Thứ Ba, 30/01/2018 10:25

Đại án Phạm Công Danh - giai đoạn 2

Đại án Phạm Công Danh: Viện kiểm sát đang muốn tạo điều kiện tối đa cho quyền lợi của VNCB?

Bào chữa bổ sung cho BIDV sau phần đối đáp của Viện kiểm sát, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho biết, sai phạm của các cá nhân tại VNCB gây thiệt hại cho VNCB thì các cá nhân đó phải đền bù trực tiếp cho VNCB. Nhưng Viện kiểm sát đặt vấn đề 3 ngân hàng phải bồi thường 6,100 tỷ đồng; trong khi 3 ngân hàng đã thực hiện các giao dịch hợp pháp, ngay tình, không có thiệt hại. Phải chăng Viện kiểm sát đang muốn tạo điều kiện tối đa cho quyền lợi của VNCB mà không tính tới quyền lợi của 3 ngân hàng?

Năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng, nhưng không thể vay được trực tiếp tại ngân hàng VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Phạm Công Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời, dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay, sau đó bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, với tổng số tiền là hơn 6,100 tỷ đồng.

Đại diện Ngân hàng Xây dựng (CB, trước là VNCB) và Viện kiểm sát (trong cả phần luận tội và phần đối đáp) đều giữ nguyên quan điểm đề nghị thu hồi 6,100 tỷ đồng từ Sacombank, BIDV, TPBank để trả lại cho Ngân hàng xây dựng. Đồng thời, ông Phạm Công Danh, các Công ty thành viên và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn lại số tiền 6,100 tỷ đồng cho 3 ngân hàng. Mặc dù trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã gửi 1 công văn đến các cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu bảo về quyền lợi chính đáng của 3 ngân hàng (Sacombank, TPBank, BIDV).

Trong phần bào chữa bổ sung đối đáp lại quan điểm của Viện kiểm sát, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bảo vệ quyền và lợi ích cho BIDV), tiếp tục khẳng định Viện kiểm sát đã đưa ra một kiến nghị khiên cưỡng, không phù hợp, không đúng với sự thật khách quan xảy ra tại BIDV.

Bị cáo Phạm Công Danh trong phiên tòa xét xử đại án liên quan đến 4 ngân hàng (VNCB, Sacombank, BIDV, TPBank) giai đoạn 2

Qua hồ sơ vụ án, diễn biến tại phiên tòa, ý kiến của đại diện VNCB, theo luật sư, có thể khẳng định sai phạm của các cá nhân tại VNCB gây thiệt hại cho VNCB thì các cá nhân đó phải đền bù trực tiếp cho VNCB. Nhưng Viện kiểm sát đặt vấn đề 3 ngân hàng phải bồi thường (trong khi đó, 3 ngân hàng đã thực hiện các giao dịch hợp pháp, ngay tình, không có thiệt hại theo giám định độc lập của NHNN). Luật sư đặt câu hỏi: Phải chăng Viện kiểm sát đang muốn tạo điều kiện tối đa cho quyền lợi của VNCB mà không tính tới quyền lợi của 3 ngân hàng? Có phải VNCB thu hồi từ 3 ngân hàng sẽ dễ dàng hơn thu hồi từ các cá nhân sai phạm tại VNCB?

“Viện kiểm sát đã đưa ra 1 kiến nghị khiên cưỡng, không phù hợp; có thể gây ra những hệ lụy rất xấu cho 3 ngân hàng, cho hoạt động giao dịch kinh tế dân sự bình thường trong nền kinh tế; tạo sự hoang mang cho hơn 200,000 cán bộ nhân viên ngành Ngân hàng Việt Nam. Khi đã cho vay, thu nợ đúng pháp luật, ngay tình nhưng có thể bị thu hồi lại bất cứ lúc nào, đối mặt với lao lý bất cứ thời điểm nào”, luật sư nhấn mạnh.

Kết lại, luật sư nhận thấy việc viện dẫn và áp dụng các căn cứ pháp luật của Viện kiểm sát không thật sự thuyết phục, không đúng với sự thật khách quan xảy ra tại BIDV, mà mang tính suy diễn theo hướng có bất lợi cho các ngân hàng cho vay và có lợi cho VNCB nay là CB.

Nếu đặt ra lý do vì 3 ngân hàng thu nợ từ tiền gửi của VNCB mà tiền gửi này chủ yếu là tiền gửi huy động từ dân cư (không phải là tiền của Phạm Công Danh) nên phải thu hồi bảo lãnh cho 3 Ngân hàng trả lại cho VNCB; thì đồng thời cũng phải ứng xử tương tự, số tiền 3 ngân hàng cho các công ty vay đến nay đang được chiếm hữu, sử dụng cuối cùng bởi VNCB (nay là CB) cũng chủ yếu là từ nguồn tiền gửi huy động từ dân cư.

Đối đáp lại Viện kiểm sát trong phiên tranh luận sáng nay (30/01), luật gia Vương Công Đức cũng cho rằng Viện kiểm sát đã phủ quyết những nội dung quan trọng của bản giám định khi vẫn giữ nguyên quan điểm buộc 3 ngân hàng phải bồi thường. Tại sao Viện kiểm sát không căn cứ vào kết quả giám định độc lập của NHNN?

Và nói tiếp, “đến thời điểm này, nhiều luật sư đưa ra kiến nghị về số tiền 4,500 tỷ đồng tăng vốn nhưng Viện kiểm sát vẫn im lặng không trả lời và bảo vệ quyền lợi của VNCB. Tại sao Viện kiểm sát không truy đòi đến tận cùng nguồn tiền. Viện kiểm sát đã không đề cập đến yếu tố công bằng trong một bản án, trong đề nghị của mình tại phần tranh luận và luận tội của mình. Việc các ngân hàng phải bồi thường thiệt hại đã vi phạm nguyên tắc công bằng vì chúng tôi không gây ra thiệt hại này. Chúng tôi muốn Viện kiểm sát không chỉ bảo vệ quyền lợi cho VNBC mà còn phải bảo vệ cho cả 3 ngân hàng”.

*Vì sao Sacombank, BIDV và TPBank không chấp nhận bồi thường 6,100 tỷ đồng cho VNCB?

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   EIB: Cổ phiếu trên đà tăng, Phó Tổng Võ Quang Hiển muốn mua 200,000 cp (30/01/2018)

>   Vì sao thanh khoản ngân hàng vẫn duy trì được trạng thái dồi dào? (30/01/2018)

>   Đề nghị giải quyết gọn ghẽ 4,500 tỷ đồng tăng vốn VNCB, không chuyển sang phiên tòa sau (29/01/2018)

>   Tăng 113%, lãi sau thuế 2017 của HDBank đạt hơn 1,954 tỷ đồng (31/01/2018)

>   Đại tiệc khai xuân với thẻ Sacombank (29/01/2018)

>   Ngân hàng Xây dựng đã thu hồi nợ 5,200 tỷ đồng nợ xấu trong 2017 (29/01/2018)

>   Vì sao Sacombank, BIDV và TPBank không chấp nhận bồi thường 6,100 tỷ đồng cho VNCB? (29/01/2018)

>   Đề nghị truy tố nguyên giám đốc ngân hàng nhận 'lót tay' 800 triệu (29/01/2018)

>   Lãi suất liên ngân hàng, trái phiếu Chính phủ giảm mạnh (29/01/2018)

>   Thất thoát hơn 304 tỉ đồng tại Agribank Cần Thơ: Hoàn tất điều tra bổ sung (29/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật