Cổ phiếu ngành Săm lốp: “Dễ thở” hơn trong dài hạn?
Khó khăn vẫn đang bủa vây ngành Săm lốp Việt Nam khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sụt giảm trong năm 2017. Tuy vậy, xét trong dài hạn thì liệu giới đầu tư có thể đặt kỳ vọng vào nhóm ngành này?
Ngành Săm lốp Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn trong nhiều năm vừa qua. Sự cạnh tranh gay gắt đã khiến các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trong nước liên tục hạ giá bán nhằm duy trì thị phần trước mối đe dọa từ săm lốp nhập khẩu. Điều này đã khiến kết quả kinh doanh của nhóm DNNY này chủ yếu duy trì trong xu hướng sụt giảm.
Cụ thể, doanh thu năm 2017 của DRC chỉ đạt 3,831 tỷ đồng, sụt giảm 8.3% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 162 tỷ đồng, sụt giảm 59%. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 chỉ hoàn thành 38.5% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế kế hoạch năm. Các DNNY khác trong ngành là CSM, SRC, BRC cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi lợi nhuận đều đồng thuận giảm mạnh.
Kết quả kinh doanh của nhóm DNNY ngành Săm lốp
(*) Chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của SRC được lấy lũy kế 4 quý năm 2017
Nguồn: VietstockFinance
Đón nhận nhiều yếu tố hỗ trợ trong dài hạn?
Năm 2018, khó khăn nhiều khả năng sẽ tiếp tục đeo bám nhóm DNNY ngành Săm lốp. Trong đó, vấn đề lớn nhất và cũng là quan trọng nhất là khả năng cạnh tranh đối với sản phẩm săm lốp nước ngoài. Tuy vậy, giới đầu tư hoàn toàn có thể nghĩ tới một sự chuyển biến khởi sắc của nhóm ngành này trong dài hạn khi:
(1) Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ
Về cơ bản, ngành Săm lốp chịu sự ảnh hưởng lớn từ thị trường ô tô – thị trường tiêu thụ săm lốp lớn nhất hiện tại. Ngành Ô tô là ngành mang tính chu kỳ và phụ thuộc lớn vào sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, khi nền kinh tế phát triển ổn định sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng cho ngành Săm lốp. Ngược lại, ngành Săm lốp sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu nền kinh tế rơi vào giai đoạn suy thoái.
Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam đã đạt những con số tăng trưởng ấn tượng. Tiếp nối những thành quả của năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định. Trong đó, chính sách giảm lãi suất, gia tăng tín dụng là một trong những trọng tâm của năm 2018. Cùng với sự tăng trưởng thu nhập, điều này sẽ thúc đẩy hoạt động tiêu dùng của người dân, đặc biệt là ở phân khúc mua sắm ô tô thay thế cho nhu cầu sử dụng xe máy truyền thống.
(2) Ngành Ô tô được kỳ vọng sẽ gia tăng nhu cầu tiêu thụ săm lốp trong dài hạn
Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, ngành công nghiệp Ô tô được định hướng trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam. Cụ thể, đến năm 2020, ngành công nghiệp Ô tô Việt Nam sẽ đáp ứng được 30-40% giá trị nhu cầu linh kiện và phụ tùng cho sản xuất xe ô tô trong nước. Ngoài ra, giai đoạn 2026-2030 ngành công nghiệp Ô tô sẽ đáp ứng được hơn 50% giá trị linh kiện và phụ tùng sản xuất xe ô tô trong nước. Bên cạnh quy hoạch kể trên, các chính sách quan trọng khác hỗ trợ ngành công nghiệp Ô tô trong nước cũng đã được thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ năm 2018.
Với chiến lược phát triển ngành thống nhất và rõ ràng, các chính sách này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm ô tô nội địa. Sản phẩm săm lốp là linh kiện quan trọng nhất được các DNNY sản xuất và đáp ứng thành công cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Do đó, ngành Săm lốp sẽ là nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ định hướng phát triển này của Nhà nước.
(3) Biến động giá nguyên liệu đầu vào được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt trong dài hạn
Trong cơ cấu chi phí sản xuất của ngành Săm lốp, cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp chiếm hơn 50% chi phí nguyên liệu đầu vào để sản xuất lốp xe. Do đó, biến động trong giá cao su sẽ tác động mạnh lên biên lợi nhuận gộp của các DNNY ngành Săm lốp.
Năm 2018, sự hồi phục của giá dầu sẽ tạo động lực hỗ trợ cho giá cao su nhân tạo. Tuy vậy, xét trên tổng thể, kỳ vọng tăng trưởng mạnh của giá cao su vẫn là chưa cao trước khả năng tiếp diễn tình trạng dư cung trên toàn cầu. Cụ thể, theo đánh giá của Hiệp hội Các quốc gia Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC), nguồn cung có thể vượt nhu cầu tiêu thụ ít nhất 300 nghìn tấn/năm trong giai đoạn 2018-2022 trước các ước tính sẵn có về yếu tố tác động hiện hữu. Xu hướng tăng trưởng của giá cao su theo đó chỉ được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh mẽ kể từ năm 2023. Nhóm ba nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng đã quyết định không tiếp tục duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng trong cuộc họp tháng 09/2017. Do đó, trong dài hạn, giá cao su nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong biên độ ổn định hiện tại sau khi về lại ngưỡng giá 200 JPY/kg.
Diễn biến giá cao su trên sàn giao dịch TOCOM
Nguồn: Tokyo Commodity Exchange
Cơ cấu nguyên liệu đầu vào ngành Săm lốp
Nguồn: Vietstock tổng hợp
(4) Hoạt động xuất khẩu sẽ đóng vai trò tăng trưởng chủ đạo
Trong cơ cấu doanh thu của nhóm DNNY ngành Săm lốp Việt Nam, hoạt động xuất khẩu chiếm tỷ trọng không nhỏ với các thị trường trọng điểm như Brazil, Malaysia, Thái Lan… Tính đến cuối năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của DRC đạt 30 triệu USD, mang lại nguồn doanh thu lớn cho DRC. Hoạt động xuất khẩu săm lốp sang thị trường nước ngoài cũng chiếm tỷ trọng đến 25% trong cơ cấu doanh thu của CSM. Riêng DRC hiện tại đang khai thác thêm các thị trường tiềm năng khác như Ấn Độ, Nga, Mỹ… Do đó, trước sự cạnh tranh của sản phẩm săm lốp Trung Quốc trên thị trường nội địa, cơ hội tăng trưởng của nhóm DNNY ngành Săm lốp sẽ phụ thuộc lớn vào triển vọng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài.
Trong 6 tháng cuối năm 2017, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua đề xuất áp thuế chống bán phá giá với một số loại lốp radial có đường kính trên 16 inch dùng cho xe tải, xe buýt. Cụ thể, mức thuế được áp dụng là từ 245.35 USD/tấn tới 452.33 USD/tấn phụ thuộc vào nhà cung cấp và nhà xuất khẩu. Thị trường Ấn Độ là thị trường tiêu thụ săm lốp tiềm năng trong nhóm quốc gia mới nổi thuộc khu vực Châu Á khi có số dân cư đông (hơn 1.3 tỷ người tính đến cuối năm 2017) và tỷ lệ sử dụng ô tô trên đầu người còn thấp. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho các DNNY ngành Săm lốp Việt Nam là DRC và CSM trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu săm lốp radial.
Kết luận: Với những khó khăn hiện hữu từ áp lực cạnh tranh từ lốp xe nhập khẩu, hoạt động kinh doanh của nhóm DNNY ngành Săm lốp sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức trong năm 2018. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng được kỳ vọng sẽ chuyển biến tích cực hơn trong dài hạn trước sự xuất hiện của nhiều yếu tố hỗ trợ mạnh.
Phước Toàn
FiLi
|