'Trách nhiệm của tiền 100 đồng không phải ủng hộ những việc như BOT'
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tiền 100 đồng còn giá trị lưu hành nhưng "trách nhiệm" của nó không phải để phục vụ hay ủng hộ những việc như tại trạm BOT.
Buổi họp báo về việc đảm bảo tiền mặt và an toàn, thông suốt hoạt động thanh toán trong dịp Tết Nguyên đán 2018 diễn ra chiều nay (8/1) tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Đã có kế hoạch cung ứng tiền
Chủ trì buổi họp, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết năm nay cả nước đã thành công trên nhiều mặt về cả kinh tế vĩ mô, ngành ngân hàng cũng như trong hoạt động cung cấp dịch vụ ngân hàng.
Theo Phó thống đốc, cuối năm luôn là thời gian nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân tăng cao nên Vụ thanh toán, Cục Phát hành và Kho quỹ xây dựng chủ trương để đáp ứng nhu cầu tăng cao này của người dân.
Ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, cho biết từ đầu tháng 12/2017, NHNN đã điều chuyển tiền mặt về NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và đặc biệt ưu tiên các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhiều điểm ATM như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương...
Việc không phát hành tiền mới trong dịp Tết Nguyên đán, theo NHNN, giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ: A. Tuấn.
|
Ông Lâm cho biết dự kiến mức điều chuyển trong dịp Tết Nguyên đán 2018 so với năm 2017 đã tăng 20% để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và đảm bảo an toàn tuyệt đối, hoàn thành trước ngày 7/2 tới đây.
"Từ nay đến Tết, NHNN sẽ theo dõi tình hình thu, chi, tồn quỹ tại các chi nhánh đảm bảo kịp thời nhu cầu tiền mặt của người dân. Chắc chắn nhu cầu tiền mặt của người dân dịp cuối năm sẽ được đảm bảo", ông Lâm khẳng định.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Phát hành và Kho quỹ cũng cho biết đơn vị đã có kế hoạch cung ứng tiền mới trên 10.000 đồng chưa qua lưu thông để đảm bảo hoạt động tiền mới, tiền mặt, tiếp quỹ ATM thông suốt.
'Trách nhiệm' của tiền 100 đồng không phải ủng hộ những việc như BOT
Cũng theo ông Phạm Bảo Lâm, việc cung ứng tiền 100 đồng cho các BOT như BOT Cai Lậy gần đây không ảnh hưởng gì tới hoạt động cung ứng tiền lẻ, tiền mặt vào dịp cuối năm. NHNN đáp ứng nhu cầu các loại mệnh giá nhỏ lẻ và hợp lý và tiết kiệm để phục vụ nhu cầu thanh toán của toàn nền kinh tế.
Ông lấy ví dụ đối với phí BOT là 25.000 đồng, nhu cầu thanh toán hợp lý ở đây là 20.000 đồng + 5.000 đồng hoặc 2 tờ 10.000 đồng và một tờ 5.000 đồng, chứ không thể là 250 tờ 100 đồng.
"Nếu chúng ta thực hiện thanh toán với tiền mệnh giá phù hợp sẽ phục vụ tốt hơn cho các dự án BOT", lãnh đạo Cục Phát hành và Kho quỹ nói.
Còn theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, "trách nhiệm" của đồng 100 đồng còn giá trị lưu hành nhưng không phải để ủng hộ những sự việc như BOT vừa qua.
"NHNN vẫn in tiền lẻ phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, nhưng không ủng hộ những nhu cầu tiền lẻ không chính đáng như lễ chùa, cúng bái...", ông Tú nói.
Theo lãnh đạo NHNN, NHNN chỉ không cung cấp tiền lẻ mới dịp Tết Nguyên đán nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu thanh toán bằng tiền lẻ của người dân. Hàng năm, NHNN vẫn in thêm tiền lẻ mới để đáp ứng nhu cầu này.
Lãnh đạo Cục Phát hành và Kho quỹ cho biết việc cấp tiền 100 đồng cho BOT không làm ảnh hưởng đến cung ứng tiền lẻ dịp Tết. Ảnh minh hoạ: Trương Khởi.
|
Không in thêm tiền mệnh giá nhỏ vào dịp Tết
Trong năm 2017, NHNN tiếp tục thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên từ tháng 4/2017, tiền mệnh giá nhỏ đến cuối năm đã được cung ứng đầy đủ.
Theo tính toán, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến gần 2.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo tăng cường xử lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch theo quy định và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Chia sẻ về việc đảm bảo nhu cầu thanh toán của người dân dịp cuối năm, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán, NHNN cho hay NHNN đã triển khai mạnh mẽ đề án thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn bảo mật, theo dõi hệ thống, thanh toán qua Internet.
Tính 11 tháng năm 2017, thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 81% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. NHNN yêu cầu các TCTD, các chi nhánh NHNN tỉnh giám sát ATM để phát hiện ra vấn đề một cách kịp thời, xây dựng kế hoạch tiếp quỹ không để ATM thiếu tiền.
Hiện nay, một số chi nhánh ngân hàng tỉnh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn phải có phương án trong trường hợp ATM quá tải phải chi trả lương thưởng cho người lao động tại chỗ, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.
"Nếu TCTD nào vi phạm không đáp ứng được nhu cầu của người dân, để ATM ngừng hoạt động 24h sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Thông tư 36/2012", ông Dũng nói.
Quang Thắng
zing.vn
|