Thứ Hai, 29/01/2018 21:52

Đại án Phạm Công Danh - Giai đoạn 2

Đề nghị giải quyết gọn ghẽ 4,500 tỷ đồng tăng vốn VNCB, không chuyển sang phiên tòa sau

“4,500 tỷ đồng nên giải quyết gọn ghẽ, triệt để trong phiên tòa lần này” - Luật sư Trần Minh Hải.

Đối đáp trong phiên tranh luận cuối tuần qua (27/01), hai đại diện của Viện kiểm sát cho biết, về số tiền 4,500 tỷ đồng ông Phạm Công Danh tăng vốn điều lệ cho VNCB, mà các luật sư đề nghị cấn trừ vào thiệt hại hơn 6,100 tỷ đồng của vụ án, cơ quan công tố dẫn chứng việc đại diện CB (Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng, kế thừa quyền nghĩa vụ của VNCB sau khi được nhà nước mua lại với giá 0 đồng) xác định số tiền này đã hòa vào dòng tiền của Ngân hàng, không thể bóc tách.

Viện kiểm sát xác định số tiền hơn 6,100 tỷ đồng ông Danh mang sang gửi tại Sacombank, BIDV và TPBank để đảm bảo cho 29 lượt vay của các công ty mới là tang vật vụ án, do đó, cần thu hồi để khắc phục hậu quả. Còn 4,500 tỷ đồng đã hòa vào dòng tiền chung thì đây là quan hệ giữa Phạm Công Danh và CB. Viện kiểm sát đề nghị HĐXX dành cho bị cáo Danh quyền được khởi kiện VNCB (nay là CB) bằng một vụ án dân sự để đòi lại.

Tuy nhiên, trong phiên bào chữa bổ sung ngày hôm nay (29/01), luật sư Trần Minh Hải (bảo vệ quyền và lợi ích cho bị cáo Phạm Công Danh) đã lên tiếng phản đối đề nghị trên của Viện kiểm sát. Luật sư Hải mong giải quyết khoản tiền 4,500 tỷ đồng ngay trong phiên tòa này. Khoản tiền 4,500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ là khoản tiền rất sát sao với khoản tiền BIDV đã giải ngân cho các pháp nhân có liên quan đến Phạm Công Danh vay vốn (4,700 tỷ đồng). Nếu như không xem xét khoản tiền tăng vốn 4,500 tỷ đồng thì một loạt vấn đề khúc mắc trong vụ án sẽ không thể được làm rõ vì sẽ không biết ai mới thực sự là người bị thiệt hại.

“Tôi không tranh luận về vấn đề với bản chất sai phạm là phạm tội hay không phạm tội với Phạm Công Danh vì bản thân ông Danh đã nhận hết về mình trách nhiệm. Tôi chỉ nêu ra những quy buộc nhằm làm rõ hành vi của thân chủ tôi để HĐXX có thể xem xét giảm nhẹ, tránh những ảnh hưởng đến việc tăng nặng mức độ phạm tội của Phạm Công Danh, cũng như ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng nói chung”, luật sư Trần Minh Hải, bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh nói.

Không có tranh chấp dân sự, cớ sao lại chuyển sang phiên tòa sau?

Khẳng định lại thêm một lần nữa, luật sư Trần Minh Hải cho rằng cần khấu trừ khoản tiền 4,500 tỷ đồng ra khỏi tổng thiệt hại của vụ án (theo cáo trạng là hơn 6,100 tỷ đồng). Cách giải quyết tách thành một vụ án mới trong phiên tòa sau của Viện kiểm sát là không đúng bản chất và làm rõ sự thật khách quan; không giải quyết được những nghịch lý mà luật sư đã nêu trước đó mà còn phát sinh nghịch lý mới, “nghịch lý sinh ra nghịch lý”. 3 nghịch lý mới phát sinh bên cạnh 7 nghịch lý đã trình bày tạo thành 10 nghịch lý cần giải quyết chỉ bằng một phép toán đơn giản 6,100 tỷ đồng trừ 4,500 tỷ đồng.

Khoản tiền tăng vốn 4,500 tỷ đồng là một nút thắt quan trọng của vụ án và cơ quan tố tụng cần làm rõ. Ở đây, Ngân hàng Xây dựng được cho là người bị hại, nhưng thực chất lại là người hưởng lợi kép: bỏ ra 2,500 tỷ đồng (bảo lãnh cho 12 công ty vay vốn tại BIDV và sau đó đã bị BIDV thu nợ), có được 4,500 tỷ đồng và sau đó tiếp tục đòi 4,500 tỷ đồng. Nếu không giải quyết triệt để mà để bị cáo Danh tiếp tục khởi kiện, tức sẽ nảy sinh một vấn đề tranh chấp dân sự qua phiên tòa sau, lại phát sinh một nghịch lý. Nghịch lý đó là việc xác định sự thật vụ án vốn thuộc về trách nhiệm của cơ quan tố tụng thì nay bị cáo và luật sư bị cáo lại phải làm thay. Ngoài ra, một khoản tiền liên quan yếu tố hình sự trong vụ án mà lại bị đẩy sang vấn đề tranh chấp dân sự thì đã làm sai đi sự thật khách quan của vụ án.

Luật sư Hải khẳng định không có tranh chấp gì ở đây cả, để mà phải phát sinh một vụ án dân sự giữa Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng. Bản thân ông Phạm Công Danh vay 4,500 tỷ đồng không vì mục đích cá nhân mà là nhằm tăng vốn cho VNCB. Phạm Công Danh không hề có mâu thuẫn nào với Ngân hàng Xây dựng và mong muốn đòi lại số tiền ấy để phục vụ cho cá nhân. “Phạm Công Danh không tự mong muốn, tại sao lại cho rằng có tranh chấp”, luật sư nói.

Đồng thời mong HĐXX giải quyết số tiền 4,500 tỷ đồng gọn ghẽ trong phiên tòa này.

Đề nghị triệu tập kiểm toán viên của VNCB

Năm 2015, Ngân hàng Xây dựng (CB, trước là VNCB) có công văn đề nghị NHNN hướng dẫn điều chỉnh giảm vốn điều lệ, lý do là NHNN không chấp nhận tăng vốn điều lệ cho VNCB dựa trên ý kiến mà đơn vị kiểm toán đã đưa ra trong BCTC 2014 của Ngân hàng (ở đây là công ty kiểm toán Ernst & Young, EY)

Sau đó, CB tiếp tục có công văn gửi lên NHNN cho biết sẽ xử lý hạch toán khoản 4,500 tỷ đồng theo kết luận của cơ quan điều tra. Trích trang 203 kết luận điều tra ngày 20/11/2015 giai đoạn 1 xác định, số tiền 4,500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ có thể dùng để thu hồi thiệt hại do các bị can gây ra. Trong khi đến năm 2016, CB vẫn cho rằng phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Có một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Tại sao đơn vị kiểm toán EY lại yêu cầu Ngân hàng Xây dựng giảm vốn điều lệ sau khi kiểm toán BCTC năm 2014?

Luật sư Hà Hải (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) đề nghị phải triệu tập 2 kiểm toán viên đã ký vào báo cáo kiểm toán vì họ là người hiểu rõ nhất về tình hình tài chính của Ngân hàng Xây dựng thời điểm đó, họ là bên độc lập và là người chịu trách nhiệm về BCTC của Ngân hàng. Luật sư cho rằng họ phải có mặt và mang theo đầy đủ tài liệu.

Có khá nhiều câu hỏi dự kiến mà luật sư muốn hỏi các kiểm toán viên này: Dựa trên cơ sở nào đề nghị giảm vốn điều lệ? Có mấy lần đề xuất giảm vốn điều lệ, nội dung đề xuất như thế vào và đã làm việc với ai? Những bút toán nào kiểm toán viên đề xuất cho CB, cái nào CB đồng ý, cái nào CB không đồng ý và tại sao không đồng ý? Bút toán nào đã được CB điều chỉnh?,…

Luật sư nghĩ đây là những người có đầy đủ chứng cứ và quan điểm về mặt chứng cứ để làm rõ những số liệu tài chính của CB cho vụ án, nhất là con số 4,500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ.

Thu Phong

FiLi

Các tin tức khác

>   Tăng 113%, lãi sau thuế 2017 của HDBank đạt hơn 1,954 tỷ đồng (31/01/2018)

>   Đại tiệc khai xuân với thẻ Sacombank (29/01/2018)

>   Ngân hàng Xây dựng đã thu hồi nợ 5,200 tỷ đồng nợ xấu trong 2017 (29/01/2018)

>   Vì sao Sacombank, BIDV và TPBank không chấp nhận bồi thường 6,100 tỷ đồng cho VNCB? (29/01/2018)

>   Đề nghị truy tố nguyên giám đốc ngân hàng nhận 'lót tay' 800 triệu (29/01/2018)

>   Lãi suất liên ngân hàng, trái phiếu Chính phủ giảm mạnh (29/01/2018)

>   Thất thoát hơn 304 tỉ đồng tại Agribank Cần Thơ: Hoàn tất điều tra bổ sung (29/01/2018)

>   Moody’s cảnh báo Việt Nam về việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ (29/01/2018)

>   Siết chặt vay tiền tiêu dùng nhưng đổ vào nhà, đất (29/01/2018)

>   Bà Hứa Thị Phấn không còn sức khỏe và tài sản, không chấp thuận trả 600 tỷ đồng cho VNCB? (27/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật