Nhịp đập Thị trường 01/02: Sập bẫy phiên chiều
Thị trường bước vào phiên chiều với kỳ vọng hồi phục, sau khi chỉ số VN-Index tăng trở lại trong những phút cuối phiên sáng. Diễn biến 30 phút đầu phiên chiều càng củng cố cho kỳ vọng đó, khi VN-Index tiếp tục tăng lên sát tham chiếu. Tuy nhiên, sau khi tăng đến khoảng 1,108 điểm, tức chỉ còn 2 điểm nữa là “đổi màu”, VN-Index lại giảm.
Đóng cửa, VN-Index chỉ đạt 1,099,6 điểm, giảm gần 11 điểm, tương đương -0.96%. Có vẻ như nhà đầu tư đã sập bẫy trong phiên chiều, 1 cái bẫy giống Bull-trap.
Diễn biến các chỉ số chính 2 sàn ngoài Hà Nội giống sàn HOSE, đều tăng đến sát tham chiều rồi lại giảm mạnh. Tuy nhiên, có 1 điểm cần lưu ý là các chỉ số đại diện cho nhóm Smallcap 2 sàn lại không “hồi” như 2 chỉ số chính, mà vẫn “nằm ở đáy”.
Trong nhóm ngân hàng, giảm giá mạnh nhất là SHB. Đóng cửa phiên chiều, cổ phiếu này giảm hơn 4%. Trong thời gian giao dịch, có lúc cổ phiếu này giảm hơn 6%. Điều an ủi là khối ngoại vẫn ưa thích cổ phiếu này, không chỉ hôm nay mà mấy phiên gần đây.
Hầu hết các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ trong phiên chiều, tuy nhiên lại có 1 vài ngành có nhiều cổ phiếu tăng giá như thủy sản hay thủy điện.
Khối ngoại giao dịch tích cực trong phiên chiều, nhất là ở nhóm ngân hàng, tuy nhiên có không ít mã do họ giao dịch nội khối. Mua ròng nổi bật nhất có lẽ là STB.
MWG bất ngờ tăng trần trong phiên ATC, và đây là kết quả giao dịch của nhà đầu tư trong nước. Có khả năng ai đó đã chấp nhận bỏ hơn 32 tỷ đồng để quét hết các lệnh bán trong phiên ATC. Ngày mai có lẽ cần theo dõi thêm MWG, nhất là thông tin để kiểm chứng lại giao dịch này, liệu có phải là nhờ MWG có thông tin tích cực nào đó, hay đơn giản chỉ là quyết định đầu tư đơn thuần.
QNS tăng đến 11.2% trong phiên chiều. Trong phiên sáng, QNS cũng tăng hơn 8%. Điều này khá ngạc nhiên, vì cổ phiếu ngành đường gần đây diễn biến không mấy tích cực. Khối ngoại mua ròng hơn 60,000 cp, chưa chắc là nhân tố đẩy giá cổ phiếu này lên cao.
Ngược lại với MWG là KBC và PVD, 2 đại gia nằm sàn. Nếu PVD nằm sàn suốt từ phiên sáng đến hết phiên chiều thì KBC chỉ nằm sàn kể từ gần cuối phiên chiều. Cả 2 công ty này đã công bố BCTC quý 4/2017, dù lãi nhưng chủ yếu nhờ đóng góp của các khoản mục tài chính, không thường xuyên.
11h45: Hy vọng dồn cả vào phiên chiều
Ngay sau khi mở cửa trong sắc xanh, VN-Index đột ngột cắm đầu lao xuống 1,090.2 điểm và chỉ hồi lại chút ít, lên 1,099.7 điểm, tuy nhiên vẫn giảm gần 1% vào cuối phiên sáng nay. Trong 4 phiên được coi như là điều chỉnh, tính cả sáng nay, thì mức độ giảm chỉ số sáng nay là mạnh nhất. Mọi hy vọng phục hồi đang đồn hết lên phiên chiều. Diễn biến 2 chỉ số chính trên 2 sàn HNX và UPCoM rất giống diễn biến chỉ số sàn HOSE.
Trong nhóm VN30, số mã giảm giá đang gấp gần 4 lần số tăng giá (22 so với 6). SSI là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong nhóm này (+2.3%), ngược lại ROS giảm 6%. PVD giảm sàn 6.9% nhưng không còn là cổ phiếu trong VN30.
Trên HOSE, 1 số mã vốn hóa lớn đang có tín hiệu tăng giá ngược thị trường như SSI, CTG, PLX, DIG… và cả VNM. Có lẽ PLX, VNM và 1 số mã vốn hóa lớn khác đang giảm giá nhẹ như FPT, MWG, SAB, VCB…, sẽ được kỳ vọng xanh trong phiên chiều, góp phần đỡ chỉ số VN-Index và lan tỏa sang 2 sàn khác.
Hiện tại hầu như không có nhóm ngành cấp 3 nào có số lượng mã tăng giá chiếm đa số. Rủi ro thị trường đang hiện hữu, tức là các cổ phiếu tốt đa số cũng phải đi theo thị trường, tức giảm giá.
Nhóm dầu khí họ PVN đa số chìm trong sắc đỏ, trừ 2 mã bất ngờ tăng giá hơn 4% là PVX và PXT. PVD giảm sàn, nhưng PVS còn giảm mạnh hơn, đến 7.3% dù chưa phải là sàn (biên độ sàn HNX là 10%). DPM gần đây tăng mạnh, những cũng đã cắm đầu 2 phiên, đến sáng nay giảm 4%. DCM sáng còn xanh, nhưng cuối phiên cũng giảm gần 1.5%.
Khối ngoại vẫn giao dịch tích cực trên sàn, trong đó mua ròng nhiều nhất ở các mã E1VFVn30, SSI, SHB, STB, VIC, HUT… MBB được khối ngoại giao dịch nội khối gần 5.5 tr.cp. Khối ngoại bán ròng nhiều nhất ở KBC, STB, VND, PVS…
Tuy chỉ là midcap với mức vốn hóa khá khiêm tốn (hơn 2.3 ngàn tỷ), IDI vừa công bố BCTC Q4 với doanh thu thuần lũy kế cả năm tăng mạnh 32% so với năm trước, đạt mức 5,330 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lên tới gần 350 tỷ đồng, tăng gần 270% so với con số 95 tỷ lãi sau thuế năm 2016. Tuy vậy, giá cổ phiếu IDI sáng nay lại giảm nhẹ gần 2%, sau khi tăng suốt trong nửa cuối tháng 1, có lẽ ứng với “tin ra là bán”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng đầu tiên của năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 3.09 tỷ USD, +25.9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,68 tỷ USD, tăng 34.1%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 560 triệu USD, tăng 15.6% và giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 745 triệu USD, tăng 18.5%.
10h30: Thị trường càng gần Tết càng đỏ
Tình hình giao dịch trên 3 sàn đang ngày càng đỏ hơn, trong đó đậm nhất là HNX, với một loạt Large Cap giảm giá như PVS, SHB, VND, DBC, VCS… Trên HOSE, nhất là nhóm VN30, số lượng mã giảm giá cũng đang chiếm đa số (16 so với 10 mã tăng giá). Các đại gia của các nhóm ngành lớn như ngân hàng, dầu khí, bất động sản đều chìm trong sắc đỏ.
CTD sau khi bắt đáy hôm 29 và 30/01 thì sáng nay lại giảm hơn 4.7% về 191,500 đồng/cp. Khối ngoại bán ròng nhẹ chừng vài ngàn cổ phiếu, do đó có thể tạm suy luận cổ phiếu này giảm giá là do khối nội. Về mặt tín hiệu biểu đồ, cổ phiếu này có lẽ vẫn đang dao động quanh điểm hỗ trợ.
3 đại gia hàng không là ACV, HVN và VJC vẫn đang giảm giá, trong đó ACV và HVN (2 mã này sắp chuyển sàn qua HOSE chung vui cùng VJC) vẫn trượt dài kể từ đỉnh giá cách đây chừng nửa tháng.
Dù giá dầu thế giới đêm qua tăng giá nhẹ trở lại, tuy nhiên 1 số đại gia dầu khí Việt nam như PVD, PVS vẫn giảm không phanh. PVD đang dư bán sàn hơn 200,000 cp.
Theo Nikkei, chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã tăng từ 52.5 điểm tháng 12/2017 lên 53.4 điểm trong tháng 1 năm nay, cho thấy sự lạc quan gia tăng của các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên thông tin này có lẽ chả tác động gì lên diễn biến cổ phiếu.
QNS đang có dấu hiệu đi ngược cả ngành lẫn sàn, khi tăng giá đến 7.2% sáng nay, tương đương với mức tăng cũng hơn 7% vào cuối ngày hôm qua. Công ty cũng đã công bố kết quả kinh doanh cả năm 2017, dù lợi nhuận suy giảm nhưng vẫn đạt con số tuyệt đối ở mức cao, có lẽ đây chính là điểm hỗ trợ giá cổ phiếu lúc này.
Mức lãi cả năm 2017 hơn 423 tỷ đồng nhưng vẫn chưa giúp cổ phiếu QCG tăng giá trở lại. Hiện cổ phiếu này đang giảm giá 2% về 14,500 đ/cp.
Mở cửa: Sóng BCTC quý 4/2017 đã xong
VN-Index sáng nay mở cửa tăng nhẹ lên 1,111.7 điểm, nhưng ngay sau đó có dấu hiệu suy giảm. Các nhóm trụ chính của chỉ số như ngân hàng, dầu khí đang tràn ngập sắc đỏ. Nhìn từ góc độ nhóm vốn hóa lớn, chỉ có 1 số Large Cap như MSN, CTG, PLX… là đang có sắc xanh.
Với hạn chót công bố BCTC quý 4/2017 là ngày hôm qua (trừ 1 số ít trường hợp được UBCKNN cho phép kéo dài thời hạn công bố thêm vài ngày), có thể coi sóng BCTC đã xong. Giờ là lúc thị trường phản ánh kết quả hoạt động của doanh nghiệp vào giá cổ phiếu, cũng không loại trừ khả năng tin ra là bán.
Khối ngoại vẫn giao dịch khá ổn định trong sàng nay, cũng như mấy phiên vừa qua, nếu nhìn vào khối lượng mua. Điểm khá bất thường là lượng bán đang tăng lên, ví dụ như ở VJC, VCB… có khả năng họ cũng đang chốt lời.
PVD, cổ phiếu tâm điểm của ngành dầu khí tiếp tục giảm giá hơn 3% sáng nay, dù công ty đã công bố BCTC quý 4 và cả năm 2017 không lỗ. Có lẽ nhà đầu tư vẫn e ngại nhiều điều liên quan đến hoạt động cốt lõi của PVD, và hiện tại giá dầu lại đang có dấu hiệu giảm trở lại.
Sáng nay (theo giờ Việt Nam), Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng kỳ vọng áp lực lạm phát sẽ tăng cao trong thời gian tới. Tại cuộc họp cuối cùng của bà Janet Yellen trên cương vị Chủ tịch Fed, tất cả thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đều nhất trí giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 1.25-1.5%.
HVN đã công bố BCTC quý 4/2017 với kết quả lợi nhuận tăng vọt, một phần trong đó có đóng góp từ nghiệp vụ bán và thuê mua máy bay. Tuy nhiên giá cổ phiếu này vẫn giảm nhẹ gần 2% sáng nay, thậm chí có lúc giảm về 52,000 đồng/cp. HVN cũng đã mất giá hơn 20% kể từ đỉnh 70,000 đồng/cp thiết lập ngày 23/01, và đang bị khối ngoại bán ròng.
Cho vay tiêu dùng đang khiến Ngân hàng nhà nước và một số số cơ quan khác lo ngại, vì có khả năng lách luật để dòng tiền đi vào chứng khoán hay bất động sản. Ngân hàng nhà nước mới đây cũng đã gửi công văn đến các ngân hàng thương mại chỉ đạo hạn chế đẩy vốn vào 2 kênh sinh lợi cao nhưng cũng rủi ro cao này, để tập trung cho sản xuất. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên giá các ngân hàng có hoạt động cho vay tiêu dùng đáng kể như VPB hay HDB.
Hoàng Nam
FiLi
|