Sai phạm của các ngân hàng đằng sau những cái bắt tay ngàn tỷ trong đại án Phạm Công Danh
Tại phiên tòa ngày 10/01, HĐXX đã nhắc lại rất nhiều lần với cả bị cáo Trầm Bê và các lãnh đạo Sacombank về vấn đề khi thẩm định hồ sơ tín dụng thì điều kiện tiên quyết là phương án kinh doanh, phương án thu hồi nợ, sau đó mới đến tài sản đảm bảo. Trên thực tế, ông Trầm Bê đã không quan tâm các vấn đề khác, chỉ quan tâm đến tiền gửi có thể bảo lãnh mà đã đồng ý duyệt với định mức cao nhất có thể.
Nói chung tại cả 3 ngân hàng, mặc dù Sacombank, TPBank và BIDV đều không có thiệt hại trong việc cho vay đối với các công ty liên quan đến bị can Phạm Công Danh, bản thân VNCB mới là ngân hàng “chịu trận”. Nhưng chính những hành động có thể coi là “tiếp tay” của các các nhân từng là lãnh đạo, cán bộ 3 ngân hàng trên đi cùng với những quy trình thẩm định, phê duyệt tín dụng lỏng lẻo là nguồn cơn dẫn tới hậu quả. Cuối cùng, hàng trăm cán bộ ngân hàng, dù nặng hay nhẹ, đều phải liên đới chịu trách nhiệm liên quan đến vụ án.
Bị cáo Trầm Bê
|
Trong phiên tòa xét xử ngày 10/01, Hộ đồng xét xử (HĐXX) đã thẩm vấn khá nhiều các lãnh đạo cấp cao của Sacombank liên quan đến quy trình phê duyệt và cấp tín dụng cho 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh.
Trước nhiều ý kiến của các bị cáo thuộc Sacombank cho rằng, việc cho vay của 6 công ty là “đúng quy trình”, “có lợi cho Sacombank” hay “luật không hề cấm”, HĐXX đã nhắc lại rất nhiều lần, khi thẩm định hồ sơ tín dụng thì điều kiện tiên quyết là phương án kinh doanh, phương án thu hồi nợ, sau đó mới đến tài sản đảm bảo. Trên thực tế, bị cáo Trầm Bê đã không quan tâm các vấn đề khác, chỉ quan tâm đến tiền gửi có thể bảo lãnh mà đã đồng ý duyệt với định mức cao nhất có thể. Bị cáo Trầm Bê cho VNCB vay nhưng lại thỏa thuận trực tiếp với ông Phạm Công Danh, và HĐXX sẽ xem xét lại điều này.
Khi bị cáo Trầm Bê cho biết không nhớ rõ hết những sai phạm của Sacombank được đề cập trong cáo trạng, Chủ tọa HĐXX một lần nữa đã đọc lại những vi phạm này.
Thứ nhất, Sacombank đã xem xét quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng.
Thứ hai, tại Hợp đồng bảo lãnh, về phía Ngân hàng Đại Tín, chỉ có ông Phan Thành Mai (là người đại diện theo pháp luật) ký, không có chữ ký của Người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và Người thẩm định khoản bảo lãnh.
Thứ ba, Sacombank chi nhánh quận 8, Sacombank chi nhánh Hưng Đạo lập các báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường khi chưa có đủ căn cứ.
Tương tự với vụ án tại TPBank, cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chỉ rõ, khi xét duyệt hồ sơ vay vốn, các chuyên viên khách hàng và lãnh đạo phòng Kinh doanh chỉ xem xét hồ sơ vay của 11 công ty, không đánh giá về năng lực tài chính mà chỉ đánh giá là phương án kinh doanh có hiệu quả và có tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB (1,706 tỷ đồng để đảm bảo cho 11 công ty vay 1,667 tỷ đồng tại TPBank thời hạn 1 năm) và tài sản đảm bảo bổ sung là trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh/Công ty Trung Dung (tài sản bảo đảm của bên thứ 3 hoặc tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay). Tuy nhiên do không tiến hành kiểm tra hồ sơ phát hành trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung nên không xác định được việc phát hành trái phiếu của 2 đơn vị này trái quy định Pháp luật, nhưng vẫn đề xuất cấp tín dụng.
Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung phát hành trái phiếu khi chưa có Báo báo tài chính được kiểm toán có lãi năm 2012 và văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với các dự án Khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng.
|
Khi đơn vị kinh doanh chuyển Tờ trình đề xuất cấp tín dụng và hồ sơ vay vốn của 11 công ty đến thì Phòng Tái thẩm định đã lập Báo cáo thẩm định nội bộ nêu rõ, Phòng Thẩm định chưa có cơ sở để đánh giá về tình hình tài chính hiện tại của 11 công ty được nêu trên Đề nghị vay vốn. Phòng Thẩm định tín dụng 1 chưa có đầy đủ thông tin, hồ sơ pháp lý về đợt phát hành trái phiếu này của Tập đoàn Thiên Thanh/Công ty Trung Dung. Mặc dù không xem xét đến tính pháp lý của các trái phiếu mà 11 công ty vay vốn đầu tư mua có được phát hành đúng quy định của Pháp luật hay không, nhưng Phòng Tái thẩm định 1 TPBank vẫn đồng ý cho các doanh nghiệp vay vốn, nợ hồ sơ phát hành trái phiếu, đề xuất cấp tín dụng cho 11 công ty và trình Hội đồng tín dụng (HĐTD), Ủy ban tín dụng TPBank xem xét, quyết định. Sau đó HĐTD và Ủy ban tín dụng đã đồng ý phê duyệt cấp tín dụng cho 11 công ty vay tổng số tiền là hơn 1,600 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.
Theo Kết luận giám định của Đoàn Giám định NHNN, trong quá trình thẩm định, xét duyệt, ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố/bảo lãnh và kiểm tra sau cho vay trong việc cho các Công ty của Phạm Công Danh vay vốn, TPBank đã có những sai phạm: Quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ hoặc cho vay khi không có đủ hồ sơ, tài liệu để xem xét, đánh giá khả năng tài chính để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng; việc nhận bảo lãnh khi không có chữ ký của Người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và Người thẩm định khoản bảo lãnh; cho vay khi khách hàng và bên bảo lãnh (VNCB) chưa thực hiện bảo đảm tiền vay; không kiểm tra sau cho vay hoặc lập báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường khi chưa có đủ căn cứ, tài liệu...
BIDV cũng có rất nhiều sai phạm trong quy trình cho vay theo kết quả giám định của Đoàn Giám định NHNN. Về điều kiện vay vốn của khách hàng, BIDV đã xem xét và quyết định cho vay khi chưa có đủ cơ sở để xác định khách hàng có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, có phương án khả thi và hiệu quả.
Về việc nhận tài sản đảm bảo của khách hàng, BIDV xem xét và quyết định cho vay khi khách hàng chưa thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp (lô số 13 và 14 Khu phức hợp TMDV cao tầng tại sân vận động Chỉ Lăng - tài sản bên thứ ba: Công ty Toàn Tâm và Công ty Trung Dung).
Về việc nhận bảo lãnh của VNCB để bảo đảm cho các khoản vay, tại Hợp đồng cầm cố giữa 3 bên: VNCB, BIDV và khách hàng, phía VNCB (người bảo lãnh) chỉ có một chữ ký của Tổng Giám đốc là chưa phù hợp theo quy định. Bên cạnh đó, BIDV cũng xem xét và quyết định cho vay đối với các công ty khi khách hàng và VNCB chưa thực hiện bảo đảm tiền vay đúng theo quy định về bảo lãnh.
Về kiểm tra sau cho vay, BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 2 chỉ có văn bản yêu cầu khách hàng vay vốn cung cấp chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn và sắp xếp để ngân hàng kiểm tra sau cho vay không kiểm tra sau cho vay đối với khách hàng.
Cuối cùng, đến thời điểm giám định, cả Sacombank, TPBank và BIDV đều không có thiệt hại trong việc cho vay đối với nhóm các công ty liên quan đến Phạm Công Danh. Việc bảo lãnh của VNCB cho 6 công ty vay vốn gây thiệt hại cho VNCB hơn 6,100 tỷ đồng.
Thu Phong
FiLi
|