Thứ Hai, 29/01/2018 13:57

Vì sao Sacombank, BIDV và TPBank không chấp nhận bồi thường 6,100 tỷ đồng cho VNCB?

Có khá nhiều lý do được các ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank đưa ra để phản đối việc hoàn trả hơn 6,100 tỷ đồng cho VNCB.

Nhưng tựu trung lại, có 3 lý do chính là (i) tuân thủ đúng quy định, không vi phạm pháp luật; (ii) thiệt hại xảy ra (nếu có) là hoàn toàn do lỗi của VNCB nên không thể buộc ngân hàng khác gánh chịu, và thiệt hại đã xảy ra gần 4 năm nay; (iii) hậu quả và các hệ lụy đối với ngành ngân hàng, với môi trường kinh doanh trong bối cảnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng.

 

Một tuần cho phần tranh tụng trong phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 đồng phạm vừa trôi qua. Không chỉ tại phần tranh tụng mà ngay cả những phiên thẩm vấn trước đó, bài toán cho khoản thiệt hại được xác định theo cáo trạng là hơn 6,100 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng (CB, trước là VNCB) vẫn chưa tìm được lời giải.

Theo cáo trạng, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng, nhưng không thể vay được trực tiếp tại Ngân hàng VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Phạm Công Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời, dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay, sau đó bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, với tổng số tiền là hơn 6,100 tỷ đồng.

Đại diện Ngân hàng Xây dựng trong phiên tòa cách đây gần hai tuần đã yêu cầu 3 ngân hàng trên phải chịu trách nhiệm bồi thường cả gốc số tiền 6,100 tỷ đồng và lãi trên số tiền này. Sau đó một tuần, tại bản luận tội, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cũng đề nghị HĐXX tuyên thu hồi 6,100 tỷ đồng từ Sacombank, BIDV, TPBank để trả lại cho Ngân hàng xây dựng. Đồng thời, Phạm Công Danh và các công ty thành viên cùng Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn lại số tiền 6,100 tỷ đồng cho 3 ngân hàng.

Tuy nhiên, cả ba ngân hàng này đã nói “không” với việc bồi hoàn tiền cho Ngân hàng Xây dựng.

Đại diện BIDV khẳng định, việc yêu cầu thu tiền từ các ngân hàng hoàn trả cho VNCB, rồi yêu cầu các bị cáo bồi hoàn lại cho các ngân hàng, không khác gì “đánh bùn sang ao”, chuyển thiệt hại từ VNCB sang cho các ngân hàng. Mà đại diện VKS, đại diện CB cũng không đưa ra được cơ sở, căn cứ pháp lý rõ ràng của yêu cầu này.

Cả ba ngân hàng đều cho biết, họ làm đúng luật. Việc cho vay, nhận tiền gửi và nhận cầm cố hợp đồng tiền gửi của VNCB, thực hiện thu hồi nợ đều tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đại diện ba ngân hàng nhấn mạnh thêm, họ không giao dịch, không quan hệ với cá nhân ông Phạm Công Danh và các bị cáo, mà là với VNCB và 12 pháp nhân công ty. Họ cũng không biết động cơ, mục đích thực sự của ông Danh sau các khoản vay này. Hơn nữa, thiệt hại (nếu có) xảy ra đã gần 4 năm nay (tháng 5/2014), VNCB trước đây và CB suốt một thời gian dài không có ý kiến, yêu cầu, khởi kiện gì, không thực hiện bất kỳ biện pháp gì để thu hồi thiệt hại. Như vậy, các ngân hàng đặt câu hỏi có đảm bảo vấn đề thời hiệu xem xét hiệu lực của các giao dịch hay không và trách nhiệm của CB như thế nào?

Bên cạnh đó, tại các kết luận điều tra, các giám định tư pháp của giám định NHNN, cáo trạng truy tố, diễn biến xét hỏi, bài luận tội, các bài bào chữa tại phiên toàn đều thể hiện cấp quản lý và điều hành của VNCB dùng tài sản Ngân hàng (tiền gửi) để đảm bảo cho các công ty vay tiền tại 3 ngân hàng mà không thực hiện các biện pháp bảo đảm theo quy định dẫn đến thiệt hại cho VNCB thì rõ ràng đây là lỗi của VNCB. Ba ngân hàng nhấn mạnh sẽ không gánh chịu bất cứ hậu quả nào mà không phải lỗi của họ.

Trong đơn yêu cầu đòi thiệt hại, CB không hề đưa ra được bất cứ căn cứ nào để chứng minh cho quyền lợi của mình. CB rất mơ hồ về khoản thiệt hại, không tự xác định yêu cầu bồi thường của mình, không nêu được lỗi của các bên liên quan, không nêu được mối quan hệ giữa lỗi và thiệt hại, không thể phân chia thiệt hại với các tổ chức và cá nhân liên quan. Đi đòi thiệt hại nhưng không chứng minh lại đẩy trách nhiệm cho cơ quan tố tụng.

-Luật sư Lê Thị Tường Vy-

Nếu VKS yêu cầu các ngân hàng phải hoàn trả hơn 6,100 tỷ đồng, đây là một phán quyết hoàn toàn bất công, trong khi pháp nhân 2 ngân hàng bình đẳng trước pháp luật. Dòng tiền ở đây đã phục vụ cho mục đích của VNCB và không phục vụ cho mục đích của 3 ngân hàng. Nếu yêu cầu bồi thường, thì NHNN là cổ đông của VNCB được lợi và hàng vạn cổ đông của 3 ngân hàng phải chịu thiệt hại.

-Luật sư Vương Công Đức-

 

Vấn đề tiếp theo liên quan đến hậu quả và các hệ lụy đối với ngành ngân hàng, với môi trường kinh doanh trong bối cảnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng. Việc kiến nghị thu hồi tiền 6,100 tỷ đồng nói trên không có đầy đủ cơ sở pháp lý sẽ tạo tiền lệ bất lợi, gây khó khăn, cản trở, lớn cho hoạt động của 3 ngân hàng nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung, không đảm bảo quyền và các lợi ích của các TCTD theo quy định của pháp luật. Điều này có thể làm xáo trộn môi trường kinh doanh, khách hàng mất niềm tin vào ngân hàng, có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, sau khi cả 3 ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank đồng loạt phản đối bồi thường thiệt hại cho VNCB, tại phiên tòa cuối tuần qua (27/01), Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm thu hồi thiệt hại từ 3 ngân hàng. Đại diện VKS nói ngắn gọn, số tiền hơn 6,100 tỷ đồng được xác định là thiệt hại của vụ án và đề nghị 3 ngân hàng phải hoàn trả cho VNCB vì đó là vật chứng vụ án.

Phiên tòa sáng 29/01 tiếp tục phần bào chữa bổ sung của các luật sư.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   Đề nghị truy tố nguyên giám đốc ngân hàng nhận 'lót tay' 800 triệu (29/01/2018)

>   Lãi suất liên ngân hàng, trái phiếu Chính phủ giảm mạnh (29/01/2018)

>   Thất thoát hơn 304 tỉ đồng tại Agribank Cần Thơ: Hoàn tất điều tra bổ sung (29/01/2018)

>   Moody’s cảnh báo Việt Nam về việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ (29/01/2018)

>   Siết chặt vay tiền tiêu dùng nhưng đổ vào nhà, đất (29/01/2018)

>   Bà Hứa Thị Phấn không còn sức khỏe và tài sản, không chấp thuận trả 600 tỷ đồng cho VNCB? (27/01/2018)

>   NamABank vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2017 (27/01/2018)

>   Tăng hơn 71%, lãi sau thuế hợp nhất 2017 của KienLongBank đạt 207 tỷ đồng (29/01/2018)

>   Bịt mặt cướp Chi nhánh ngân hàng Agribank ở Bắc Giang (26/01/2018)

>   Công ty tài chính HD SAISON tăng vốn lên 1,100 tỷ đồng (27/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật