỉ đạo bằng văn bản.

Quan trọng vẫn phải duy trì ổn định vĩ mô

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2017 chi trả nợ lãi lên tới 91.000 tỉ đồng, chi trả nợ gốc ước tính đạt gần 148.000 tỉ đồng. Hai khoản chi này tổng cộng gần 239.000 tỉ đồng, vượt quá xa so với gần 160.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ phát hành trong năm, theo Bộ Tài chính. Bộ Tài chính cho biết, năm 2018 sẽ huy động vốn hơn 363.000 tỉ đồng, trong đó để bù đắp bội chi hơn 206.000 tỉ đồng, để trả nợ gốc hơn 157.000 tỉ đồng. Đó là những con số rất lớn khi so với tổng thu ngân sách.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu rất thấp. Theo Bộ Tài chính, trong năm 2017 đầu tư phát triển chỉ vào khoảng 76% dự toán, vốn trái phiếu chính phủ đạt khoảng 23,5% dự toán (năm 2016 tương ứng là 77% và 45,3% dự toán). Điều này cho thấy, Nhà nước thu thuế và vay nợ nhưng chưa sử dụng hiệu quả.

Trong khi đó, bội chi chỉ còn 3,48% GDP năm 2017, giảm nhiều so với các năm trước đây, được giải thích là do không bao gồm trả nợ theo Luật Quản lý nợ công mới đi vào hiệu lực.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, khi được chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh từ trường Đại học Fulbright đặt câu hỏi, làm thế nào để Việt Nam đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững và cao, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sebastian Eckardt khẳng định, điểm cần ưu tiên là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, nhận xét về tài khóa và các nguồn lực tài chính công cho tăng trưởng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: “Muốn tăng trưởng nhanh, bền vững thì phải ổn định vĩ mô và đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia. Cần phải xây dựng một chính sách tài khóa và vận hành nền tài chính theo hướng tích cực và lành mạnh, tiến tới từng bước cân đối thu-chi ngân sách, giảm bội chi và nợ công”. Bên cạnh đó, ông Hiển khẳng định phải nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Tư Giang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam 2018 tăng 6,8% (18/01/2018)

>   Thủ tướng "sốc lại" ngành kế hoạch và đầu tư (17/01/2018)

>   VEPR dự báo GDP quý 1/2018 đạt 6.02% (16/01/2018)

>   Chồng chéo chính sách an sinh (13/01/2018)

>   Việt Nam thành con hổ kinh tế mới, tại sao không? (13/01/2018)

>   Việt Nam chỉ còn hơn Lào và Campuchia... (12/01/2018)

>   Các trưởng đoàn đàm phán sắp nhóm họp 'TPP không có Mỹ' (11/01/2018)

>   Chuyên gia: kinh tế Việt Nam có nhiều đặc trưng đáng lo ngại (11/01/2018)

>   Có hay không cái “bẫy thu nhập trung bình”? (08/01/2018)

>   Giữa ma trận chỉ báo tài chính, cuối cùng nền kinh tế đang thắt chặt hay nới lỏng? (06/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật