Nhà đầu tư nên làm gì khi lỡ nhịp mua cổ phiếu đã tăng ở giai đoạn hiện tại?
Theo quan điểm của ông Bạch An Viễn - Trưởng phòng Phân tích Vĩ mô và Tài chính của CTCK KIS Việt Nam (KIS), đa số nhà đầu tư sợ mua vào giai đoạn này thì giá đã cao. Thế nhưng xung lực thị trường đang rất mạnh và nếu bức tranh tăng trưởng cổ phiếu đó vẫn còn thì nhà đầu tư vẫn nên mua vào.
Ông Bạch An Viễn
|
Trò chuyện cùng các nhà đầu tư gần đây, tôi hay nghe câu chuyện họ muốn “xuống tiền” nhưng e ngại giá cổ phiếu đã tăng cao nên thôi, tuy nhiên, những mã này lại tiếp tục tăng tốt sau đó. Đối với những trường hợp này, theo ông thì nhà đầu tư nên hành động ra sao, tiếp tục mua đuổi hay chờ đợi?
Ông Bạch An Viễn: Đây là một yếu tố tâm lý bình thường đối với nhà đầu tư. Những cổ phiếu đầu ngành như chứng khoán, bất động sản, thép, hàng không, hàng tiêu dùng hay cổ phiếu mới niêm yết… thường duy trì xu hướng tăng kéo dài chứ không phải mới đây. Và nhà đầu tư, đa số sợ mua vào giai đoạn này thì giá đã cao.
Thế nhưng thị trường đang có một xung lực rất mạnh, tức là đang được hỗ trợ về dòng tiền trong và ngoài nước (dòng tiền cũ và mới tiếp tục đẩy vào). Như vậy, chiến lược đầu tư đang đặt ra đó là nếu chúng ta nhìn nhận doanh nghiệp đó tốt, giá hiện này còn hợp lý và vẫn còn bức tranh tăng trưởng như câu chuyện thoái vốn hay lợi nhuận còn có khả năng tăng thì nhà đầu tư vẫn nên mua. Vì mức định giá hiện nay theo đánh giá của tôi chưa phải là “bong bóng” hay cái gì đó là quá cao.
Còn với nhà đầu tư lướt sóng đánh T+, khi thị trường tăng nóng như hiện nay thì độ rung lắc xảy ra thường xuyên hơn dẫn đến sẽ có nhiều rủi ro hơn cho nhóm đối tượng này. Do đó, chiến lược giảm rủi ro là mua và nắm giữ bất chấp những rung lắc trong ngắn hạn.
Không ít nhà đầu tư dù thị trường tăng nhưng danh mục vẫn không tăng trưởng, thậm chí giảm mặc dù vẫn sở hữu nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh ổn định. Vậy ông đánh giá việc này như thế nào?
Với tình hình thị trường hiện nay, phải nói là hiếm cổ phiếu nào có kết quả kinh doanh tốt mà chưa tăng giá. Tất nhiên vẫn có một số trường hợp không tăng và chúng ta đưa ra câu hỏi vì sao nó chưa tăng?
Nguyên nhân đơn giản là cổ phiếu đó chưa có dòng tiền, chưa xuất hiện một xu thế tăng để cuốn hút dòng tiền đầu cơ vào, hay nói đơn giản là chưa có mồi nhử.
Còn với những cổ phiếu đã xuất hiện xu thế tăng thì dòng tiền vẫn đang được thu hút mạnh. Vì thế chúng ta thấy thị trường hiện nay dòng tiền cực kỳ phân hóa, hầu hết đổ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong khi nhóm vừa và nhỏ thì rất ít nên mức độ tăng giá rất hạn chế.
Ông dự báo thị trường chứng khoán sẽ chuyển động như thế nào trong thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán? Lời khuyên nào đưa ra cho nhà đầu tư về chiến lược mua bán trong giai đoạn này?
Trước Tết, tôi dự báo VN-Index có khả năng đạt 1,200 điểm trong kịch bản bình thường và kịch bản tốt nhất thì có thể lên 1,400 điểm. Bởi như tôi đã nói, xung lực thị trường đang rất tốt nhờ dòng tiền gia tăng hay kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết (quý 4/2017 sẽ rất tốt). Hơn nữa, hiệu ứng dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đổ mạnh vào thị trường Việt Nam cũng tác động tích cực. Yếu tố về IPO, niêm yết mới theo sau những thương vụ thành công gần đây sẽ là động lực chính.
Nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu đầu ngành như bất động sản, ngân hàng thép, bán lẻ, hàng không… vẫn còn dư địa tăng tốt. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến danh mục nhóm cổ phiếu thoái vốn trong thời gian tới.
Thị trường có vượt đỉnh cũ năm 2007 hay không dường như chỉ còn là vấn đề thời gian. Theo ông, sau khi vượt đỉnh thị trường sẽ biến động như thế nào? Liệu có rủi ro nào lớn khiến thị trường lao dốc sau đó?
Đến thời điểm này, tôi chưa thấy một rủi ro mang tính chất hệ thống nào về vĩ mô, về vấn đề doanh nghiệp có tác động xấu lên thị trường. Tuy nhiên, nếu quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước hoặc lộ trình thoái vốn không đạt như kỳ vọng thì sẽ tạo ra một phản ứng ngược trong tương lai cho thị trường.
Còn giờ, thị trường vẫn đang tích cực và kịch bản tốt nhất vẫn là 1,400 điểm. Song khi VN-Index vượt đỉnh cũ năm 2007 thì mức độ rung lắc sẽ mạnh hơn bởi yếu tố chốt lời.
Còn về rủi ro thách thức cho thị trường trong năm nay gồm các biến số về vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ giá hay khả năng đảo chiều tăng trưởng thì không đáng ngại.
Song, chúng ta nên nhớ rằng thị trường chứng khoán luôn luôn đi trước, tức là thị trường của sự kỳ vọng (kỳ vọng về thoái vốn, IPO, niêm yết mới…). Chứng khoán đã tăng nóng thời gian gần đây là nhờ tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng tốt nên chỉ cần có 1 sự kiện không đạt như kỳ vọng thì người ta dễ dàng phản ứng ngược lại.
Tôi cũng kỳ vọng kịch bản xấu nhất này sẽ không diễn ra hoặc nếu có cũng chỉ ở mức vừa phải.
Phương Châu
FiLi
|