Cần có xếp hạng tín dụng cá nhân
Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng nóng đã đem lại lợi nhuận đáng kể cho các TCTD, Cty tài chính tiêu dùng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro vô cùng lớn khi các khoản cho vay tiêu dùng chủ yếu dưới chuẩn.
Theo số liệu NHNN đến cuối tháng 11/2017, cho vay tiêu dùng đã chiếm tới 16,4% tổng tín dụng toàn hệ thống, tăng xấp xỉ 28% so với tháng 1/2017.
Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt, tín dụng tiêu dùng sẽ tăng trưởng trung bình 30%/năm trong 2- 3 năm tới.
|
Dịch chuyển tín dụng tiêu dùng
Thống kê của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC), thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tăng mạnh, từ mức 39% toàn ngành năm 2016 lên 45,7% năm 2017, trong khi nhóm Cty tài chính cũng gia tăng thị phần lên mức 9,3% tính đến cuối năm ngoái.
Theo Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2017 của NFSC, vốn cho vay tiêu dùng của các ngân hàng đang hướng đến các khoản vay lớn như mua bán, sửa chữa nhà chiếm tới 53,8%, tiếp đến là cho vay mua trang thiết bị gia đình và cho vay mua phương tiện đi lại…
NFSC nhìn nhận tín dụng tiêu dùng bùng nổ do dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao khiến gia tăng nhu cầu về nhà ở. Người dân cũng chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng và có xu hướng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống.
Nên có luật phá sản cá nhân
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khách hàng thường không kiểm soát được tình trạng nợ nần của mình. Thêm vào đó, công tác quản lý tín dụng tiêu dùng chưa hợp lý. “Ngân hàng cho vay mua nhà, nhưng khách hàng lại dùng tài sản đó để thế chấp. Điều này rất khó cho các ngân hàng trong việc quản lý đúng bản chất của tín dụng tiêu dùng. Do đó, nên tách ra để thấy bức tranh tín dụng tiêu dùng thực sự là tín dụng cá nhân”, TS Hiếu cho biết.
Bên cạnh đó, TS. Hiếu đề xuất nên có luật phá sản cá nhân. “Ở một số quốc gia trên thế giới, những cá nhân đi vay mà không trả được nợ thì có thể bị đưa ra tòa và tuyên bố phá sản. Khi đó, cá nhân phá sản không phải trả nợ mà ngân hàng thu nợ từ thanh lý tài sản thế chấp” - TS. Hiếu cho biết.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải xếp điểm tín dụng cho người dân. “Tại Mỹ, 800 điểm là tuyệt vời nhất, 700 điểm có thể vay nhưng với lãi suất hơi cao, 600 điểm phải có tài sản thế chấp, 400 điểm không được vay ngân hàng” - TS. Hiếu chia sẻ.
Nguyễn Long
Diễn đàn doanh nghiệp
|