Ưu đãi trên 35.300 tỉ thuế thu nhập cho doanh nghiệp ngoại
Riêng năm 2016, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được ưu đãi tới trên 91% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, lên tới trên 35.300 tỉ đồng....
Ba trong số doanh nghiệp FDI được ưu đãi thuế lớn là Intel, Samsung và Honda Việt Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN - NGUYỄN KHÁNH
|
Những ngày đầu tháng 11-2017, Tổ hợp Samsung Thái Nguyên vẫn tấp nập cho kế hoạch sản xuất, xuất khẩu tới trên 50 tỉ USD năm nay. Kế hoạch tuyển mới nhân viên cũng vừa được Samsung công bố nhằm mở rộng sản xuất.
Ưu đãi thuế gần bằng... vốn đầu tư
Theo thống kê của Bộ Tài chính, Samsung đang là doanh nghiệp FDI nhận được miễn giảm thuế lớn nhất (trong danh sách 100 doanh nghiệp nhận miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất, chưa kể ưu đãi về đất đai và các ưu đãi khác).
Cụ thể, riêng năm 2016, chỉ Công ty TNHH Samsung Electronic Thái Nguyên (SEVT) có tổng ưu đãi thuế TNDN lên đến 10.368 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đó chưa phải con số cuối cùng. Samsung chia các doanh nghiệp theo các dự án nên có nhiều công ty riêng.
Kết quả, nếu tính tổng cộng các ưu đãi mà các công ty của Samsung tại Việt Nam nhận được năm 2016 đạt khoảng 20.189 tỉ đồng (gần 1 tỉ USD).
Samsung không phải trường hợp duy nhất được hưởng cả ngàn tỉ tiền thuế ưu đãi/năm.
Theo Bộ Tài chính, số tiền ưu đãi thuế ngày càng lớn, riêng thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 Nhà nước ưu đãi đã đạt mức trên 46.800 tỉ đồng (khoảng 2 tỉ USD). Nếu tính chung 3 năm gần đây, số tiền lên tới trên 117.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo một cán bộ có thẩm quyền của Bộ Tài chính, việc ưu đãi theo các chính sách thuế là phù hợp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, khu vực FDI đang được miễn giảm, nhận được tổng ưu đãi tới 91,9% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Trong khi đó các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam chỉ được ưu đãi tổng 17,8% số thuế phải nộp, còn khối doanh nghiệp Nhà nước chỉ được 4,8%.
Tổng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp khối FDI được miễn giảm, ưu đãi trong năm 2016 đạt mức trên 35.300 tỉ đồng.
Trong khi đó, theo một chuyên gia của Bộ Tài chính, doanh nghiệp FDI còn có thể được ưu đãi nhiều khoản khác như thuế nhập khẩu, thuế VAT... nếu là doanh nghiệp chế xuất.
Có một số doanh nghiệp, tính từ khi hoạt động tại Việt Nam đến nay, tổng tiền thuế ưu đãi có thể không kém bao nhiêu... so với số vốn họ đã đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp như Samsung được hưởng ưu đãi thuế lớn theo quy định hiện hành. Trong ảnh: Nhà máy Samsung ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
|
Doanh nghiệp nói gì?
Đại diện Vietjet Air cho biết theo Luật Khuyến khích đầu tư, ngành hàng không được ưu đãi 3 năm (miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp), trong một số năm sau được giảm 50% do hàng không là ngành khó và có nhiều rủi ro.
Theo Luật này, những hãng hàng không nào mới thành lập cũng đều được hưởng ưu đãi, các hãng khác đã được hưởng từ lâu.
|
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Samsung Electronic Việt Nam cho biết Samsung nhận ưu đãi thuế như các doanh nghiệp công nghệ cao khác, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu, 9 năm tiếp theo hưởng mức 5% và 17 năm sau đó hưởng mức thuế này 10%.
Mặc dù thời gian miễn thuế vẫn còn nhưng tổng tiền nộp thuế của Samsung vẫn tăng đều hằng năm.
Đại diện Samsung nói rằng chi phí lương nhân viên người Việt tại Samsung mỗi năm khoảng 1 tỉ USD (20.000 tỉ đồng).
Trong tổng số doanh thu 37,1 tỉ USD của hai nhà máy Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, trừ phần chi phí nhập khẩu (17,5 tỉ USD) và lợi nhuận (4 tỉ USD), còn lại 15,6 tỉ USD chủ yếu được lưu thông trực tiếp hoặc gián tiếp tại Việt Nam.
Đồ họa: N.KH.
|
Doanh nghiệp Việt yếu, càng yếu thêm
Nhiều chuyên gia cho rằng với thực tế bất cập trong ưu đãi kể trên, doanh nghiệp Việt bị đẩy vào thế khó cạnh tranh nổi.
Chuyên gia kinh tế - luật sư Bùi Quang Tín cho rằng chính sách lúc nào cũng có hai mặt được và mất. Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đều ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, trước thực tế doanh nghiệp nội chỉ được ưu đãi trên 20% số thuế phải nộp, trong khi khối FDI hưởng tới trên 91%, ông Tín cho rằng điều đó đã tạo sự bất bình đẳng.
"Đó là cái giá mà mình phải trả?" - ông Tín nói và cho rằng chính vì điều này khiến doanh nghiệp Việt vốn đã yếu nay càng yếu thêm và đề nghị cần tính toán giữa cái được và cái mất để tìm ra phương án phù hợp.
"Làm sao doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn lên, chứ không thể cứ mãi ưu đãi cho FDI hoài. Điều chúng ta thấy rõ, FDI cứ xin ưu đãi, khi không còn được lợi là đòi rút khiến chúng ta chịu thiệt.
Vấn đề nữa, nhiều doanh nghiệp FDI nói chuyển giao công nghệ hoặc mua hàng đầu vào của công ty trong nước chỉ mang tính hình thức, phần lớn số nguyên liệu đầu vào của họ vẫn nhập từ các nước khác", ông Tín nói.
Một số DN được ưu đãi thuế trong năm 2016
|
Ông Nguyễn Hoàng (Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư phát triển N&G):
Nhiều chính sách thiếu bình đẳng
Các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, còn nhiều bất cập và thiếu bình đẳng.
Đơn cử như ở Luật thuế xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu trực tiếp được ưu đãi thuế, nên hầu như chỉ có FDI được hưởng. Trong khi nhiều doanh nghiệp Việt sản xuất linh phụ kiện cho các công ty như Samsung, LG… để xuất khẩu lại không được ưu đãi.
NGỌC AN ghi
|
ĐỨC SƠN - CÔNG TRUNG - ĐỨC HOÀNG
Tuổi trẻ
|