Thứ Tư, 10/01/2018 09:04

Đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2

Ông Phạm Công Danh đã qua mặt Tổ Giám sát NHNN như thế nào?

VNCB bị kiểm soát đặc biệt, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ Giám sát, nhưng ông Phạm Công Danh và đồng phạm vẫn có thể rút số tiền lên tới hơn 6,000 tỷ đồng.

Bảo lãnh trước, báo cáo sau

Điểm lại vụ án tại TPBank, tháng 5/2013, với lý do có tiền để chăm sóc khách hàng và tăng vốn đầu tư, ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo ông Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB, chuyển về cho ông Danh sử dụng. Ông Mai đề xuất với ông Danh ủy thác qua CTCP Quản lý quỹ Lộc Việt (Quỹ Lộc Việt) để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh thì tiền sẽ quay trở lại, ông Danh đồng ý với đề xuất của ông Mai. Nhờ có quen biết với nhau từ trước, ông Phan Thành Mai đã trao đổi và thống nhất với ông Nguyễn Việt Hà - Tổng Giám đốc Quỹ Lộc Việt và Ngân hàng TPBank, dùng biện pháp ủy thác đầu tư sang Quỹ Lộc Việt và nhờ Hà mượn pháp nhân các công ty này để vay tiền TPBank lấy tiền mua trái phiếu và dùng tiền vay này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, VNCB sẽ bảo lãnh cho các khoản vay trên. Được ông Nguyễn Việt Hà đồng ý, ông Mai đã báo cáo với ông Phạm Công Danh để triển khai thực hiện.

Tại Quỹ Lộc Việt, ông Nguyễn Việt Hà đã gặp gỡ, trao đổi nhiều lần với các Giám đốc, Phó Giám đốc khối KHDN của TPBank cùng tìm ra các doanh nghiệp đứng ra vay vốn TPBank để đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, VNCB sẽ bảo đảm bằng tiền gửi tại TPBank. Các bên đã lựa chọn được 11 pháp nhân là các công ty để tham gia vào việc vay vốn, mua bán trái phiếu,…

Sau khi ký hợp đồng tín dụng, TPBank đã giải ngân toàn bộ số tiền hơn 1,600 tỷ đồng cho 11 công ty tham gia vào việc vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung (Công ty Thịnh Phát 153 tỷ đồng, Công ty Thạch Hà 150 tỷ đồng, Công ty Đại Phát Việt Nam 170 tỷ đồng, Công ty Long Khánh 130 tỷ đồng, Công ty Thuận Phát 178 tỷ đồng, Công ty An Phát 173 tỷ đồng, Công ty Khôi Nguyên Phát 109 tỷ đồng, Công ty Khánh Chi 112 tỷ đồng, Công ty Kỳ Nam 141.8 tỷ đồng, Công ty Toàn Phát 215 tỷ đồng và Công ty Đức Long 135 tỷ đồng). Cùng ngày, 11 công ty có ủy nhiệm chi chuyển 1,000 tỷ đồng vào tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh, chuyển 600 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Trung Dung, chuyến 66.8 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Thạch Hà.

Trước đó hồi tháng 5-6/2013, trong số 11 công ty này, VNCB và TPBank đã ký 2 hợp đồng tiền gửi không kỳ hạn, mỗi hợp đồng trị giá 310 tỷ đồng, để bảo lãnh cho khoản vay của 4 Công ty là Thịnh Phát, Thạch Hà, Đại Phát Việt Nam, Long Khánh (tổng số tiền VNCB gửi trên toàn bộ các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn ở thời điểm ký kết là 1,706 tỷ đồng để bảo đảm cho 11 công ty vay hơn 1,600 tỷ đồng tại TPBank trong thời hạn 1 năm). Đáng chú ý, đối với việc sử dụng 620 tỷ đồng để bảo lãnh cho 4 công ty vay vốn tại TPBank, đến ngày 29/11/2013, VNCB mới có văn bản báo cáo, xin ý kiến của Tổ Giám sát của Ngân hàng Nhà nước về việc gửi tiền tại TPBank.

Trường hợp của các công ty còn lại, từ tháng 10-12/2013, TPBank đã ký nhiều hợp đồng tín dụng ngắn hạn cho các công ty này vay tiền, đồng thời ký các hợp đồng cầm cố tài sản bằng chính trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh được hình thành từ vốn vay. Trong thời gian này, Phan Thành Mai đã ký nhiều Tờ trình xin ý kiến Tổ Giám sát của NHNN về việc gửi tiền tại TPBank với lý do để nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với hoạt động nguồn. Ông Lê Văn Thanh, Tổ trưởng Tổ giám sát cũng đã nhiều lần đề nghị VNCB gửi tiền tại ngân hàng khác để tránh rủi ro. Tuy nhiên, ngay sau khi xin ý kiến Tổ Giám sát, VNCB và TPBank cùng các công ty vẫn ký Hợp đồng cầm cố tài sản với nội dung VNCB đồng ý sử dụng các hợp đồng tiền gửi làm tài sản đảm bảo cho các công ty vay tiền.

Đến tháng 4/2014, với lý do 7/11 công ty không xuất trình được những hồ sơ thể hiện việc triển khai thực hiện dự án theo mục đích phát hành trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, nên TPBank đã có công văn yêu cầu trả nợ trước hạn với 7 công ty này. Ngày 11/04/2014, TPBank đã tự trích tiền gửi trên tài khoản của VNCB mở tại TPBank để thu hồi nợ vay của cả 11 công ty trên.


Phạm Công Danh trong phiên tòa xét xử ngày 09/01/2018

Việc qua mắt Tổ Giám sát NHNN cũng xảy ra tương tự với vụ án xảy ra tại BIDV. Theo lời khai của bị can Phan Thành Mai với Cơ quan điều tra, ban đầu bị can không tham gia trực tiếp vào việc 12 công ty vay BIDV 4,700 tỷ đồng. Việc này ông Phạm Công Danh ra chủ trương, thống nhất với BIDV và chỉ đạo nhóm Tài chính Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện (gồm ông Mai Hữu Khương, ông Lưu Trung Kiên, ông Nguyễn Quốc Viễn, ông Phan Minh Tùng, ông Phạm Công Trung). Sau khi nhóm Tài chính Thiên Thanh lập xong hồ sơ vay gửi đến 4 Chi nhánh BIDV thì BIDV chỉ chấp nhận một số lô đất làm tài sản đảm bảo và không chấp thuận lô đất 302 Tô Hiến Thành vì sổ đỏ vẫn thuộc Quân khu 7 chưa sang tên cho Tập đoàn Thiên Thanh. Do vậy, ông Phạm Công Danh quyết định dùng tiền gửi của VNCB gửi sang BIDV để bảo lãnh các khoản vay của 12 công ty và bắt đầu từ đó, ông Mai chính thức tham gia vào việc 12 công ty vay vốn BIDV với tổng số tiền 4,700 tỷ đồng.

Theo chỉ đạo của ông Phạm Công Danh, ông Phan Thành Mai tham gia các cuộc họp nội bộ và cuộc họp với BIDV để thống nhất về việc dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh các khoản vay. Đồng thời, ông Mai tham gia ký 12 biên bản họp HĐQT VNCB về việc thống nhất cho vay và hỗ trợ cho 12 công ty vay tiền tại BIDV và ký nháy về nội dung này tại 12 Nghị quyết HĐQT do ông Mai Hữu Khương soạn thảo. Ông Phan Thành Mai cũng đại diện VCNB ký 12 văn bản giới thiệu khách hàng có nhu cầu vay vốn đề nghị BIDV xem xét trong có có cam kết hỗ trợ tài sản đảm bảo, ký các Hợp đồng tiền gửi với tổng số tiền 3,070 tỷ đồng, các Phụ lục hợp đồng tiền gửi, các xác nhận giao dịch 1 tháng/1 lần/1 hợp đồng tiền gửi với hình thức lãi nhập gốc thành khoản tiền gửi mới, ký hợp đồng cầm cố tài sản đảm bảo bên thứ 3 (là các Hợp đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV), ký biên bản họp và Nghị quyết HĐQT VNCB về việc đồng ý tất toán các Hợp đồng tiền gửi để trả nợ thay 12 công ty vay vốn, ký hồ sơ tất toán hợp đồng tiền gửi và thanh lý hợp đồng tín dụng cùng 12 công ty và BIDV.

Đáng chú ý, việc VNCB gửi tiền thị trường 2 tại BIDV có làm văn bản xin ý kiến Tổ Giám sát về việc gửi tiền và hạch toán ghi sổ là tiền gửi nhưng khi bảo lãnh và trả nợ thay đều không báo cáo, không hạch toán ngay vào sổ sách ngân hàng. Đến cuối tháng 5/2013, NHNN tổ chức cuộc họp tại TP.HCM (thành phần gồm Tổ Giám sát NHNN tại VNCB, Thanh tra giám sát NHNN do anh Thảo - Phó Chánh Thanh tra đại diện) đã có giấy triệu tập VNCB báo cáo tình hình tài chính của Ngân hàng và ông Mai đã báo cáo chi tiết tình hình hoạt động của VNCB; trong đó đề cập rõ việc VNCB dùng tiền gửi thị trường 2 tại BIDV, Sacombank, TPBank để bảo lãnh các khoản vay của các công ty tại 3 ngân hàng này và đã bị Sacombank cùng TPBank cắt nợ, đã tất toán trả nợ thay các công ty tại BIDV (trên 6,000 tỷ đồng), hiện vẫn chưa hạch toán sổ sách chính thức của VNCB. Ông Mai báo cáo chi tiết các nội dung và xin ý kiến về việc dùng số tiền dự kiến tăng vốn (4,500 tỷ đồng) vào việc bù đắp thiệt hại cho VNCB, hoặc nếu vẫn thực hiện tiếp việc tăng vốn thì VNCB xin nhận tất cả các khoản vay của các công ty từ 3 ngân hàng về VNCB xem là khoản vay tại Ngân hàng và bù đắp các tài sản khác của ông Phạm Công Danh vào làm tài sản thế chấp. Ngoài việc báo cáo miệng, ông Mai cho biết có ký văn bản gửi NHNN để xin ý kiến chỉ đạo nhưng không nhận được văn bản trả lời hay sự chỉ đạo chính thức nào. Sau cuộc họp, VNCB có thực hiện hạch toán toàn bộ số tiền trên 6,000 tỷ đồng này vào khoản phải thu của các công ty. Đây chỉ là làm hợp thức hóa sổ sách sau khi thiệt hại hàng ngàn tỷ xảy ra.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   NHNN: Năm 2017 tín dụng tăng trưởng 18.17% (09/01/2018)

>   Dự trữ ngoại hối Việt Nam vượt mức 53 tỷ USD (09/01/2018)

>   PVcomBank bán bất thành 2 triệu cp PVI (10/01/2018)

>   Bán tiếp hơn 5.5 triệu cp Sacombank, Eximbank giảm sở hữu còn 6.84% (09/01/2018)

>   DongABank đã thu hồi hơn 12,000 tỷ đồng nợ có vấn đề kể từ sau kiểm soát đặc biệt (09/01/2018)

>   Ông Trần Bắc Hà bị ung thư gan, sức khỏe bà Hứa Thị Phấn chỉ còn 7%, không thể ra tòa (09/01/2018)

>   Ngân hàng NCB tung gói sản phẩm “Đặc quyền phái đẹp” lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam (09/01/2018)

>   Dòng tiền trong đại án Phạm Công Danh qua TPBank như thế nào? (09/01/2018)

>   Ngân hàng sẽ áp đảo "giải cống hiến" ngân sách 2017 (09/01/2018)

>   MBB sẽ chi hơn 1,000 tỷ trả cổ tức đợt 1/2017 vào ngày 31/01 (09/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật