Thứ Bảy, 06/01/2018 08:53

Giữa ma trận chỉ báo tài chính, cuối cùng nền kinh tế đang thắt chặt hay nới lỏng?

Lần đầu tiên tại Việt Nam chính thức công bố Chỉ số điều kiện tài chính FCI bởi nhóm nghiên cứu của Khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, là tổng hợp của nhiều chỉ số tài chính để có thể dự báo biến động của thị trường chứng khoán, tăng trưởng kinh tế… hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách và quyết định của nhà đầu tư.

Sáng ngày 05/01/2018, Khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã tổ chức buổi hội thảo khoa học công bố: “Chỉ số điều kiện tài chính FCI – đo lường và ứng dụng tại Việt Nam”.

Theo nhóm nghiên cứu của Khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, hiện nay ở Việt Nam, nhiều chỉ số dự báo như tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng, biến động lãi suất, tỷ giá hối đoái, thâm hụt ngân sách, tỷ lệ nợ xấu,... hầu như chỉ được công bố, phân tích và đánh giá một cách rời rạc. Tuy nhiên trong thực tiễn, các chỉ số này đều có sự tương tác và ràng buộc lẫn nhau cộng với sự phức tạp của khu vực tài chính đòi hỏi phải có rất nhiều các chỉ số để có thể phản ánh đầy đủ những đặc trưng của khu vực này. Việc chỉ sử dụng một vài chỉ số tài chính riêng lẻ như cách làm hiện nay để phản ánh các điều kiện tài chính sẽ dẫn đến việc phát ra những tín hiệu không chính xác, điều này sẽ gây lệch lạc hoặc giảm hiệu quả của việc hoạch định và điều hành các chính sách kinh tế hoặc ra các quyết định chi tiêu và đầu tư.

GS.TS. Trần Ngọc Thơ – thành viên nhóm nghiên cứu (thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia) chia sẻ thêm, trong bối cảnh hiện nay Chính phủ muốn giảm lãi suất tức là phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách nhưng lại muốn tăng thuế tương ứng tín hiệu về chính sách thắt chặt… Vậy giữa hàng loạt các chỉ báo đó, tựu trung lại việc nhận định nền kinh tế đang theo hướng nới lỏng hay thắt chặt không phải là điều dễ dàng.

Theo thành viên khác của nhóm nghiên cứu – PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho biết các tổ chức và đặc biệt là Ngân hàng trung ương (NHTW) ở các nước trên thế giới đã xây dựng một chỉ số tổng hợp nhằm phản ánh các điều kiện tài chính chung của cả nền kinh tế theo thời gian, cũng như đánh giá tác động của các điều kiện tài chính đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn và dài hạn là Chỉ số điều kiện tài chính – FCI (Financial Conditions Index).

PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Trưởng khoa Tài chính trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Chỉ số FCI là chỉ số tổng hợp, tóm tắt tất cả các thông tin về điều kiện tài chính có liên quan đến triển vọng của nền kinh tế, sử dụng một tập hợp lớn các thông tin từ các biến tài chính giúp làm tăng khả năng và độ chính xác trong việc dự báo kỳ vọng tăng trưởng kinh tế. Chỉ số FCI cung cấp công cụ phân tích hữu ích trong việc đánh giá các điều kiện tài chính tại Việt Nam (như lãi suất, tỷ giá hối đoái, giá chứng khoán, tăng trưởng tín dụng...) đang có xu hướng thặt chặt hay nới lỏng. Điều này là căn cứ quan trọng để làm cơ sở cho việc hoạch định, điều hành và đánh giá hiệu quả của các chính sách kinh tế cũng như thực hiện các dự báo nền kinh tế.

Theo đó, FCI cũng có thể giúp dự đoán biến động của thị trường chứng khoán trong vài quý tiếp theo vì có thể phản ánh xu thế của chính sách tiền tệ, qua việc phản ánh điều kiện tài chính là đang siết chặt hay nới lỏng, để đưa ra dự báo về xu thế của dòng tiền, dòng tín dụng vào chứng khoán, những yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến giá cổ phiếu. FCI cũng có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá được các điều kiện tài chính năm nay là “chặt”, hay “lỏng” hơn so với các năm khác, nếu được thiết kế phù hợp có thể là một thước đo rộng hơn của xu thế chính sách tiền tệ trong trung và dài hạn qua một chỉ số.

GS.TS. Trần Ngọc Thơ cũng cho biết thêm, với chỉ báo mới FCI kỳ vọng cũng sẽ thay đổi cách chơi về phân tích, bình luận chính sách với những thông số định lượng cụ thể thay vì những nhận định về cảm tính.

Khi nào nền kinh tế nới lỏng hay thắt chặt?

Nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Tài chính – UEH cho biết đã dựa trên phiên bản mới nhất này để đo lường và công bố chỉ số FCI của Việt Nam giai đoạn từ quý 4/2002 đến quý 1/2017, dựa trên dữ liệu của các nhóm lãi suất, tỷ giá hối đoái, giá cả thị trường và nhóm yếu tố tín dụng.

Theo nghiên cứu được công bố, nếu kết quả của FCI thể hiện giá trị dương cho thấy các chính sách điều tiết thị trường tài chính đang có xu hướng gia tăng sự kìm hãm lên các điều kiện tài chính (thắt chặt). Ngược lại, một sự sụt giảm hay giá trị âm của chỉ số FCI thể hiện sự nới lỏng hơn của các điều kiện tài chính so với mức trung bình.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận định, có biến động ngược chiều giữa FCI và tăng trưởng GDP thực. Các giai đoạn điều kiện tài chính thắt chặt (FCI tăng mạnh) thường dự báo trước sự sụt giảm trong tăng trưởng sản lượng (GDP) và ngược lại.


Tương quan chỉ số FCI và GDP thực của Việt Nam

Cụ thể với kết quả nghiên cứu diễn biến chỉ số FCI của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2017, các mức giá trị và sự biến động của chỉ số FCI hoàn toàn tương thích với các giai đoạn thắt chặt hay nới lỏng các điều kiện tài chính tại Việt Nam trong từng giai đoạn.

Theo đó, chỉ số FCI mang giá trị âm trong suốt giai đoạn từ 2002 đến nửa đầu 2007 phản ánh chính sách tiền tệ đã được nới lỏng trong giai đoạn này nhằm thực hiện quá trình phục hồi nền kinh tế sau khi Việt Nam phải hứng chịu các cú sốc từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á trong giai đoạn từ 1997-1999. Sau đó, chỉ số FCI tăng vọt từ cuối năm 2007 cho thấy Chính phủ đã thực hiện thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và chỉ số FCI đạt đỉnh vào quý 2/2008 khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh nâng lãi suất cơ bản lên 14%/năm.

Đến năm 2012, trước xu hướng lạm phát giảm, chính sách tiền tệ bắt đầu được nới nỏng, các điều kiện tài chính trở nên “dễ thở” hơn, chỉ số FCI cũng giảm sâu đến mức -1.19% vào quý 3/2012. Trong các năm tiếp theo, chính sách tiền tệ đã được điều tiết khá ổn định, có xu hướng nới lỏng để tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời ổn định mức giá. Các điều kiện tài chính này được phản ánh thích hợp qua FCI với các giá trị âm trong giai đoạn này và sự biến động tương đối ổn định.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận định một tín hiệu đáng mừng là chỉ số FCI trong những năm gần đây đang có xu hướng tiến gần và xoay quanh mức 0 – ngưỡng cho thấy các điều kiện tài chính đang ở mức trung bình của cả giai đoạn 2002 – 2017, được xem là thời kỳ năng động nhất của khu vực tài chính Việt Nam. Điều này đã thể hiện chính sách tiền tệ đang được điều hành một cách thận trọng và phù hợp với các điều kiện kinh tế vĩ mô. Việc duy trì được FCI xoay quanh ngưỡng này trong các năm tiếp theo sẽ là thành công lớn góp phần ổn định nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng mà không gây ra áp lực lạm phát cao.

Nhóm nghiên cứu của Khoa Tài Chính trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết định kỳ sẽ công bố chỉ số FCI và tiếp tục hoàn thiện chỉ số sát với các diễn biến của kinh tế trong nước và thế giới.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2018 cho 5 bộ (05/01/2018)

>   Trình Thủ tướng khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo trước 30/01 (05/01/2018)

>   Bộ trưởng được sử dụng phòng làm việc tối đa 50m2 (04/01/2018)

>   Dự trữ ngoại hối 52 tỉ USD: Cơ hội đầu tư nhiều hơn (04/01/2018)

>   Bộ Tài chính dự báo ba kịch bản cho chỉ số CPI trong năm 2018 (02/01/2018)

>   Ngành sản xuất Việt Nam có triển vọng tốt khi bước vào năm 2018 (02/01/2018)

>   Hàng loạt chính sách mới quan trọng có hiệu lực từ tháng 1/2018 (30/12/2017)

>   Các "kịch bản" tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 (29/12/2017)

>   Giám sát để xóa 'trên nóng dưới lạnh' (29/12/2017)

>   Tổng Bí thư: Không khí phấn khởi đang lan rộng trên cả nước (28/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật