Trong thế giới tiền ảo, Blockchain mới là kẻ chiến thắng thực sự?
Trong năm 2017, cơn địa chấn mang tên tiền kỹ thuật số đã khấy đảo thế giới đầu tư và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Giá Bitcoin leo dốc 12 lần trong giai đoạn 12 tháng vừa qua, còn Ethereum nhảy vọt hơn 11,200% và đồng Ripple phi mã gần 10,000%. Bị thu hút bởi sự tăng trưởng ấn tượng, nhiều nhà đầu tư nhìn nhận về thị trường tiền ảo thông qua lăng kính về diễn biến giá tiền kỹ thuật số.
Tuy nhiên, đối với những ai không có hứng thú với việc mua, bán và quản lý danh mục tiền kỹ thuật số, thì vẫn còn một cách để đầu tư vào lĩnh vực này – đó là học hỏi và đầu tư vào công nghệ Blockchain.
Blockchain được xem là một công nghệ đột phá và có tiềm năng tương tự như kỷ nguyên Internet vào đầu thập niên 90. Trong tương lai không xa, Blockchain còn có thể giữ vai trò trung tâm trong cách thức làm việc, thực hiện kinh doanh, chơi đùa và hoạt động trong xã hội.
“Đây là một lĩnh vực mà chúng tôi nghĩ là sẽ có tính cách mạng như Internet. Chúng tôi sẽ có hàng triệu người làm việc trong lĩnh vực này, nếu không muốn nói là hàng chục triệu người”, Antonis Polemitis, CEO của Đại học Nicosia và là người đi tiên phong về chương trình giáo dục Blockchain cũng như tiền kỹ thuật số, cho hay. “Bạn sẽ cần kế toán viên, kiểm toán viên, luật sư và các nhà điều hành Chính phủ – những người hiểu cách thức hoạt động của Blockchain”.
Hồi mùa Xuân năm 2014, Đại học Nicosia đã tạo lập nên bằng Thạc sĩ đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số và Blockchain, giảng dạy thông qua mạng.
“Nếu bạn có thể phát triển kinh nghiệm về Blockchain trong giai đoạn này một cách kịp thời thì bạn sẽ có triển vọng việc làm tuyệt vời và có lẽ sẽ khá nổi tiếng trong công ty vì nhiều người sẽ cố gắng xem xét Blockchain sẽ phù hợp với việc gì”, ông Polemitis cho hay. “Và không có nhiều người trên thế giới hiểu cách thức hoạt động của Blockchain đâu”.
Để rõ ràng hơn, Bitcoin – ứng dụng nổi tiếng nhất dựa trên nền tảng Blockchain – chỉ mới là một trường hợp sử dụng của công nghệ này. Báo cáo xu hướng Blockchain của Gartner có đoạn: “Công nghệ Blockchain có khả năng ứng dụng tới nhiều lĩnh vực, bao gồm cả điều hành Chính phủ, y tế, giáo dục, sản xuất công nghiệp, năng lượng và chuỗi cung ứng”. Ngoài ra, báo cáo này cũng dự báo rằng vào năm 2030, giá trị gia tăng tạo ra từ Blockchain sẽ tăng lên 3.1 ngàn tỷ USD.
Ông lớn công nghệ IBM đã xây dựng một đơn vị Blockchain để triển khai công nghệ này trong nhiều lĩnh vực. Sử dụng nền tảng Blockchain của chính công ty mình là Hyperledger, IBM đang phối hợp với nhiều đối tác như Walmart để đẩy nhanh quá trình theo dõi thực phẩm, đồng thời giúp Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tối đa hóa thông tin trong các cuộc thử nghiệm thuốc lâm sàng và phối hợp với Northern Trust trong việc cải tiến hoạt động quản lý vốn tư nhân (PE).
Trong trường hợp của Walmart, IBM có khả năng làm giảm bớt thời gian của quá trình theo dõi thực phẩm từ 6 ngày xuống chỉ còn 2 giây nhờ có Blockchain. “Kiểu chuyển biến như thế này có thể thực sự đẩy nhanh tiến trình ra quyết định vì thế bạn có thể tối thiểu hóa nguy cơ về sức khỏe từ các loại bệnh tật do thực phẩm gây ra”, Marie Wieck – người điều hành đơn vị Blockchain của IBM – cho hay.
Kể từ khi khởi động hồi tháng 2/2017, đơn vị Blockchain của IBM đã phát triển thành 1,500 người trên toàn thế giới, phối hợp trong hơn 400 dự án.
Một người có thể tự hỏi: Thực sự thì Blockchain là cái gì? Về cơ bản, đây là một dạng cơ sở dữ liệu mới. Hãy nghĩ về Blockchain như là một bảng tính của Google – nơi mọi người có thể thực hiện thay đổi và các bản cập nhật được chia sẻ tới những người tham gia vào mạng lưới này. Tuy nhiên, điều độc nhất về bản tính này là mọi bản cập nhật đều là bản cuối cùng và không ai có thể làm xáo trộn nó. Nhiều nhà công nghệ gọi đó là "tính không thể thay đổi về mặt kỹ thuật số" (digital immutability), có nghĩa là khi bạn đã thực hiện ghi nhận trên mạng lưới blockchain, thì thật sự không thể thay đổi lại được nữa.
Đặc tính không thể thay đổi trên là điều góp phần giúp Blockchain trở thành thứ mà nhiều ngành công nghiệp hướng tới. Đặc trưng trên tạo ra niềm tin nơi công chúng mà không cần tới một cơ quan trung ương nào cả. Khi mỗi người tham gia vào mạng lưới Blockchain đều phải hiểu rằng dữ liệu là không thể thay đổi, do đó họ tin tưởng vào dữ liệu trên. Đổi lại, điều này tiết kiệm thời gian và chi phí từ việc xác nhận giao dịch.
Đối với Bryant Joseph Gilot – một bác sĩ phẫu thuật, người vừa chuyển sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe dựa trên Blockchain, đặc trưng không thể thay đổi dữ liệu là chìa khóa để đẩy nhanh các quá trình thử nghiệm thuốc lâm sàn truyền thống. Ông đang phối hợp với một nhóm nhỏ tại Blockchain Health, xây dựng một ứng dụng có sử dụng đặc trưng không thay đổi của Blockchain để bảo vệ các dữ liệu nhạy cảm trong các cuộc thử nghiệm thuốc lâm sàn.
“Dữ liệu trong lĩnh vực y học lâm sàng là rất nhạy cảm. Chúng tôi thực sự cần phải khóa nó lại”, ông cho biết. “Vì vậy, xây dựng một ứng dụng dựa trên Blockchain sẽ rất thú vị”.
Ngoài ra, Blockchain Health còn muốn cung cấp cơ chế kiểm soát truy cập rất tinh vi, để cho bác sĩ của bạn có thể nhìn thấy nó, những người chăm sóc bạn có thể nhìn thấy nó, nhưng những công ty bảo hiểm thì không vì những người này có thể thực hiện một quyết định không có lợi cho bạn nhưng mang lại lợi ích cho họ, ông Gilot cho biết. Mục tiêu là đẩy nhanh tiến trình thử nghiệm lâm sàng, nhưng vẫn đảm bảo về tính hợp nhất của dữ liệu, đồng thời tạo cơ hội cho nhiều cuộc thử nghiệm tốt hơn nữa.
Ông Gilot đã có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch và phẫu thuật nói chung. Một ngày nọ, ông phát hiện ra nghiên cứu về Bitcoin của thiên tài ẩn danh Satoshi Nakamoto (một nghiên cứu đầu tiên về Bitcoin). “Thú thực, tôi dành nhiều năm liền nghiền ngẫm về nghiên cứu này. Tôi tiếp tục với các công việc tại phòng khám và hoàn toàn bị phân tâm trong nhiều năm qua... Tôi không nghĩ công nghệ này sẽ biến mất, nó thu hút sự quan tâm của tôi trong thời gian quá dài. Bản thân tôi có ước muốn sử dụng công nghệ này để vận hành thế giới hiện tại”.
Mặc dù Blockchain có thể đẩy nhanh quá trình tiến hành một số công việc truyền thống như xác nhận thông tin và giao dịch, nhưng không thể bỏ qua một nguy cơ tiềm ẩn là nó có thể thay thế công việc của con người.
“Blockchain không chiếm lấy công việc của một barista – nhân viên phụ trách pha chế cà phê – hoặc một người làm hamburger. Nó sẽ thay thế các công việc của những nhân viên văn phòng – một số trong đó có cả bằng thạc sĩ, và họ sẽ mất việc bởi vì công nghệ này”, Campbell Harvey, Giáo sư tài chính tại Đại học Duke, cho hay.
Ông Harvey nói thêm: “Blockchain cho phép thực hiện nhiều tình huống ngang hàng (peer-to-peer) khác nhau và loại bỏ người trung gian. Vì thế những việc liên quan đến bộ phận back-office – vốn tồn tại ở nhiều công ty, nhất là các công ty tài chính – sẽ là những công việc đầu tiên bị biến mất”. Trong 4 năm vừa qua, ông Harvey đã và đang giảng dạy các sinh viên MBA về công nghệ Blockchain và khuyến khích họ xây dựng các ứng dụng thực tiễn thông qua công nghệ này.
Làm sao để mọi người chuẩn bị cho một tương lai đột phá? Trong kỷ nguyên Internet và dữ liệu nguồn mở, việc học hỏi các kiến thức về Blockchain là cực kỳ cần thiết.
“Tin tốt ở đây là tôi không nghĩ bạn cần phải trở lại trường để học về điều này. Tôi nghĩ bạn chỉ cần tìm kiếm trên google: Blockchain là gì? Bitcoin là gì?”, Trevor Kiviat, nhân viên tại Davis Polk & Wardwell – một trong những công ty luật lâu đời nhất của quốc gia, cho hay. Là một luật sư cảm thấy bị mắc kẹt giữa công nghệ Blockchain và quy định, ông quyết định chia sẻ thời gian giữa các dự án vốn tư nhân truyền thống và dự án liên quan đến Blockchain. Sở dĩ ông đưa ra quyết định như thế là vì phần lớn công việc của ông là giải thích Bitcoin, Blockchain, tiền kỹ thuật số và tất cả cụm từ mới với các khách hàng và đồng nghiệp.
Ông Kiviat cho hay: “Bạn không cần phải là nhà khoa học máy tính hay giỏi về thuật toán để hiểu hoàn toàn về công nghệ này”. Ông Kiviat được một người bạn giới thiệu về Bitcoin, và rồi bị cuốn hút vào làn sóng mới nổi trên thị trường.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|