Thứ Ba, 09/01/2018 08:16

Đại án Phạm Công Danh: Vì sao buộc phải triệu tập ông Trần Bắc Hà?

[Đại án Phạm Công Danh - Giai đoạn 2]

Ông Trần Bắc Hà là một trong 200 người và đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đóng vai trò rất quan trọng trong vụ án.

Theo Hội đồng xét xử (HĐXX), trong phiên xét xử đầu tiên đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 đồng phạm giai đoạn 2 diễn ra vào ngày 08/01/2018, có khá nhiều người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Tuy nhiên hầu hết trong số này đã có lời khai với cơ quan điều tra và việc vắng mặt không ảnh hưởng quá lớn tới diễn biến của phiên tòa nên HĐXX đã cho tiếp tục làm việc.

Số ít trong những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt được đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX phải triệu tập là ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV) cùng hai nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV là ông Đoàn Ánh Sáng và ông Trần Lục Lang. Theo đại diện Viện kiểm sát, đây là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan quan trọng, sẽ làm rõ nhiều vấn đề trong vụ án. HĐXX đã ghi nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và sẽ cho triệu tập các trường hợp này.

Được biết, trong phiên tòa chiều 08/01, ông Trần Bắc Hà và ông Đoàn Ánh Sáng đã không có mặt nhưng cũng không cử người đại diện ủy quyền.

Ngoài ra, ông Trần Quý Thanh (Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cũng đã không xuất hiện tại phiên tòa, người được ủy quyền tham dự thay cho ông Thanh là ông Phan Vũ Tuấn.

Bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín) cũng vắng mặt, được biết bà Phấn đang được điều trị bệnh tại bệnh viện.

Ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV

Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết, ngày 24/05/2013, Ngân hàng BIDV do ông Đoàn Ánh Sáng - Phó Tổng Giám đốc đại diện và Ngân hàng VNCB do ông Đỗ Hoàng Linh - Phó Tổng Giám đốc đại diện đã cùng nhau ký thỏa thuận hợp tác, nội dung cơ bản là BIDV ủng hộ VNCB tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách là ngân hàng của người bán (nhà phân phối, sản xuất vật liệu xây dựng - thiết bị nội thất), trên cơ sở VNCB có khách hàng/đối tác tham gia tích cực vào chuỗi liên kết này; BIDV xem xét cấp hạn mức giao dịch liên ngân hàng cho VNCB (tín chấp hoặc/và có tài sản đảm bảo) theo quy định hiện hành của BIDV. Thỏa thuận này là cơ sở để các bên triển khai các hoạt động sau này.

Theo lời khai của ông Phạm Công Danh được đề cập trong cáo trạng, ông có mối quan hệ với BIDV từ trước khi mua Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên là Ngân hàng Xây dựng). Ông Phạm Công Danh có thành lập và dùng pháp nhân 12 công ty vay vốn tại BIDV số tiền 4,700 tỷ đồng với hồ sơ vay vốn là phương án kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) theo mô hình 4 nhà. Khoảng tháng 9/2013, ông Phạm Công Danh đã trực tiếp đến BIDV Hội Sở chính gặp gỡ, bàn bạc, thống nhất chủ trương với ông Đoàn Ánh Sáng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Khách hàng doanh nghiệp, ông Trần Lục Lang - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rủi ro và Giám đốc 2 Ban này. Trong trường hợp khách hàng do VNCB giới thiệu không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay.

Sau khi được lãnh đạo BIDV Hội Sở chính đồng ý, ông Phạm Công Danh đã về chỉ đạo cấp dưới tiến hành lựa chọn công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, công ty cung cấp VLXD đầu vào trong số các công ty do ông Phạm Công Danh thành lập và lập khống hồ sơ vay vốn để nộp cho BIDV Hội Sở chính và các chi nhánh sẽ trực tiếp cho vay. Ông Phạm Công Danh là người quyết định dùng tài sản đảm bảo gồm: 6 lô đất SVĐ Chi Lăng, Đà Nẵng; đất tại 209 Trường Chinh, quận Thanh Khê, Đà Nẵng; 3,070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh các khoản vay và được BIDV chấp thuận giải ngân cho vay với tổng số tiền 4,700 tỷ đồng.

Đến ngày 11 và 18/09/2013, Ban Khách hàng doanh nghiệp (KHDN) thuộc Hội sở chính BIDV đã lập 12 tờ trình về việc phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà đối với 12 khách hàng do các cán bộ, Trưởng phòng, Phó Giám đốc Ban KHDN ký trình ông Đoàn Ánh Sáng xem xét phê duyệt. Phó Tổng Giám đốc Đoàn Ánh Sáng đã phê duyệt và chỉ đạo tại 12 tờ trình, bao gồm: Đồng ý, xin chủ trương Phó Tổng Giám đốc Trần Lục Lang và Tổng Giám đốc; ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp tín dụng.

Sau đó, hồ sơ vay và tờ trình của Ban KHDN được chuyển đến Ban Quản lý rủi ro tín dụng (QLRR) thẩm định. Ban QLRR tiếp nhận hồ sơ vay, các cán bộ rủi ro soạn thảo tờ trình về việc phê duyệt chủ trương cho vay, lãnh đạo Phòng và Giám đốc Ban ký trình ông Trần Lục Lang - Phó Tổng Giám đốc phụ trách.

Sau khi ông Trần Lục Lang ký duyệt tờ trình và Ủy ban quản lý rủi ro đã xem xét, phê duyệt chủ trương, ngày 03/10/2013, ông Trần Bắc Hà - khi đó là Trưởng Phân Ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban quản lý rủi ro của BIDV ký 12 Quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà đối với 12 công ty. Được biết, 4 chi nhánh của BIDV là Bến Thành, Gia Định, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn được giao thẩm quyền, thực hiện cho vay và thu nợ.

Như vậy, ông Phạm Công Danh đã lập các hồ sơ vay vốn khống (4,700 tỷ đồng) để thực hiện đề án tăng vốn điều lệ VNCB từ 3,000 tỷ đồng lên 4,700 tỷ đồng. Ông Phạm Công Danh trả các khoản vay cũ của Tập đoàn Thiên Thanh bằng cách gửi tiền sang BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do 12 công ty do Danh thành lập, đứng tên trên hồ sơ vay vốn ngân hàng gây thiệt hại cho VNCB số tiền 2,550 tỷ đồng.

Đối với các sai phạm tại BIDV, cơ quan điều tra đánh giá, mặc dù có các sai phạm (như không tiến hành kiểm tra, thẩm định với khách hàng và các công ty cung cấp VLXD đầu vào; không yêu cầu khách hàng cung cấp các báo cáo tài chính kiểm toán, quyết toán thuế; chỉ kiểm tra, thẩm định, đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương án kinh doanh trên hồ sơ lập khống;…) nhưng kết quả giám định cho thấy thiệt hại không xảy ra tại BIDV nên các cá nhân tại BIDV không phạm tội về vi phạm quy định cho vay. Kết quả điều tra cho thấy đến nay chưa đủ căn cứ xác định vai trò đồng phạm với ông Phạm Công Danh vì không có tài liệu, chứng cứ, lời khai nào về việc các đối tượng liên quan này biết các công ty vay vốn tại BIDV là do ông Phạm Công Danh thành lập, điều hành. Tài liệu có trong hồ sơ cho thấy, các công ty vay vốn BIDV là khách hàng của VNCB đang trong giai đoạn tái cơ cấu, không được cho vay nên có văn bản giới thiệu sang BIDV để xem xét cho vay, cùng cam kết nếu không đủ TSĐB thì VNCB sẽ dùng tài sản của Ngân hàng để bảo lãnh và trên thực tế, quá trình 12 công ty vay vốn tại BIDV, VNCB đã dùng tiền gửi tại BIDV để bảo lãnh và trả nợ thay.

Vì vậy, ngày 26/10/2017, Cơ quan điều tra đã có kiến nghị đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với các cán bộ BIDV liên quan đến vụ án; bao gồm cả ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân Ban rủi ro; ông Đoàn Ánh Sáng - Phó Tổng Giám đốc, thành viên Phân Ban rủi ro, ông Trần Lục Lang - Phó Tổng Giám đốc.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   Tín dụng tính đến cuối năm 2017 tăng 18.17%, tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tăng chậm lại  (08/01/2018)

>   Tết năm nay, ngân hàng không "bơm" tiền mới mệnh giá thấp (08/01/2018)

>   Tư duy vành móng ngựa (08/01/2018)

>   'Trách nhiệm của tiền 100 đồng không phải ủng hộ những việc như BOT' (08/01/2018)

>   Ông Phạm Công Danh và ông Trầm Bê tạm rời tòa vì lý do sức khỏe, ông Trần Bắc Hà vắng mặt (08/01/2018)

>   Lợi nhuận BIDV đạt 8.800 tỷ đồng năm 2017 (08/01/2018)

>   Năm 2017, Sacombank đạt tổng thu nhập 8,200 tỷ đồng, tăng 33% (08/01/2018)

>   Điều tra công khai tại phiên tòa 140 người liên quan đại án VNCB (08/01/2018)

>   Sức khỏe không tốt, ông Phạm Công Danh tạm rời khỏi phiên tòa (08/01/2018)

>   Gọi đúng "tên húy" cho một cấu phần tín dụng? (07/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật