Thứ Ba, 09/01/2018 13:44

Đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2

Dòng tiền trong đại án Phạm Công Danh qua TPBank như thế nào?

Trong đại án Phạm Công Danh, dòng tiền của Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CB) thông qua Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) và Quỹ Lộc Việt để chảy về túi ông Phạm Công Danh như thế nào?

Tại phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2 sáng ngày 09/01/2018, theo cáo trạng, ông Phạm Công Danh và đồng phạm đã thông qua việc vay vốn tại TPBank có tài sản đảm bảo là chính tiền gửi liên ngân hàng của VNCB tại TPBank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1,700 tỷ đồng.

Cụ thể vào tháng 5/2013, để có tiền chăm sóc khách hàng và tăng vốn đầu tư, ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) đã chỉ đạo ông Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB, chuyển về cho ông Danh sử dụng. Ông Mai đề xuất và được ông Danh đồng ý ủy thác qua Quỹ Lộc Việt để dòng tiền quay trở lại.

Sau đó, ông Mai trao đổi với ông Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Lộc Việt) để ủy thác và nhờ mượn pháp nhân vay tiền TPBank, lấy tiền mua trái phiếu và dùng tiền vay này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh cùng Công ty Trung Dung. Đồng thời VNCB sẽ bảo lãnh các khoản vay này.

Tại Quỹ Lộc Việt, ông Nguyễn Việt Hà đã gặp gỡ, trao đổi với bà Đặng Thị Bích Thủy (lúc đó là Phó giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp TPBank) và ông Đinh Việt Cường (Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp TPBank) thống nhất đề xuất vay vốn.

Sau đó ông Nguyễn Việt Hà, bà Đặng Thị Bích Thủy, ông Đinh Việt Cường và ông Phạm Công Danh giới thiệu tổng cộng 11 pháp nhân tham gia vay tiền TPBank và được bảo lãnh bởi tiền gửi của VNCB tại TPBank.

Đồng thời, ông Mai Hữu Khương (phụ trách bộ phận Tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh) phối hợp với Quỹ Lộc Việt làm thủ tục phát hành mới 1,200 trái phiếu của Công ty Trung Dung. Trước đó Tập đoàn Thiên Thanh đã lập hồ sơ phát hành 2,500 trái phiếu (mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu).

Ông Phạm Công Danh bán 1,000 tỷ đồng trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh cho 7 công ty, bán 600 tỷ trái phiếu của Công ty Trung Dung cho 4 công ty (đây là 11 pháp nhân vay vốn TPBank).

Tại TPBank, khi xét duyệt hồ sơ vay vốn, các chuyên viên khách hàng và lãnh đạo phòng kinh doanh chỉ xem xét hồ sơ vay của 11 công ty, không đánh giá về năng lực tài chính, vẫn đề xuất cấp tín dụng cho 11 công ty để đầu tư mua trái phiếu và dùng trái phiếu đó làm tài sản đảm bảo. Sau đó mặc dù không xem xét tính pháp lý của các trái phiếu mà 11 công ty vay vốn đầu tư, Phòng Tái thẩm định 1 TPBank vẫn đồng ý cho doanh nghiệp vay vốn. Hội đồng tín dụng và Ủy ban tín dụng đã đồng ý phê duyệt cấp tín dụng cho 11 công ty tổng số tiền 1,667 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.

Trong khi đó, tổng số tiền VNCB gửi tại TPBank là 1,706 tỷ đồng được dùng để bảo đảm cho 11 công ty vay tiền của TPBank trong thời hạn 1 năm. Sau khi ký hợp đồng tín dụng, TPBank giải ngân toàn bộ 1,667 tỷ cho 11 công ty. Sau đó 11 công ty này có ủy nhiệm chi chuyển 1,000 tỷ vào tài khoản Tập đoàn Thiên Thanh, 600 tỷ vào Công ty Trung Dung, 67 tỷ vào Công ty Thạch Hà.

Với số tiền vay này, ông Phạm Công Danh dùng trả cho bà Hứa Thị Phấn (Nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín), trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh (Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) nhưng ông Thanh không thừa nhận…

Đến tháng 4/2014, do 7 công ty (trong số 11 pháp nhân vay tiền) không xuất trình được những hồ sơ thể hiện triển khai dự án Khu phức hợp dịch vụ Thiên Thanh – Đà Nẵng (mục đích phát hành trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh) và Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại khu vực Sân vận động Chi Lăng – Đà Nẵng (mục đích phát hành trái phiếu của Công ty Trung Dung), ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn và khả năng trả nợ cho TPBank nên TPBank đã yêu cầu 7 công ty trả nợ trước hạn. Đến 11/4/2014 TPBank đã tự trích tiền gửi trên tài khoản của VNCB mới tại TPBank để thu hồi nợ vay của 11 công ty là 1,740 tỷ đồng.

Theo lời khai của ông Nguyễn Việt Hà trong cáo trạng, xuất phát từ thông tin TPBank cho các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư vào trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, ông Hà đến TPBank và được ông Đinh Việt Cường cho biết TPBank có chương trình ưu đãi cho các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư vào trái phiếu của Thiên Thanh và Trung Dung với hình thức bảo lãnh khoản vay là trái phiếu hình thành từ vốn vay. Doanh nghiệp không phải chịu rủi ro vì TPBank cam kết lãi suất cho vay thấp hơn hoặc bằng lãi suất trái phiếu. Do đó ông Hà chỉ đạo 2 pháp nhân tham gia vay TPBank với mục đích đầu tư trái phiếu của Thiên Thanh và Trung Dung. Ông Hà cho rằng chủ trương này là thỏa thuận riêng của VNCB cùng TPBank và không thừa nhận bàn bạc với VNCB, TPBank; cũng không thừa nhận trao đổi với ông Đinh Việt Cường và bà Đặng Thị Bích Thủy về việc VNCB dùng tiền gửi để bảo lãnh.

Bị can Đặng Thị Bích Thủy theo cáo trạng thừa nhận là có liên hệ và thống nhất với ông Nguyễn Việt Hà cho 11 công ty vay vốn tại TPBank để đầu tư trái phiếu Thiên Thanh và Trung Dung, trong đó trực tiếp giới thiệu 4 công ty vay tổng số tiền 675 tỷ. Ngoài ra, bà Thủy còn chỉ đạo nhân viên TPBank phối hợp với Quỹ Lộc Việt cung cấp thông tin về khách hàng để VNCB làm thủ tục dùng tiền gửi tại TPBank để bảo lãnh cho các công ty vay tiền, dự thảo các hợp đồng mua bán trái phiếu…

Bị can Đỗ Việt Bun (Nguyên trưởng nhóm Khách hàng doanh nghiệp Trung tâm kinh doanh Hội sở TPBank, Giám đốc CTCP Thương mại Khôi Nguyên Phát – trong số 11 pháp nhân tham gia vay tiền) khai trong cáo trạng là được giao nhiệm vụ thẩm định, ký đề xuất cấp tín dụng cho 4 pháp nhân vay tiền TPBank.

Tài liệu chứng cứ trong hồ sơ đủ cơ sở xác định ông Phạm Công Danh là chủ mưu và 20 bị can là đồng phạm giúp sức cho ông Danh về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Đối với những người liên quan, Cơ quan điều tra đánh giá Hội đồng tín dụng và Ủy ban tín dụng TPBank gồm ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT TPBank), ông Lê Quang Tiến (Phó Chủ tịch HĐQT TPBank), ông Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch HĐQT TPBank), ông Nguyễn Hưng (Tổng giám đốc TPBank), các ông Phạm Đông Anh, ông Khúc Văn Họa, ông Lê Hồng Nam, ông Nguyễn Hồng Quân (đều là Phó Tổng giám đốc TPBank) là các thành viên Hội đồng tín dụng, Ủy ban tín dụng khi phê duyệt hồ sơ vay thực hiện chưa đầy đủ quy định. Do không thể hiện việc thành viên Hội đồng tín dụng, Ủy ban tín dụng của TPBank gặp gỡ, bàn bạc hay giúp sức gì cho ông Phạm Công Danh vay tiền thông qua 11 pháp nhân nên không đủ căn cứ xử lý hình sự.

Uyên Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Ngân hàng sẽ áp đảo "giải cống hiến" ngân sách 2017 (09/01/2018)

>   MBB sẽ chi hơn 1,000 tỷ trả cổ tức đợt 1/2017 vào ngày 31/01 (09/01/2018)

>   Ông Phạm Công Danh đã kéo nhiều ngân hàng liên quan đến việc rút ruột VNCB như thế nào? (09/01/2018)

>   Ông Phạm Công Danh đã kéo nhiều ngân hàng liên quan đến việc rút ruột VNCB như thế nào? (09/01/2018)

>   Suy thận cấp độ 3, Phạm Công Danh phải ra ngoài nghe cáo trạng và chăm sóc sức khỏe (09/01/2018)

>   Sẽ dẫn giải ông Trần Bắc Hà ra tòa nếu vắng mặt (09/01/2018)

>   Đến nay, có 73 luật sư tham gia bào chữa trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (09/01/2018)

>   Đại án Phạm Công Danh: Vì sao buộc phải triệu tập ông Trần Bắc Hà? (09/01/2018)

>   Tín dụng tính đến cuối năm 2017 tăng 18.17%, tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tăng chậm lại  (08/01/2018)

>   Tết năm nay, ngân hàng không "bơm" tiền mới mệnh giá thấp (08/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật