Nhịp đập Thị trường 31/01: VN-Index "đổ đèo" cuối phiên
Áp lực bán tăng về cuối phiên làm VN-Index mất sắc xanh, chỉ số giảm nhẹ 0.02%. GAS tiếp tục là cổ phiếu trụ cột nâng đỡ thị trường.
VN-Index kết phiên giao dịch tại 1,110.36 điểm, giảm 0.02%. HNX-Index có diễn biến tương tự giảm mạnh 1.15% về mức 125.90 điểm. Giá trị khớp lệnh cả hai sàn đạt hơn 9,988.5 tỷ đồng.
Độ rộng toàn thị trường yếu khi 217 mã tăng và 272 mã giảm. Lực cầu cổ phiếu tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Bất động sản là điểm sáng trong phiên, ngành này tăng trưởng khá khi một số cổ phiếu trụ cột như ROS, VIC, NVL đều tăng trưởng. Trong đó, ROS tăng trần và trống bên bán. Trái lại, các cổ phiếu có tính đầu cơ như SCR, FLC lại bị bán mạnh cuối phiên.
Cặp đôi HAG, HNG tăng trưởng tốt trên 1%. HAG đang nhận được những thông tin hỗ trợ sau khi công bố kết quả hoạt động kinh doanh.
Họ dầu khí phân hóa khá mạnh. Trong khi GAS tăng trần với hơn 2.2 triệu cổ phiếu khớp lệnh thì PVS và PVD lại giảm sàn và trống bên bán, PVS khớp lệnh khủng với hơn 16.7 triệu cổ phiếu trao tay trong phiên.
Ngành ngân hàng đảo chiều, các cổ phiếu đầu ngành (VCB, CTG, BID) quay đầu giảm điểm, áp lực bán mạnh trên BID, giảm 5%.Nhưng chứng khoán là ngành giảm mạnh nhất, từ SSI, HCM, BSI, VND đến MBS, SHS đều giảm.
Ngành thực phẩm - đồ uống giằng co. Khi sự đi xuống của VNM được trung hòa bởi đà tăng của SAB và MSN. SAB vẫn trong giai đoạn tích lũy cổ phiếu này dao động trong vùng 244,000- 265,000.
Ngành chế biến thủy sản điều chỉnh mạnh khi HVG, VHC, IDI chìm trong sắc đỏ. HVG giảm sàn với hơn 1 triệu cổ phiếu giao dịch. Cổ phiếu này đã phá vỡ các nhóm MA quan trọng nên xu hướng giảm hình thành và áp lực bán có thể gia tăng trong ngắn hạn.
Sản phẩm cao su điều chỉnh mạnh khi ba ông lớn trong ngành DRC, CSM, SRC đều đi xuống. DRC giảm mạnh trên 2.5%.
14h: GAS “náo loạn” thị trường
VN-Index tăng mạnh trở lại, chỉ số vượt mốc 1,120 điểm nhờ sự đi lên của GAS.
Độ rộng toàn thị trường yếu khi có 212 mã tăng và 264 mã giảm. Điều này cho thấy lực cầu tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giúp VN-Index duy trì sắc xanh.
Họ dầu khí tiếp tục phân hóa, trong khi PVD và PVS điều chỉnh thì PVT và GAS đi lên. Trong đó, GAS tăng trần và trống bên bán với hơn 1.6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Biến động giá của GAS từ tháng 03/2017 đến nay
Bất động sản tiếp tục là ngành thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư khi hàng loạt các cổ phiếu đầu ngành như VIC, BVL, ROS tăng trưởng. Tuy VIC tăng trưởng tốt nhưng cổ phiếu này vẫn dao động trong vùng 84,000-90,000, cho thấy giai đoạn tích lũy vẫn đang chi phối xu hướng của VIC.
Ngành vật liệu xây dựng có sự tăng trưởng khá, HSG và HPG duy trì được sắc xanh. Đặc biệt HPG tăng hơn 2%.
Chiều ngược lại nhóm sản phẩm cao su điều chỉnh, DRC, SRC, CSM đều đi xuống khi nhà đầu tư đánh giá tiêu cực về triển vọng của nhóm này trong năm 2018.
Phiên sáng: Vững vàng trên mốc 1,110 điểm
Lực cầu gia tăng trong phiên giúp VN-Index duy trì sắc xanh và vững vàng trên mốc 1,110 điểm. Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản là động lực chính nâng đỡ thị trường.
Kết phiên sáng, VN-Index tăng lên mức 1,120.46 điểm, tăng 0.89%. HNX-Index rung lắc mạnh quanh tham chiếu, chỉ số tăng nhẹ 0.06% lên mức 127.44 điểm.
Có 197 mã tăng và 229 mã giảm hàm ý lực cung cổ phiếu đang tăng, sự tăng trưởng của thị trường đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Ngành bất động sản thu hút dòng tiền trở lại, các cổ phiếu đầu ngành như VIC, NVL, NLG đều đi lên. Đặc biệt là NLG, cổ phiếu này giao dịch tại vùng giá cao lịch sử, xu hướng tăng được duy trì khi các nhóm MA quan trọng đi lên. Đường MA 20 trở thành hỗ trợ ngắn hạn trong những giai đoạn rung lắc.
Biến động giá của NLG từ tháng 03/2017 đến nay
Thực phẩm - đồ uống tăng trưởng nhờ sự đi lên của SAB và MSN lấn át được tác động tiêu cực từ sự suy yếu của VNM.
VCB đảo chiều ấn tượng, đà tăng của cổ phiếu này và CTG giúp toàn ngành duy trì được sắc xanh.
Cặp đôi HNG và HAG giữ vững đà tăng. Đặc biệt, HAG tăng mạnh 3.1% sau khi báo cáo tài chính được công bố.
Các cổ phiếu ngành dầu khí phản ứng trái chiều trước sự đi xuống của giá dầu. Theo đó, PVD, PVS giảm mạnh, chỉ có GAS tăng ấn tượng trên 4.7%. GAS dao động trong biên độ hẹp 110,000-125,000 cho thấy giai đoạn tạm ngưng/tích lũy trong xu hướng hình thành.
Chiều ngược lại, nhóm sản phẩm cao su tiếp tục chịu áp lực bán mạnh, CSM, DRC, SRC đều đi xuống. Nhóm này rung lắc mạnh trước kết quả kinh doanh không tích cực.
Chế biến thủy sản cũng chìm trong sắc đỏ, các cổ phiếu từng tăng mạnh như HVG, VHC, IDI đều đứng giá hoặc điều chỉnh.
10h30: Rung lắc quanh mốc 1,110 điểm
VN-Index rung lắc mạnh quanh mốc 1,110 điểm, chỉ số giữ được sắc xanh. Dòng tiền chảy vào ngân hàng.
Độ rộng thị trường yếu khi có 177 mã tăng và 219 mã giảm hàm ý sự tăng trưởng đến từ sự đi lên của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Ngân hàng tăng tốt, các đại gia trong ngành (BID, CTG) giữ được mức tăng trên 1%. Ngoài ra, các cổ phiếu khác như ACB, VPB cũng đi lên. Đáng chú ý có HDB đang hình thành sự tích lũy ngắn hạn khi dao động trong biên độ hẹp vùng 46,000-48,000.
Ngành thực phẩm - đồ uống có diễn biến trái chiều, VNM đi xuống trong khi SAB và MSN lại tăng trưởng tốt. Hiện VNM rung lắc trong vùng 200,000-215,000, nhưng xu hướng tăng vẫn còn, VNM mới công bố báo cáo tài chính cho thấy lãi ròng năm 2017 đạt 10,295 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2016.
Biến động giá của VNM từ tháng 03/2017 đến nay
Cặp đôi HAG, HNG tăng trưởng tốt. Đặc biệt, HAG được hỗ trợ mạnh từ các đường MA quan trọng (MA 20, MA 50, MA 100). Theo báo cáo tài chính hợp nhất của HAG năm 2017 thì doanh thu giảm so với năm 2016, tuy nhiên lợi nhuận lại vượt kế hoạch hơn 90%.
Chiều ngược lại, nhóm chứng khoán bị điều chỉnh dưới áp lực từ bên bán, HCM, VND, SSI đều đi xuống. HCM rung lắc nhưng cổ phiếu này đang dao động trong vùng giá cao lịch sử và tiếp tục đi tìm đỉnh ngắn hạn.
Mở cửa: Sắc xanh duy trì
VN-Index duy trì sắc xanh đầu phiên, chỉ số giữ vững mốc 1,110 điểm. Dòng tiền chảy vào bất động sản.
Độ rộng thị trường lớn khi có 185 mã tăng và 118 mã giảm. Điều này chứng tỏ lực cầu cổ phiếu gia tăng.
Bất động sản tăng trưởng với sự đi đầu của VIC, NLG. Ngoài ra, dòng tiền có xu hướng chảy vào một số mã có tính đầu cơ trong ngành như HAR, FLC, SCR…
Ngành hàng không có diễn biến không tích cực, HVN và VJC điều chỉnh, tuy nhiên áp lực bán không lớn. VJC rung lắc mạnh khi tiếp cận vùng kháng cự tâm lý 200,000. Tuy nhiên, xu hướng tăng ngắn hạn của VJC là khá rõ ràng.
Họ dầu khí chịu áp lực chốt lời, khi các ông lớn trong ngành như GAS, PVD, PVS, PVT đều đi xuống theo giá dầu thế giới. Giá dầu thế giới giảm phiên thứ 2 liên tiếp. Theo đó, giá dầu WTI giao tháng 3 giảm 1.5% còn 64.50 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 0.6% xuống 69.02 USD/thùng. Giá dầu điều chỉnh trước áp lực gia tăng sản lượng tại Mỹ, gây nên lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung. Tuy nhiên, giá dầu vẫn dao động quanh đỉnh hơn 3 năm, vùng giá 70 USD/thùng.
Trên sàn HNX, HNX-Index có diễn biến tương tự, chỉ số duy trì sắc xanh từ đầu phiên. Vùng 127-128 điểm vẫn là kháng cự mạnh trong ngắn hạn.
Mạnh Hiếu
FiLi
|