Điều tra công khai tại phiên tòa 140 người liên quan đại án VNCB
Phiên xét xử dự kiến kéo dài trong 1 tháng, do Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Phạm Lương Toản làm chủ tọa.
Các bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang, Phạm Công Danh
|
Cũng trong hôm nay (8.1), TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2) và 45 đồng phạm “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV), Ngân hàng TMCP xây dựng VN (VNCB).
Phiên xét xử dự kiến kéo dài trong 1 tháng, do Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Phạm Lương Toản làm chủ tọa.
Nhiều đại gia bị triệu tập
Trong số 46 bị cáo, có Phạm Công Danh (52 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh); Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank); Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank). Các bị cáo đều bị truy tố theo khoản 3 điều 165 bộ luật Hình sự 1999, khung hình phạt 10 - 20 năm tù.
Hơn 70 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người liên quan. Trong đó, Phạm Công Danh có 7 luật sư, Trầm Bê có 2 luật sư.
HĐXX cũng triệu tập hơn 200 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng đến tòa, trong đó có nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà; ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát - Trần Quý Thanh cùng con gái Trần Ngọc Bích; bà Hứa Thị Phấn; bà Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT CBBank); CTHĐQT TPBank...
Những ai bị điều tra tại tòa?
Đặc biệt, theo HĐXX, dựa vào yêu cầu của Viện KSND tối cao, trong quá trình xét xử vụ án, HĐXX sẽ điều tra công khai tại phiên tòa 140 người có liên quan đến hành vi phạm tội của Danh và các đồng phạm.
Theo đó, từ tài liệu chứng cứ đã thu thập được, cơ quan điều tra đánh giá hành vi của những người này là không cấu thành tội phạm và đề nghị cơ quan quản lý tiến hành xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Tuy nhiên, để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đầy đủ, không oan sai, tránh bỏ lọt tội phạm, HĐXX sẽ tiếp tục thẩm vấn, nếu có căn cứ thì tiếp tục tục xử lý.
Trong 140 người liên quan, ở Sacombank có các ông Phan Đình Tuệ, Đào Nguyên Vũ (Phó tổng giám đốc); các lãnh đạo HĐQT và ban giám đốc TPBank ; liên quan đến BIDV có ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV), các Phó tổng giám đốc Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang... và một số lãnh đạo BIDV chi nhánh Gia Định, chi nhánh Bến Thành, chi nhánh Nam Sài Gòn, chi nhánh Sở Giao dịch 2.
Thiệt hại hơn 6.100 tỉ đồng
Theo cáo trạng, từ năm 2013 - 2014, do cần tiền tiêu xài nhưng không thể trực tiếp rút tiền từ VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh (tập đoàn của Danh) sử dụng 29 công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV. Danh dùng tiền của VNCB gửi vào 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh các khoản vay, sau đó bị 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ tiền của VNCB, với tổng số tiền hơn 6.126 tỉ đồng (gồm Sacombank hơn 1.835 tỉ đồng, TPBank hơn 1.740 tỉ đồng, BIDV hơn 2.550 tỉ đồng).
Số tiền vay được từ 3 ngân hàng, Danh sử dụng cho mục đích cá nhân. Do các công ty Danh dùng làm hồ sơ vay khống, không có tiền trả nợ; VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, dẫn đến VNCB thiệt hại toàn bộ số tiền gửi tại 3 ngân hàng là hơn 6.126 tỉ đồng.
Đối với bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang, cáo trạng nêu cả hai bị cáo đã bàn bạc, thống nhất cho Danh vay tiền tại Sacombank. Cụ thể, Trầm Bê chỉ đạo Khang yêu cầu cấp dưới làm thủ tục hợp pháp hóa để giải ngân cho Danh vay. Hồ sơ cho vay đều lập khống, các công ty vay vốn đều không có hoạt động kinh doanh, không thẩm định, không kiểm tra sau khi cho vay, bỏ mặc Danh sử dụng tiền vay trái quy định.
Phạm Công Danh đang thụ án 30 năm tù
Ngày 24.1.2017, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, y án sơ thẩm 30 năm tù đối với Phạm Công Danh về 2 tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Trong vụ án này, Danh và 35 đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng cho VNCB. Ngày 28.8.2017, TAND TP.Hà Nội xử sơ thẩm “đại án” Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), tuyên phạt Danh 14 năm tù về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt 30 năm tù với bản án từ vụ “đại án” Phạm Công Danh giai đoạn 1 nên Danh bị tuyên hình phạt chung là 30 năm tù.
|
Phan Thương
Thanh niên
|