Chuyên gia dự đoán giá 'đô' năm 2018
Đang có diễn biến “lạ” trên thị trường ngoại tệ khi Ngân hàng Nhà nước liên tục tăng tỉ giá trung tâm trong khi giá USD bán ra tại các ngân hàng thì đứng yên.
Ngân hàng Nhà nước liên tục tăng tỉ giá trung tâm những ngày gần đây. Trong ảnh là giao dịch USD tại ngân hàng - Ảnh: THUẬN THẮNG.
|
Ngày hôm nay, 31-1, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm ở mức 22.441 đồng. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỉ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 23.114 đồng và tỉ giá sàn là 21.768 đồng.
Trước hôm nay, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỉ giá trung tâm ba phiên liên tiếp.
Tuy nhiên giá bán USD tại các ngân hàng thương mại vẫn đứng im ở mức 22.745 đồng/USD suốt nhiều tuần qua. Giá USD mua vào tại các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 22.675 đồng/USD.
Hiện giá mua USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước đang cao hơn giá mua USD tại các ngân hàng thương mại khoảng 35 đồng/USD.
Diễn biến trên cộng với lượng ngoại tệ dồi dào từ kiều hối, đầu tư nước ngoài… khiến Ngân hàng Nhà nước liên tục mua ròng ngoại tệ trong thời gian gần đây.
Chỉ trong 2 tuần đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm 2,5 tỉ USD đưa dự trữ ngoại hối lên kỷ lục mới: 54,5 tỉ USD.
Vậy trong năm 2018 tỉ giá diễn biến thế nào?
Hiện tại trong giới chuyên gia và tài chính ngân hàng vẫn có nhiều dự đoán khác nhau.
Theo dự báo của các chuyên gia nhóm nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered, tỉ giá sẽ ở mức 22.650 đồng vào quý II/2018 và 22.600 đồng/USD vào cuối năm nay. Điều đó có nghĩa là đồng VND đang lên giá.
Trong khi đó, Ngân hàng Công Thương Việt Nam cho rằng trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, tỉ giá dự báo tiếp tục ổn định trong năm 2018. Mức độ giảm giá của đồng VND so với USD dự báo dưới mức 2%.
Giải thích về vấn đề này, Ngân hàng Công Thương Việt Nam cho biết năm 2018 áp lực lên tỉ giá sẽ đến từ các nhân tố nội tại và quốc tế.
Việt Nam đang định hướng giảm lãi suất, đặt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất.
Cùng với đó Đạo luật Cải cách thuế của Chính phủ Mỹ có hiệu lực sẽ tạo lực đỡ để USD mạnh lên.
Thừa nhận rất khó đoán định tỉ giá, chẳng hạn năm 2017 mọi dự báo đều cho rằng USD lên giá nhưng tính chung cả năm USD mất giá khoảng 9%.
Tuy nhiên ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, cho rằng từ giữa năm 2017, tỉ giá đã chững lại và Ngân hàng Nhà nước cố gắng kiểm soát ở mức độ hợp lý.
Về một số ý kiến cho rằng VND đang mạnh lên, ông Hà cho rằng khi tỉ giá không ổn định sẽ tác động bất lợi, nhất là tới xuất khẩu. VND mạnh lên không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà còn tác động tới nhập khẩu, vay nợ, vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào Việt Nam…
"Ngân Nhà nước sẽ cố gắng giữ ổn định tỉ giá và làm cho VND ổn định, phù hợp với các loại ngoại tệ khác", ông Phạm Thanh Hà khẳng định.
Trước đó năm 2017 được đánh giá là một năm thành công trong công tác điều hành tỉ giá. Nếu tính theo tỉ giá trung tâm, VND chỉ mất giá khoảng 1,2% so với USD.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 12-2017 tỉ giá trung tâm tăng tổng cộng 266 đồng, từ mức 22.159 đồng/USD lên mức 22.425 đồng/USD.
Còn nếu tính theo tỉ giá giao dịch liên ngân hàng, tỉ giá thậm chí còn giảm khoảng 30 đồng/USD so với thời điểm cuối năm 2016.
A.HỒNG
TUỔI TRẺ
|