Chủ Nhật, 07/01/2018 20:52

Gọi đúng "tên húy" cho một cấu phần tín dụng?

Tại một hội thảo cuối tuần qua, đại diện đến từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đặt vấn đề cần tách bạch trong thống kê về tín dụng.

Năm 2017, theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng tín dụng bất động sản đã giảm xuống mức thấp, chỉ còn khoảng 8% tổng dư nợ toàn hệ thống, thay vì mức độ hai con số những năm trước.

Yêu cầu tách bạch này liên quan đến tín dụng bất động sản, lĩnh vực mà ở Việt Nam lâu nay luôn gắn với cái nhìn thận trọng.

Chính danh, định phận?

Cụ thể, tại hội thảo trên, ông Cấn Văn Lực, đại diện đến từ BIDV cho rằng, cần có sự tách bạch trong thống kê về tín dụng. Ví dụ, trong bất động sản, nếu cho vay để mua nhà thì đó phải là tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản, không thể tính vào tín dụng tiêu dùng, trừ khi vay để sửa nhà.

Một lần nữa, cấu phần có tỷ trọng lớn trong tín dụng tiêu dùng được đặt ra với yêu cầu nhận diện, như một đòi hỏi về chính danh để định phận. Xét rộng ra, câu chuyện này khá nhạy cảm.

Giữa năm 2017, trong một báo cáo định kỳ, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng từng đặt ra câu chuyện trên, như một cảnh báo.

Khi đó, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận diện: tín dụng tiêu dùng tăng trưởng rất mạnh, trong đó cho vay mua và sửa chữa nhà chiếm tỷ trọng chính; đây được xem là một hình thái mới của tín dụng bất động sản, cần được theo dõi và đánh giá chặt chẽ.

Nhiều năm qua và cho đến nay, tín dụng bất động sản tại Việt Nam từng có số phận riêng. Nó trở thành lĩnh vực nhạy cảm, thậm chí thường gắn với quan ngại về rủi ro, một yếu tố có thể gây bong bóng và rủi ro khi thị trường đóng băng.

Thực tế trong chính sách nó cũng chịu sự phân biệt khi từng bị xếp vào nhóm "phi sản xuất", "không khuyến khích", hoặc luôn bị áp hệ số rủi ro cao nhất, thường nằm trong diện cảnh báo hàng năm…

Năm 2017, theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng tín dụng bất động sản đã giảm xuống mức thấp, chỉ còn khoảng 8% tổng dư nợ toàn hệ thống, thay vì mức độ hai con số những năm trước.

Thế nhưng, với những quan điểm, góc nhìn như trên, đã có một số yêu cầu, phân tích cần tách bạch và định danh đúng cho vay tiêu dùng mua nhà vào tín dụng bất động sản. Nếu vậy, tỷ trọng lĩnh vực này sẽ không thấp như Ngân hàng Nhà nước báo cáo, thậm chí từ đó lại nảy sinh quan ngại rủi ro. Hoặc, có góc nhìn các ngân hàng "lách", "khoác áo" tín dụng bất động sản bằng tiêu dùng.

Giai đoạn trưởng thành

Trước hội thảo nói trên, ở một diễn đàn khác, một số chuyên gia cũng vừa nêu quan ngại về rủi ro tín dụng tiêu dùng, với sự bùng nổ những năm gần đây tại Việt Nam, trong đó có cho vay mua nhà.

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, 2016 và 2017 tín dụng tiêu dùng có tỷ lệ tăng trưởng rất mạnh.

Cụ thể, năm 2017 tín dụng tiêu dùng ước tăng 65% (năm 2016 tăng 50,2%). Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% (năm 2016) lên 18% (năm 2017).

Trong đó, cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính và là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất, năm 2017 chiếm 52,9% (năm 2016 chiếm 49,5%), tốc độ tăng trưởng là 76,5% (năm 2016 tăng 78,4%). Cho vay mua trang thiết bị gia đình tăng 6,5%, chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại tăng 35,2%, chiếm 8,3%.

Thực ra, có một lý do cần dẫn chiếu về quá khứ để nhìn những tốc độ tăng trưởng trên.

Từ năm 2008, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam gần như bị bóp nghẹt bởi cơ chế trần lãi suất. Với lĩnh vực có mức độ rủi ro cao hơn, các tổ chức tín dụng phải áp lãi suất cho vay cao hơn đề bù đắp. Tuy nhiên, trần lãi suất trở thành chốt chặn khiến lĩnh vực này không phát triển được.

Phải đến khoảng ba năm trở lại đây, tín dụng tiêu dùng mới thực sự có bước trưởng thành, khi cơ chế trần lãi suất được cởi bỏ, các công ty tài chính tiêu dùng bắt đầu nhập cuộc mạnh, cũng như sự dịch chuyển mạnh mẽ của khối ngân hàng thương mại nhà nước…

Tuy nhiên, do kém phát triển những năm trước, mẫu số cơ sở hạn chế, khiến sự gia tăng ba năm gần đây trở nên bùng nổ về con số tỷ lệ tăng trưởng.

Trong khi đó, kết năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đang chốt số liệu, mà bước đầu ước tính tăng trưởng tín dụng tiêu dùng năm qua lại không phải quá đột biến.

Rủi ro đã thay đổi

Bên lề hội nghị sơ kết giữa năm 2017, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có chia sẻ với báo chí: Vietcombank xác định trọng tâm đẩy mạnh và nhanh tín dụng bán lẻ.

Vài năm trước, tỷ trọng tín dụng bán lẻ (bao gồm cả tín dụng tiêu dùng) tại Vietcombank chỉ khoảng 20%, nhưng cuối 2017 đã lên tới khoảng 41% và dự kiến sẽ đẩy lên 50% thời gian tới.

Ông Thành cho biết, tại ngân hàng mình, lĩnh vực cho vay này có tài sản đảm bảo và gần như không có nợ xấu, trong khi có lãi biên cao hơn để lựa chọn dịch chuyển nguồn vốn, cũng như góp phần lý giải cho lợi nhuận tăng cao.

Một lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận, hoạt động cho vay tiêu dùng mua nhà hiện nay không tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng bất động sản trước đây.

"Đó là những khoản vay nhỏ, có tài sản thế chấp, ngân hàng rà soát chặt chẽ từ người tiêu dùng lẫn dự án và chủ đầu tư. Ngay cả các dự án, theo quy định hiện nay phải có bảo lãnh ngân hàng. Ngân hàng quản lý chặt dòng tiền cũng như mục đích sử dụng vốn. Với người vay cũng phải rà soát chặt, đặc biệt ở cơ sở thu nhập và năng lực trả nợ", vị lãnh đạo trên nói.

Trước đây, tín dụng bất động sản bộc lộ nhiều rủi ro hơn trong quản lý dòng tiền, sử dụng vốn sai mục đích; các khoản cho vay "một cục" dồn vào chủ đầu tư nếu rủi ro dẫn đến nợ xấu phát sinh lớn. Còn ở cho vay tiêu dùng mua nhà, bên cạnh các cơ chế rà soát trên, rủi ro phân tán theo các khoản nhỏ lẻ, theo mức độ giải ngân…

Tuy nhiên, trước xu hướng tăng trưởng mạnh lên những năm gần đây, vị lãnh đạo trên cho biết, trong năm nay Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát lại các cơ chế giám sát, quản lý tín dụng tiêu dùng, để đảm bảo chất lượng và an toàn.

"Tín dụng tiêu dùng là hướng đi tại các nước phát triển. Ngân hàng lẽ ra chỉ nên tài trợ vốn ngắn hạn, vốn lưu động và tiêu dùng, còn tín dụng trung dài hạn cần tập trung ở các kênh vốn khác. Tín dụng tiêu dùng mới phát triển ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát ngay trong năm nay để có những uốn nắn ngay từ đầu", vị lãnh đạo trên nói.

Minh Đức

Vneconomy

Các tin tức khác

>   Chuyển động mới trên thị trường cho vay tiêu dùng (07/01/2018)

>   Nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất (06/01/2018)

>   Tín dụng tiêu dùng sẽ là mảng hoạt động chiến lược của nhiều ngân hàng trong năm 2018 (06/01/2018)

>   Các tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi trước thuế 2018 tăng bình quân 19% toàn hệ thống (06/01/2018)

>   Giữa ma trận chỉ báo tài chính, cuối cùng nền kinh tế đang thắt chặt hay nới lỏng? (06/01/2018)

>   HDBank kết phiên chào sàn tím trần, khối tài sản bà Nguyễn Thị Phương Thảo tăng hàng ngàn tỷ đồng (05/01/2018)

>   Ngân hàng năm 2017: Nói ít và nói nhiều (05/01/2018)

>   HDBank chính thức lên HOSE với vốn hóa tỷ USD (05/01/2018)

>   Hơn 70 luật sư tham gia phiên tòa xử ông Trầm Bê (04/01/2018)

>   Đường cùng giảm lãi suất cho vay? (04/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật