Thứ Ba, 09/01/2018 11:09

Bài cập nhật

Ông Phạm Công Danh đã kéo nhiều ngân hàng liên quan đến việc rút ruột VNCB như thế nào?

[Đại án Phạm Công Danh - Giai đoạn 2]

Tại phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2 sáng ngày 09/01/2018, theo cáo trạng, ông Phạm Công Danh và đồng phạm đã thông qua việc vay vốn tại Sacombank, BIDV, TPBank có tài sản đảm bảo là chính tiền gửi liên ngân hàng của VNCB tại các nhà băng này, gây thiệt hại cho VNCB tổng cộng 6,100 tỷ đồng.

Phạm Công Danh được dẫn giải tới phiên tòa sáng ngày 09/01

Tại thời điểm giữa năm 2013, VNCB đang có khoản nợ 2,600 tỷ tại BIDV từ năm 2012 và đến hạn trả nợ. Để có nguồn tiền thanh toán, ngày 23/3/2013 ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo lập biên bản họp HĐQT VNCB và ban hành Nghị quyết với chủ trương dùng số dư tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng của VNCB tại các TCTD làm tài sản đảm bảo cho khách hàng vay vốn tại các TCTD này, lý do là dùng chi cho chăm sóc khách hàng… của VNCB.

Sau đó khoảng giữa tháng 4/2013, ông Phạm Công Danh đến Sacombank gặp trực tiếp ông Trầm Bê (thời điểm đó là Phó Chủ tịch Sacombank) và đề nghị cho vay tiền. Ông Trầm Bê biết ông Danh là Chủ tịch VNCB nên không thể vay tiền tại VNCB và đã đồng ý cho ông Danh vay nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi.

Sau đó ông Trầm Bê đưa ông Danh đến gặp ông Phan Huy Khang (thời điểm đó là Tổng giám đốc Sacombank), ba người bàn bạc và thống nhất Sacombank sẽ cho ông Danh vay tối đa 1,800 tỷ với đảm bảo là tiền gửi của VNCB.

Theo chỉ đạo của ông Phạm Công Danh, ông Mai Hữu Khương (phụ trách bộ phận Tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh) và ông Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban Kiểm soát VNCB) đến Sacombank gặp ông Phan Đình Tuệ (Phó Tổng giám đốc Sacombank) với 6 bộ hồ sơ lập khống xin vay tiền.

Ngày 25/4/2013, ông Trầm Bê ký phê duyệt tại 2 tờ trình về việc chấp thuận cho các pháp nhân của ông Phạm Công Danh lập vay 1,800 tỷ đồng (Công ty Nhất Nhất Vinh 250 tỷ, Công ty Quốc Thắng 350 tỷ tại Sacombank chi nhánh Hưng Đạo, 4 công ty khác là Công ty Bảo Gia, Công ty Thành Thành Công, Công ty Hương Việt và Công ty Đại Long vay tổng cộng 1,200 tỷ tại Sacombank chi nhánh Quận 8). 6 công ty này có treo bảng hiệu, kê khai thuế nhưng không phát sinh doanh thu mua vào/ bán ra. Toàn bộ khoản vay 1,800 tỷ vay Sacombank đều được chuyển vào tài khoản của ông Phạm Công Danh.

Sau đó ông Phạm Công Danh chuyển 1,176 tỷ và 458 tỷ để trả nợ BIDV, còn lại 166 tỷ chuyển về tài khoản cá nhân khác tại VNCB.

Đến ngày 26/4/2014 hết thời hạn các hợp đồng tín dụng, Sacombank đã tự động thu nợ gốc 1,800 tỷ và lãi vay 36 tỷ từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank để thu hồi nợ, gây thiệt hại cho VNCB 1,836 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định ông Tuệ không trực tiếp trao đổi bàn bạc với ông Trầm Bê và ông Phạm Công Danh, không biết các công ty vay tiền là của ông Danh, Sacombank thu đủ gốc/lãi và không bị thiệt hại, ông Tuệ không được hưởng lợi nên không đủ căn cứ xác định hành vi đồng phạm với ông Phạm Công Danh, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang, nên không đủ căn cứ xử lý hình sự với ông Phan Đình Tuệ. Tương tự nhiều cá nhân khác có tham gia trong việc cho vay 6 công ty này tại Sacombank cũng không đủ căn cứ để xử lý hình sự.

Đối với vụ án tại TPBank, tháng 5/2013, với lý do có tiền để chăm sóc khách hàng và tăng vốn đầu tư, ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo ông Phan Thành Mai tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB, chuyển về cho ông Danh sử dụng. Ông Mai đề xuất với ông Danh ủy thác qua Quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh thì tiền sẽ quay trở lại, ông Danh đồng ý với đề xuất của ông Mai. Nhờ quen biết với nhau từ trước, ông Phan Thành Mai đã trao đổi và thống nhất với ông Nguyễn Việt Hà - Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ Lộc Việt (Quỹ Lộc Việt) và Ngân hàng TPBank, dùng biện pháp ủy thác đầu tư sang Quỹ Lộc Việt và nhờ ông Hà mượn pháp nhân các công ty này để vay tiền TPBank lấy tiền mua trái phiếu và dùng tiền vay này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, VNCB sẽ bảo lãnh cho các khoản vay trên. Được ông Nguyễn Việt Hà đồng ý, ông Mai đã báo cáo với ông Phạm Công Danh để triển khai thực hiện.

Tại Quỹ Lộc Việt, ông Nguyễn Việt Hà đã gặp gỡ, trao đổi nhiều lần với các Giám đốc, Phó giám đốc khối KHDN của TPBank cùng tìm ra các doanh nghiệp đứng ra vay vốn TPBank để đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, VNCB sẽ bảo đảm bằng tiền gửi tại TPBank. Các bên đã lựa chọn được 11 pháp nhân là các công ty để tham gia vào việc vay vốn, mua bán trái phiếu,…

Tại TPBank, khi xét duyệt hồ sơ vay vốn, các chuyên viên khách hàng và lãnh đạo phòng Kinh doanh chỉ xem xét hồ sơ vay của 11 công ty, không đánh giá về năng lực tài chính mà chỉ đánh giá là phương án kinh doanh có hiệu quả và có tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB (1,706 tỷ đồng để đảm bảo cho 11 công ty vay 1,667 tỷ đồng tại TPBank thời hạn 1 năm) và tài sản đảm bảo bổ sung là Trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung (tài sản bảo đảm của bên thứ 3 hoặc tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay). Tuy nhiên do không tiến hành kiểm tra hồ sơ phát hành trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung nên không xác định được việc phát hành trái phiếu của 2 đơn vị này trái quy định Pháp luật, nhưng vẫn đề xuất cấp tín dụng cho 11 công ty.

Với vụ án tại BIDV, Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết, ngày 24/05/2013, Ngân hàng BIDV do ông Đoàn Ánh Sáng - Phó Tổng Giám đốc đại diện và Ngân hàng VNCB do ông Đỗ Hoàng Linh - Phó Tổng Giám đốc đại diện đã cùng nhau ký thỏa thuận hợp tác, nội dung cơ bản là BIDV ủng hộ VNCB tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách là ngân hàng của người bán (nhà phân phối, sản xuất vật liệu xây dựng - thiết bị nội thất), trên cơ sở VNCB có khách hàng/đối tác tham gia tích cực vào chuỗi liên kết này; BIDV xem xét cấp hạn mức giao dịch liên ngân hàng cho VNCB (tín chấp hoặc/và có tài sản đảm bảo) theo quy định hiện hành của BIDV. Thỏa thuận này là cơ sở để các bên triển khai các hoạt động sau này.

Theo lời khai của ông Phạm Công Danh được đề cập trong cáo trạng, ông có mối quan hệ với BIDV từ trước khi mua Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên là Ngân hàng Xây dựng). Ông Phạm Công Danh có thành lập và dùng pháp nhân 12 công ty vay vốn tại BIDV số tiền 4,700 tỷ đồng với hồ sơ vay vốn là phương án kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) theo mô hình 4 nhà. Khoảng tháng 9/2013, ông Phạm Công Danh đã trực tiếp đến BIDV Hội Sở chính gặp gỡ, bàn bạc, thống nhất chủ trương với ông Đoàn Ánh Sáng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban Khách hàng doanh nghiệp, ông Trần Lục Lang - Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban Quản lý rủi ro và Giám đốc 2 ban này. Trong trường hợp khách hàng do VNCB giới thiệu không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay.

Sau khi được lãnh đạo BIDV Hội Sở chính đồng ý, ông Phạm Công Danh đã về chỉ đạo cấp dưới tiến hành lựa chọn công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, công ty cung cấp VLXD đầu vào trong số các công ty do ông Phạm Công Danh thành lập và lập khống hồ sơ vay vốn để nộp cho BIDV Hội Sở chính và các chi nhánh sẽ trực tiếp cho vay. Ông Phạm Công Danh là người quyết định dùng tài sản đảm bảo gồm: 6 lô đất SVĐ Chi Lăng, Đà Nẵng; đất tại 209 Trường Chinh, quận Thanh Khê, Đà Nẵng; 3,070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   Suy thận cấp độ 3, Phạm Công Danh phải ra ngoài nghe cáo trạng và chăm sóc sức khỏe (09/01/2018)

>   Sẽ dẫn giải ông Trần Bắc Hà ra tòa nếu vắng mặt (09/01/2018)

>   Đến nay, có 73 luật sư tham gia bào chữa trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (09/01/2018)

>   Đại án Phạm Công Danh: Vì sao buộc phải triệu tập ông Trần Bắc Hà? (09/01/2018)

>   Tín dụng tính đến cuối năm 2017 tăng 18.17%, tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tăng chậm lại  (08/01/2018)

>   Tết năm nay, ngân hàng không "bơm" tiền mới mệnh giá thấp (08/01/2018)

>   Tư duy vành móng ngựa (08/01/2018)

>   'Trách nhiệm của tiền 100 đồng không phải ủng hộ những việc như BOT' (08/01/2018)

>   Ông Phạm Công Danh và ông Trầm Bê tạm rời tòa vì lý do sức khỏe, ông Trần Bắc Hà vắng mặt (08/01/2018)

>   Lợi nhuận BIDV đạt 8.800 tỷ đồng năm 2017 (08/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật