Thứ Tư, 15/11/2017 08:37

TIE: 10 phiên kịch trần liên tiếp đưa cổ phiếu hồi phục về vùng giá cũ

Từ 30/10-09/11/2017, cổ phiếu CTCP Tie (HOSE: TIE) liên tục trong sắc tím với mức tăng hơn 82% chỉ sau 10 phiên giao dịch. Thị giá cổ phiếu TIE theo đó hồi phục gần 100% về lại vùng giá 11,000–12,000 đồng/cp sau cơn thoái trào cuối tháng 7.

TIE: 10 phiên kịch trần liên tiếp đưa cổ phiếu hồi phục về vùng giá cũ.

Sóng hồi đến từ đâu?

Đang chuỗi ngày đỏ điểm, bất ngờ phiên giao dịch 30/10 cổ phiếu TIE kịch trần, và kéo dài 10 phiên liền. Thị giá cổ phiếu theo đó tăng gần gấp đôi, từ mức 6,200 đồng/cp (30/10) lên mức 11,300 đồng/cp (09/11), tương đương vùng giá đầu năm.

Khối lượng giao dịch mặc dù cũng có cải thiện, song vẫn chỉ dưới mức 7,000 cổ phiếu/phiên. Trước đó, lượng sang tay cổ phiếu TIE hàng ngày chỉ dưới 1,000 đơn vị, có nhiều phiên không có giao dịch.

Giao dịch TIE 10 phiên qua (30/10-09/11/2017)

Nói thêm về nguyên nhân đợt giảm giá mạnh của TIE hồi đầu tháng 10/2017 có thể chính là thông tin báo cáo kết quả quý 3 tiếp tục thua lỗ. Cụ thể, sau 9 tháng, TIE báo lỗ hơn 23 tỷ đồng do những khó khăn trong kinh doanh cũng như công tác thu hồi nợ.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch 30/10, khi HĐQT TIE công bố thông tin chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại huyện Phú Quốc (Kiên Giang) thì cổ phiếu TIE bắt đầu tăng kịch trần trở lại và kéo dài liên tục 10 phiên.

Cụ thể, HĐQT TIE đã chấp thuận chuyển nhượng quyền sử dụng 3,755.4 m2 đất và tài sản trên đất tại thửa đất số 55, đường Trần Hưng Đạo, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Giá chuyển nhượng sẽ không thấp hơn 3 lần giá trị sổ sách; đồng thời không được bằng hoặc vượt quá 35% tổng giá trị tài sản Công ty được ghi nhận tại BCTC gần nhất.

Trước đó, TIE cũng đã thoái vốn tại dự án trên khu đất đường Điện Biên Phủ. Được biết, năm 2013 Công ty có hợp tác với Eximland đầu tư dự án cao ốc; song do thời gian kéo dài quá lâu và không hiệu quả, đến năm 2015 TIE đã tất toán khoản đầu tư trên.

Ngoài ra, hiện TIE đang sở hữu 38,000 m2 đất tại Bình Dương, tuy nhiên Công ty lại chưa có kế hoạch triển khai dự án trên khu đất này. Giá trị sổ sách của 38,000 m2 đất này ghi nhận trên BCTC quý 3/2017 xấp xỉ 12 tỷ đồng.

Được biết, giá trị quyền sử dụng đất tại lô đất trên chỉ còn ghi nhận trên BCTC bán niên của TIE với thời gian sử dụng là 42 năm (31/07/2015-10/12/2057). Tính đến ngày 30/06, tổng tài sản của TIE đạt 277.5 tỷ đồng, tức tổng tiền thu về từ thương vụ chuyển nhượng sẽ từ 97 tỷ đổ lại.

Trước đó, TIE đã từng góp vốn để thành lập Công ty TNHH Tiến Đạt – TIE là pháp nhân để khai thác dự án 3,500 m2 tại khu đất này. Tuy nhiên, việc triển khai liên tục bị hoãn do tình hình thị trường bất động sản không được khả quan. Cùng với quyền sử dụng 173.7 m2 đất tại số 249, đường Nguyễn Trung Trực, huyện Phú Quốc (Kiên Giang), tổng giá trị sổ sách quyền sử dụng đất của Công ty tính đến ngày 30/06/2017 là hơn 10 tỷ đồng.

Theo ước tính, nếu giá chuyển nhượng tối thiểu phải gấp 3 lần giá trị sổ sách, thương vụ này dự kiến sẽ đem lại cho TIE khoảng 30 tỷ đồng! Như vậy, nếu đúng nguyên nhân thổi giá cổ phiếu đột ngột leo dốc là thương vụ trên, thì liệu rằng đà tăng sẽ còn ở lại với TIE bao lâu khi kinh doanh còn lắm bề bộn?

Giao dịch cổ phiếu TIE một năm qua

Công nợ tiếp tục gia tăng

* ĐHĐCĐ TIE: Ban lãnh đạo nói gì về khoản lỗ hơn 15 tỷ trong nửa đầu năm?

2 quý đầu năm đều ghi nhận lỗ với con số lũy kế hơn 15 tỷ, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 HĐQT Công ty đã có giải trình do tập trung giải phóng hàng tồn kho và thu hồi công nợ đẩy chi phí quản lý tăng cao, khiến Công ty thua lỗ. Đồng thời, do phải trích lập một khoản chi phí lớn về dự phòng công nợ, Công ty phải gánh thêm khoản chi phí nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kinh doanh.

Cũng tại Đại hội, phía TIE cho biết đối với những công nợ hiện tại, Công ty đã có biện pháp mạnh là đâm đơn kiện ra tòa. Mới đây nhất vào cuối tháng 9, TIE vừa nhận được phản hồi tích cực từ Tòa án về hai đơn kiện liên quan đến khách hàng Thép Hoàng Gia Phát và Đầu tư Nguyên Bảo chưa thanh toán theo hợp đồng, tổng số tiền xấp xỉ 1.5 tỷ đồng.

Mặc dù kết quả ban đầu có vẻ khả quan, song trên bảng cân đối kế toán Công ty tính đến ngày 30/09, các khoản phải thu ngắn hạn lại tăng từ mức 26.4 tỷ lên 30.6 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn khách hàng tăng mạnh hơn 20% lên mức 41 tỷ, phải thu ngắn hạn khác cũng tăng đáng kể lên gần 7 tỷ đồng. Theo đó, chi phí dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng lên mức 18 tỷ đồng.

Cùng với đó, các khoản phải thu dài hạn gần như không thay đổi, hơn 1.2 tỷ đồng. Hiện tổng tài sản Công ty ở mức 268.5 tỷ đồng, nợ phải trả ghi nhận gần 37 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 8% so với đầu kỳ.

Cũng do tập trung thu hồi công nợ mà lưu chuyển dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty 9 tháng đầu năm âm hơn 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 ghi nhận dương hơn 50 tỷ đồng.

9 tháng lỗ ròng hơn 23 tỷ đồng, kế hoạch 12 tỷ lợi nhuận 2017 có khả thi?

 9 tháng đầu năm, TIE đạt gần 29 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 3 lần so với mức 95 tỷ cùng kỳ, đồng thời chỉ mới thực hiện được 13% chỉ tiêu năm.

Chưa hết, lỗ từ công ty liên kết trong kỳ phát sinh gần 3.5 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí dự phòng), kết quả là 9 tháng đầu năm TIE ghi nhận lỗ ròng hơn 23 tỷ, tăng so với cùng kỳ năm 2016.

Kế hoạch cho năm 2017, Công ty dự kiến doanh thu đạt 220 tỷ, lợi nhuận thực hiện tương ứng đạt 12 tỷ đồng, lần lượt tăng nhẹ 8% và 5% so với thực hiện năm 2016. Nhưng đã 2/3 chặng đường trôi qua, Công ty không những không có lãi mà còn thua lỗ hơn 23 tỷ đồng. Như vậy, so với con số chỉ tiêu thì thực hiện của TIE 9 tháng qua còn quá xa vời. Tuy nhiên, với mức ước lãi chuyển nhượng thu khu đất Phú Quốc trên (không thấp hơn 30 tỷ đồng), nếu được ghi nhận trong năm nay thì khả năng “đảo ngược” tình thế của TIE vẫn còn!

Không chỉ riêng năm 2017, kinh doanh sa sút cũng là câu chuyện tại TIE trong 4 năm qua (2013-2016), khi mà doanh thu trung bình giảm hơn 17%, còn lãi ròng giảm hơn 40%. Không những vậy, biên lãi ròng cũng sụt giảm đáng kể, từ mức 19% (năm 2013) chỉ còn 6% tính đến cuối năm 2016. Điều này có thể được lý giải bởi vấn đề thâm dụng vốn từ khoản phải thu và hàng tồn kho, cũng như áp lực chi phí dự phòng cho hai khoản mục trên.

Trong bối cảnh còn lắm khó khăn, định hướng giai đoạn 2017-2020, TIE vẫn đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ; đồng thời nâng cấp Công ty lên thành Tập đoàn với nhiều đơn vị liên kết và công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, Công ty định hướng tiếp tục mở rộng kinh doanh đa ngành trong đó có bất động sản, mặc dù quá khứ đã ngậm nhiều trái đắng trong lĩnh vực này. Với chiến lược trên, Công ty đặt ra mục tiêu doanh thu giai đoạn 2017-2018 là 200 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận tương ứng đạt 12 tỷ đồng/năm trở lên. Chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cho 2 năm tiếp theo (2019-2020) kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng 20%/năm.

Tri Túc

FiLi

Các tin tức khác

>   Nhịp đập thị trường 14/11: Mốc 880 điểm được bảo toàn (14/11/2017)

>   14/11: Đọc gì trước giờ giao dịch? (14/11/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 14/11 (14/11/2017)

>   Vì sao các chuyên viên phân tích quá sâu lại dễ thất bại? (14/11/2017)

>   Mua cổ phiếu gì cho danh mục cuối năm? (13/11/2017)

>   IR Awards 2017: CTD, DHG, VNM và DGW xuất sắc ôm trọn niềm tin từ định chế tài chính lẫn cộng đồng đầu tư (13/11/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu tuần 13/11 (13/11/2017)

>   Dòng tiền “thiên vị” Large Cap (12/11/2017)

>   13/11: Đọc gì trước giờ giao dịch? (13/11/2017)

>   Vinh danh các doanh nghiệp niêm yết có hoạt động quan hệ nhà đầu tư tốt nhất 2017 (11/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật