Thứ Tư, 10/01/2018 11:31

Đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2

Đại án Phạm Công Danh: Thiệt hại thực sự của VNCB có phải là 6,100 tỷ đồng?

Bị cáo Phan Thành Mai đề nghị xem xét lại con số trên 6,100 tỷ được xem là thiệt hại thực sự với VNCB theo bản cáo trạng, vì vẫn còn nhiều tiền và tài sản nằm tại Ngân hàng. Trong đó có khoản tiền 4,500 tỷ dùng để nâng vốn điều lệ nhưng chưa được ghi nhận và xem xét.

Sáng ngày 10/01/2018, buổi xét xử đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm giai đoạn 2 bước vào phiên làm việc thứ 3. Theo kế hoạch, Hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ xét hỏi nội dung vụ án trước khi vào thẩm vấn các bị cáo.

Từ đề nghị của Luật sư Trần Minh Hải (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) trước đó, HĐXX cho biết, có thể dùng tài liệu, số liệu giai đoạn 1 của vụ án nhưng phải dùng cho đúng. Toàn bộ số liệu ngoài bản án không được phép sử dụng, đây là giới hạn của việc xét xử.

HĐXX bắt đầu phiên thẩm vấn với bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB. Bị cáo Mai thừa nhận phạm lỗi, nhận sai với tất cả hành vi đề cập trong cáo trạng (bao gồm 4 chuỗi hành vi trong vụ án xảy ra tại 3 ngân hàng là Sacombank, TPBank, BIDV và đầu tư vào Quỹ Lộc Việt).

Tuy nhiên, đối với con số trên 6,100 tỷ được xem là thiệt hại thực sự với Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tại bản cáo trạng, bị cáo Phan Thành Mai đề nghị xem xét lại con số này vì có nhiều tiền và tài sản còn nằm tại Ngân hàng. Trong đó có khoản tiền 4,500 tỷ dùng để nâng vốn điều lệ nhưng chưa được ghi nhận và xem xét; đồng thời trong cả hai giai đoạn, bị cáo Phạm Công Danh không được tạo điều kiện để khắc phục hậu quả.

Bị cáo Phan Thành Mai cho biết, các khoản tiền được truy tố trong cáo trạng và các dòng tiền được luân chuyển như ông Phạm Công Danh chuyển cho bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín) vay, khoản tiền bị cáo trả cho ông Trần Quý Thanh (Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát),… chưa được làm rõ và cần phải được xác định để thu hồi. Từ các dòng tiền theo cáo trạng mà bị cáo Mai thống kê thì có ít nhất 5,400 tỷ cần được thu hồi.

Bị cáo Phan Thành Mai - Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB

Trong số hơn 6,100 tỷ đồng thiệt hại theo nội dung trong cáo trạng mà các bị cáo đã cố ý làm trái, theo bị cáo Phan Thành Mai, có 4,000 tỷ vay từ BIDV và 200 tỷ đồng vay từ TPBank để tăng vốn điều lệ mặc dù không được NHNN chấp nhận nhưng mong HĐXX xem xét. Và bị cáo Mai nghĩ rằng 4,200 tỷ nằm trong 4,500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ đang nằm tại VNCB và hòa chung theo dòng tiền của Ngân hàng.

Theo giám định từ ngày 26/07/2014 cho đến ngày khởi tố, toàn bộ số tiền tăng vốn điều lệ này không còn và các bị cáo đã sử dụng. Vốn điều lệ của VNCB cũng đã âm quá lớn kể từ thời điểm này. Tại phiên tòa, HĐXX cho biết, nếu có thu hồi thì HĐXX chỉ thu hồi vật chứng xét xử chứ không có thẩm quyền thu hồi nợ.

Áp lực thanh khoản tạo nên hố trũng của VNCB

Tại phiên tòa, HĐXX cho phép bị cáo Phan Thành Mai nói ngắn gọn về bối cảnh và các nguyên nhân tác động đến hành vi giai đoạn này. Bị cáo Pham Thành Mai cho biết, khi bước vào VNCB, dư nợ trên thị trường 2 khoảng gần 6,000 tỷ đồng, áp lực thanh khoản rất khủng khiếp. Ngân hàng như một cái hố trũng không đủ tiền để hỗ trợ cho khách hàng. Bị cáo Phạm Công Danh và các Giám đốc phải bỏ tiền cá nhân để hỗ trợ thanh khoản và mang khách hàng về cho VNCB.

Bị cáo Phạm Công Danh sau khi sử dụng hết tiền của mình buộc phải đi vay các đối tác khác, trong đó có khoản vay ông Trần Quý Thanh (Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) với lãi suất cao.

Đề cập thêm về dòng tiền 4,500 tỷ đồng dùng để tăng vốn điều lệ. Theo quy định, NHNN chỉ chấp thuận tăng vốn điều lệ nếu dòng tiền tăng vốn đến từ tiền tự có của các cổ đông, đối tác thông qua đầu tư, góp vốn và không được vay mượn, nhưng trường hợp của VNCB lại là dòng tiền từ việc vay của các ngân hàng. Và cho đến ngày bị khởi tố, VNCB chưa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ, sửa đổi giấy phép hoạt động.

Bị cáo Phan Thành Mai đề nghị HĐXX xem xét lại vấn đề này. Mai cho rằng dòng tiền gốc là vay từ các ngân hàng nhưng đã chạy qua nhiều giao dịch rồi mới dùng tăng vốn, chứ không phải trực tiếp từ tiền vay.

Theo cáo trạng, bị can Phan Thành Mai - Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB đã có các hành vi: Tiếp nhận chủ trương và sự chỉ đạo của ông Phạm Công Danh; trực tiếp chỉ đạo các nhân viên VNCB tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp để có được tiền cho ông Danh sử dụng.

Bị can trực tiếp tham gia họp bàn, thống nhất ký biên bản họp HĐQT đề ra chủ trương cấp tín dụng cho ông Phạm Công Danh thông qua các công ty của ông Danh vay tiền bằng các hồ sơ vay trái quy định của pháp luật; theo chỉ đạo của ông Danh, ông Mai đã chuẩn bị nguồn tiền, làm chủ tài khoản để ký hợp đồng tiền gửi, ký lệnh điều chuyển tiền, ký bảo lãnh cho các công ty vay tiền; đề xuất với ông Danh về việc phát hành trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung trái pháp luật, thông qua Quỹ Lộc Việt bán, thế chấp trái phiếu đó lấy tiền cho ông Phạm Công Danh sử dụng; ký các văn bản giới thiệu khách hàng; ký các hợp đồng cầm cố tài sản đảm bảo bên thứ 3 (là các hợp đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV), ký biên bản họp, Nghị quyết HĐQT và văn bản của VNCB về việc đồng ý tất toán các hợp đồng tiền gửi để trả nợ thay các công ty vay vốn tại các ngân hàng nêu trên, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho VNCB với tổng số tiền là hơn 6,100 tỷ đồng.

Như vậy, Phan Thành Mai là người thực hành tích cực, giúp sức cho Phạm Công Danh gây ra các thiệt hại trên. Hành vi của Phan Thành Mai đã phạm vào tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   "Sẽ xem xét hỗ trợ ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất" (10/01/2018)

>   Ông Phạm Công Danh đã qua mặt Tổ Giám sát NHNN như thế nào? (10/01/2018)

>   NHNN: Năm 2017 tín dụng tăng trưởng 18.17% (09/01/2018)

>   Dự trữ ngoại hối Việt Nam vượt mức 53 tỷ USD (09/01/2018)

>   PVcomBank bán bất thành 2 triệu cp PVI (10/01/2018)

>   Bán tiếp hơn 5.5 triệu cp Sacombank, Eximbank giảm sở hữu còn 6.84% (09/01/2018)

>   DongABank đã thu hồi hơn 12,000 tỷ đồng nợ có vấn đề kể từ sau kiểm soát đặc biệt (09/01/2018)

>   Ông Trần Bắc Hà bị ung thư gan, sức khỏe bà Hứa Thị Phấn chỉ còn 7%, không thể ra tòa (09/01/2018)

>   Ngân hàng NCB tung gói sản phẩm “Đặc quyền phái đẹp” lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam (09/01/2018)

>   Dòng tiền trong đại án Phạm Công Danh qua TPBank như thế nào? (09/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật