Thị trường cổ phiếu và trái phiếu Mỹ gợi nhớ lại kỷ niệm về cú sụp đổ năm 1987
Trong tuần vừa qua, Phố Wall đang rộn lên về việc đà bán tháo gần đây trên thị trường chứng khoán Mỹ có tác động gì đến nhà đầu tư và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
David Rosenberg, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Gluskin Sheff, tìm thấy ở đà bán tháo lần này có một đặc điểm rất giống với cú sụp đổ trong giai đoạn năm 1987.
Trong ngày thứ Năm (08/02), S&P 500 chính thức bước vào vùng điều chỉnh, giảm hơn 10% so với mức đỉnh xác lập hồi cuối tháng 1/2018.
Ông Rosenberg lưu ý đến việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm leo dốc 16 điểm cơ bản trong suốt đà bán tháo.
“Tôi không thể nói cho bạn biết rằng điều kiện thị trường này hiếm đến mức nào đâu”, ông cho biết trong một lưu ý gửi tới khách hàng trong ngày thứ Sáu (09/02).
Ông Rosenberg cho biết trong suốt cuộc khủng hoảng năm 2008, giá trái phiếu leo dốc khi thị trường đang trên đà sụt giảm và trong các đợt điều chỉnh khác. Được biết, giá trái phiếu và lợi suất trái phiếu dịch chuyển ngược chiều nhau.
“Nhưng lần này thì không. Trong tuần qua, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn tăng mạnh ngay cả khi thị trường chứng khoán tụt dốc. Đây là một đặc điểm đã xảy ra hồi năm 1987 và 1994”, ông nói thêm. “Những điểm chung xuất hiện trong những giai đoạn đó là lo ngại về việc thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nỗi sợ về tình trạng quá nhiệt của nền kinh tế, và một đường cong lợi suất ngày càng phẳng. Trong hai năm đó, một năm đã có một đợt điều chỉnh rất mạnh và một năm khác thì có biến động rất lớn”.
Về phần năm có điều chỉnh mạnh trong nhận định trên, ông muốn nói tới cú sụp đổ trên thị trường chứng khoán trong ngày thứ Hai đen tối (Black Monday) – khi Dow Jones tụt dốc 23% vào ngày 19/10/1987.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|