Đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2
Ông Trầm Bê có đồng phạm với Phạm Công Danh?
Đồng phạm là trường hợp có 2 người trở lên cố ý, có chủ đích thực hiện một hành vi phạm tội; đòi hỏi người thực hiện phải nhận thức rõ hành vi của mình; nhìn thấy trước hậu quả nhưng bỏ mặc hoặc mong muốn hậu quả xảy ra và cuối cùng phải gây ra hậu quả về mặt vật chất. Chủ ý của Phạm Công Danh thì đã rõ nhưng ông Trầm Bê không hề biết mục đích của ông Phạm Công Danh.
Mở đầu phiên tranh tụng chiều 24/01, 3 luật sư biện hộ cho bị cáo Trầm Bê là luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng, luật sư Trần Quốc Khánh và luật sư Phạm Đức Trung tiến hành thực hiện phần bào chữa trước tòa.
Các luật sư nhắc lại phần luận tội của Viện kiểm sát vào sáng 22/01 với bị cáo Trầm Bê: Trường hợp của ông Trầm Bê, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và khai báo có mối quan hệ thân thiết với ông Phạm Công Danh từ trước. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhận thấy nhận thức của ông Trầm Bê là chưa đúng về luật các TCTD. Mặc dù bị cáo Bê chỉ đạo cho vay theo đúng quy định của pháp luật nhưng các chi nhánh của Ngân hàng chưa thẩm định khách hàng, phê duyệt hồ sơ đúng quy định, kiểm tra phương án sử dụng vốn,… Viện kiểm sát có đủ cơ sở kết luận cáo trạng truy tố về nội dung bị cáo Trầm Bê đóng vai trò giúp sức cho bị cáo Phạm Công Danh là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
Luật sư cũng trích dẫn lại bối cảnh liên quan đến hành vi giữa ông Trầm Bê và ông Phạm Công Danh, được đề cập trong trang 4 của cáo trạng: “Khoảng giữa tháng 4/2013, Phạm Công Danh đến Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank) liên hệ vay tiền. Phạm Công Danh trực tiếp gặp Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank trình bày lý do mình cần tiền nhưng không vay được tiền tại ngân hàng VNCB và đề nghị Trầm Bê cho Danh vay tiền. Giữa Trầm Bê và Phạm Công Danh có mối quan hệ từ khi Trầm Bê còn ở Ngân hàng TMCP Phương Nam; đồng thời, Trầm Bê cũng biết Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, không thể vay được tiền tại VNCB nên Trầm Bê đã đồng ý cho Phạm Công Danh vay nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi. Sau đó, Trầm Bê đưa Phạm Công Danh đến gặp Phan Huy Khang - Tổng Giám đốc Sacombank. Tại đây, Trầm Bê, Phan Huy Khang và Phạm Công Danh đã thống nhất: Sacombank sẽ cho Phạm Công Danh vay từ 1,300 tỷ đồng đến tối đa 1,800 tỷ đồng nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi. Sau đó vài ngày, Phạm Công Danh đến gặp Phan Huy Khang, ông Khang mời Trầm Bê xuống phòng làm việc của mình, Phan Huy Khang báo cáo Trầm Bê nội dung: Phan Huy Khang đã bàn bạc cho Phạm Công Danh vay 1,800 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB.”
Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng, cách đặt vấn đề trong cáo trạng có tính áp đặt ngay từ đầu “Trầm Bê biết Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB, không thể vay được tiền tại VNCB nên đã đồng ý cho Phạm Công Danh vay nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi”. Cách dùng từ “bàn bạc” cũng dễ khiến người khác hiểu sai về mối quan hệ giữa các bị cáo trong vụ án. Việc bị cáo Trầm Bê quen bị cáo Phạm Công Danh cũng không phải là căn cứ vi phạm pháp luật.
Luật sư Mai Hồng sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cho biết, lập luận cáo trạng cũng như quy kết của Viện kiểm sát không đủ chứng minh bị cáo Trầm Bê đồng phạm với bị cáo Phạm Công Danh, là hoàn toàn thiếu căn cứ xét trên cả 3 cơ sở pháp lý: chủ quan, khách quan và mối quan hệ nhân quả.
Về mặt chủ quan, ông Trầm Bê không trực tiếp triển khai hồ sơ vay mà chỉ phê duyệt, ông Trầm Bê không hề biết và không hay biết mục đích vay tiền. Trước đó, ông Phạm Công Danh cũng xác nhận phía ông Trầm Bê không biết bản chất, động cơ vay tiền của 6 công ty. Từ tháng 4/2013 và trong suốt quá trình vay vốn, ông Trầm Bê không biết hành vi của ông Phạm Công Danh gây nguy hiểm cho xã hội.
Về mặt khách quan, Sacombank nhận tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB cũng như việc ký hợp đồng vay vốn là hợp pháp, không vi phạm quy định của pháp luật. Việc gửi tiền của VNCB sang tổ chức tài chính khác cũng phù hợp với quy định, trang 91 của cáo trạng có đề cập đến vi phạm là nội dung không đúng.
Về mối quan hệ nhân quả, không có dấu hiệu cho thấy mối quan hệ này ở đây. Hành vi của ông Trầm Bê không gây ra hậu quả mà thiệt hại của VNCB là ở hoạt động khác - hoạt động bảo lãnh, do ông Phạm Công Danh tiến hành.
Bổ sung cho luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng, luật sư Trần Quốc Khánh cũng cho rằng Viện kiểm sát không đủ cơ sở quy kết trách nhiệm đồng phạm, đây là suy diễn chủ quan và thiếu logic. Đồng phạm là trường hợp có 2 người trở lên cố ý, có chủ đích thực hiện một hành vi phạm tội; đòi hỏi người thực hiện phải nhận thức rõ hành vi của mình; nhìn thấy trước hậu quả nhưng bỏ mặc hoặc mong muốn hậu quả xảy ra và cuối cùng phải gây ra hậu quả về mặt vật chất. Với ông Phạm Công Danh, do hoàn cảnh bức bách của VNCB thời gian cuối năm 2012 đầu năm 2013, ý thức của ông buộc phải có hành động, có ý chí thực hiện hành vi phạm tội, lấy tiền gửi bảo lãnh cho việc vay tiền để cứu ngân hàng. Nhưng ông Trầm Bê không hề biết tình trạng này của VNCB, cũng không biết mục đích, ý chí vay vốn của ông Phạm Công Danh. Ông Bê cũng không biết 6 công ty vay vốn là các công ty có liên quan đến ông Danh và tập đoàn Thiên Thanh (trước đó ông Phạm Công Danh đã thừa nhận điều này).
Về quan hệ đối nhân, giữa Trầm Bê và Phạm Công Danh chỉ đơn thuần là quan hệ của 2 ông chủ với 2 pháp nhân độc lập, không thống nhất. Khi gặp nhau để triển khai, ông Bê cũng khẳng định với ông Danh chỉ cho vay khi phải có tài sản thế chấp là bất động sản hoặc tiền gửi, nếu là tiền gửi của VNCB thì phải có Nghị quyết HĐQT chấp thuận. Ông Bê cũng không được hưởng hoặc nhận bất cứ lợi ích gì từ việc cho 6 công ty vay tiền, điều này cũng đã được ông Phạm Công Danh thừa nhận.
Việc chấp thuận chủ trương cho 6 công ty vay vốn cũng không để lại hậu quả với Sacombank, đến thời điểm giám định, kết luận cho thấy Sacombank không bị thiệt hại gì, đại diện NHNN cùng cơ quan cảnh sát điều tra cũng thừa nhận các kết luận giám định. “Không phải ngẫu nhiên cả 3 ngân hàng (cùng với BIDV, TPBank) cùng thực hiện hành vi y như Sacombank”, luật sư Trần Quốc Khánh nhận định.
Bên cạnh đó, cũng phải xem xét lại trách nhiệm của tổ giám sát NHNN. Nếu NHNN thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình thì VNCB không thể chuyển tiền bảo lãnh cho các công ty vay tiền, không chuyển tiền được thì các ngân hàng sẽ không cho vay, không cho vay thì không có vi phạm.
Trầm Bê: Tôi không gây hại và vẫn muốn làm điều có ích cho xã hội
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Trầm Bê mong HĐXX xem xét lại bản án 5-6 năm tù, để ông có thể sớm trở về tiếp tục làm những điều có ích cho xã hội. Ông nói rằng mình không gây hại cho xã hội; trước đó ông đã gầy dựng rất nhiều doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhiều người. “Mong xem xét cho tôi được thấp hơn, tôi hoàn toàn không có chủ ý gì cho Phạm Công Danh vay tiền, thấy an toàn cho Sacombank tôi mới thực hiện”, bị cáo Trầm Bê giải trình.
Theo ông Trầm Bê, với một khách hàng thì cho vay là nhiệm vụ của ngân hàng, tuy nhiên muốn tiền ra khỏi ngân hàng phải có sự phê duyệt, đồng ý của nhiều cấp, không phải chỉ riêng cá nhân ông. Ông trần tình, 40 năm qua ông đã làm quá nhiều nghề, làm việc với rất nhiều doanh nghiệp và chưa hề sai pháp luật.
Ông nói cho đến khi ra toà, ông vẫn không biết trụ sở của Ngân hàng Đại Tín hay Ngân hàng Xây dựng nằm ở đâu và khi đó ông mới biết Phạm Công Danh đã dùng pháp nhân của 6 công ty để vay vốn Sacombank.
Ông Trầm Bê cũng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ mức án cho ông Phan Huy Khang. “Đây là hành động của tôi, anh Khang là Tổng Giám đốc - cấp dưới của tôi, tôi thấy được thì mới giao xuống dưới”.
Thu Phong
FILI
|