Trung Quốc đẩy mạnh loại trừ hoạt động “đào” Bitcoin
Trung Quốc đang thực hiện các động thái để loại trừ ngành “đào” Bitcoin ở trong nước vì lo ngại về tình trạng tiêu thụ điện quá mức và rủi ro tài chính, qua đó cho thấy các cơ quan chức trách đánh giá rằng tiền kỹ thuật số không phải là một ngành chiến lược.
Theo thông tin từ Financial Times, một nhóm đặc nhiệm thuộc nhiều cơ quan (multi-agency task force) đã chỉ thị cho các chính quyền tỉnh về việc chủ động hướng dẫn các công ty trong khu vực của họ ra khỏi ngành “đào” tiền kỹ thuật số. Động thái gây áp lực lên các thợ “đào” tiền ảo diễn ra sau khi Trung Quốc quyết định cấm hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu (ICO) và đóng cửa các sàn giao dịch Bitcoin trong nước hồi tháng 9/2017.
Các thợ đào tiền ảo tạo ra một đồng Bitcoin mới bằng cách giải quyết các thuật toán phức tạp – vốn là cách thức để xác nhận các giao dịch Bitcoin mới. Mặc dù rõ ràng đây là nhiệm vụ giải quyết thuật toán, nhưng việc phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực xử lý của máy tính đã làm ngành này giống với ngành sản xuất công nghiệp nhiều hơn là các ngành công nghệ cao truyền thống.
Nhiều thợ “đào” Bitcoin đã thành lập hoạt động ở các vùng xa xôi hẻo lánh và thậm chí còn không đăng ký công ty. Một số khác còn lách luật của Trung Quốc – vốn cấm những người sử dụng cuối cùng (end user) mua điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện thay vì các công ty vận hành mạng lưới điện.
Trung Quốc “đào”75% lượng Bitcoin trên thế giới, Liao Xiang, Tổng Giám đốc tại công ty đào tiền ảo Lightningasic, cho hay. Các thợ đào Trung Quốc đã tận dụng lợi thế giá điện rẻ ở các khu vực giàu than đá hoặc có hoạt động thủy điện, bao gồm Tân Cương, Nội Mông, Tứ Xuyên và Vân Nam.
Ngành “đào” tiền ảo trên toàn cầu chiếm 0.17% tổng lượng tiêu thụ điện năng toàn cầu (hơn 161 quốc gia riêng lẻ), dựa trên trang web theo dõi hoạt động “đào” tiền ảo Digiconomist.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang sử dụng các khoản đầu tư Nhà nước và hàng loạt các chính sách công nghiệp trong một nỗ lực vươn lên vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo và robot. Tuy nhiên, việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động “đào” tiền ảo đã phản ánh phần nào rằng tiền kỹ thuật số không có được sự ủng hộ từ phía Chính phủ.
Trích dẫn từ tài liệu của Chính phủ Trung Quốc, hoạt động “đào” Bitcoin tiêu tốn lượng điện năng lớn và cũng khuyến khích tâm lý đầu cơ vào tiền ảo. Hoạt động đào này đi ngược lại với các nỗ lực ngăn chặn rủi ro tài chính, và để ngăn cản các hoạt động khiến nhu cầu của nền kinh tế thực đi chệch hướng.
Đội đặc nhiệm tài chính Internet trên – vốn bao gồm cả Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) – trước đó đã dẫn dắt các nỗ lực thắt chặt quy định về việc cho vay ngang hàng (peer-to-peer) và các khoản vay tiêu dùng trực tuyến.
Tuy nhiên, chỉ thị trên không hề kêu gọi các cơ quan địa phương phải đóng cửa hoạt động “đào” tiền ảo một cách trực tiếp, thay vào đó chỉ cần đào thải bằng cách thực hiện nghiêm ngặt các chính sách về tiêu thụ điện năng, sử dụng đất, thu thuế, và quy định môi trường.
Hiện các thợ “đào” tiền ảo Trung Quốc đang tìm cách để chuyển hoạt động ra nước ngoài, bằng cách chuyển nhà máy hoặc bán chuyên môn của họ. Giá điện rẻ và môi trường mát mẻ – vốn giúp các máy tính khỏi trạng thái quá nhiệt – là các yêu cầu chính yếu. Canada, Iceland, Tây Âu và Nga được xem là các điểm đến hứa hẹn nhất.
Các thành phần tham gia ngành này cho biết Trung Quốc chưa bao giờ là địa điểm phù hợp để tiến hành “đào” tiền ảo, ngay cả khi tính tới việc chi phí điện năng ở một số khu vực rẻ hơn bình thường. Việc Trung Quốc “đào” được nhiều tiền ảo nhất chủ yếu là do quốc gia này có chuỗi cung ứng tốt về các linh kiện máy tính sử dụng trong quá trình “đào” tiền ảo.
“Khó khăn ở đây là việc thiết lập nhà máy ‘đào’ tiền ảo ở những quốc gia khác cần phải có thời gian và vốn để xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn”, ông Liao cho biết. “Điều này tiêu thụ rất nhiều điện năng. Một khu công nghiệp thông thường không thể đáp ứng nổi các điều kiện trên”.
Vũ Hạo (Theo Financial Times)
FiLi
|