Thứ Sáu, 10/11/2017 11:23

So sức khỏe DNNN qua ba năm

Tháng 10-2017, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016. Báo cáo này và các báo cáo tương tự trong các năm trước cho thấy một số thực tế đáng chú ý về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian qua.

Dù số lượng DNNN trong báo cáo 2016 sụt giảm mạnh nhưng tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đều tăng. Ảnh TL

Bệnh “nhờn” luật trầm trọng

Một điểm chắc rất ít người để ý nhưng khá quan trọng đó là sự coi thường luật pháp của một số DNNN và các cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp này, có thể gọi thẳng là như vậy.

Trong báo cáo năm 2016, số lượng DNNN mà Chính phủ thu thập được số liệu để làm báo cáo là 492. Con số này nhỏ hơn các năm trước. Ngoài lý do là một số DNNN chính thức chuyển thành công ty cổ phần, báo cáo cũng nêu lý do khác là do thiếu số liệu báo cáo của các doanh nghiệp độc lập do Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ sở hữu. Trong báo cáo năm 2015, lý do trên - thiếu số liệu do các doanh nghiệp không báo cáo - cũng được nêu ra. Nếu lần ngược trở lại năm 2014, vẫn thấy có lý do này.

Tuy vẫn còn hạn chế về phạm vi và tính nhất quán về thông tin được cung cấp, có thể thấy một bức tranh đan xen sáng tối liên quan đến DNNN, từ chuyện không tuân thủ quy định về báo cáo của không chỉ DNNN mà còn của cơ quan chủ quản, đến chuyện hiệu quả hoạt động (thể hiện ở mức sinh lợi) có xu hướng suy giảm song song với sự cải thiện nhẹ về chỉ số an toàn hoạt động.

Điều này cho thấy sự coi thường những quy định pháp luật về chế độ báo cáo tình hình hoạt động của các DNNN không có dấu hiệu giảm sút, bất chấp mọi nỗ lực khắc phục căn bệnh này trong các năm qua. Đáng chú ý hơn, sự vi phạm này không chỉ diễn ra một lần (một năm) mà còn tái diễn trong các năm sau. Cụ thể, ba cơ quan chủ sở hữu các doanh nghiệp không báo cáo số liệu gồm Bộ Công Thương, NHNN và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đều được nêu tên trong hai năm liền, 2015 và 2016. Lưu ý thêm là người viết mới chỉ so sánh tình hình này trong ba năm, từ 2014-2016, mà không rõ các năm trước có xảy ra tình trạng này hay không.

Lợi nhuận sụt giảm

Số liệu tài chính từ các báo cáo trong ba năm từ 2014-2016 được tổng hợp vắn tắt ở bảng 1. Dù số lượng DNNN báo cáo sụt giảm mạnh nhưng tổng tài sản thậm chí lại tăng nhẹ trong năm 2016. Vốn chủ sở hữu còn tăng mạnh hơn (theo giải thích là chủ yếu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển được trích lập từ lợi nhuận sau thuế và chênh lệch đánh giá lại tài sản và thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, đơn vị phụ thuộc của DNNN).

Mặt khác, do số lượng DNNN báo cáo đã giảm mạnh qua từng năm nên đương nhiên là tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của các DNNN có báo cáo cũng đã suy giảm. Nhưng điều đáng lưu ý là tốc độ sụt giảm lợi nhuận trước thuế mạnh hơn tốc độ sụt giảm doanh thu, và hoàn toàn đi ngược với xu hướng tăng lên về tài sản và vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy hiệu quả hoạt động của các DNNN nếu đánh giá trên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ngày càng có xu hướng suy giảm trong những năm qua.

Thực tế trên cũng phần nào được minh họa qua tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu cũng có xu hướng đi xuống, dù không thể phủ nhận sự khác biệt về phạm vi/số lượng DNNN báo cáo (tức là khác biệt về mẫu thống kê) cũng có thể góp phần vào sự suy giảm này.

Điều khá ngạc nhiên là tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) lại tăng lên trong năm 2016 bất chấp doanh thu và lợi nhuận trước thuế suy giảm. Không có lý do nào được nêu ra trong báo cáo để giải thích hiện tượng này. Tuy nhiên, đây mới là khoản phải nộp mà không rõ trên thực tế Nhà nước có thu được đầy đủ các khoản phải nộp này không hay đã bị nợ đọng, trì hoãn.

Chỉ số an toàn hoạt động cải thiện nhẹ

Báo cáo không cho biết các chỉ tiêu cụ thể như tồn kho, vay nợ, nguồn vốn của tổng thể các DNNN trong từng năm nên ở đây ta sẽ dùng các con số thống kê tương ứng cho khối các tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty (TCT), và công ty mẹ - con, vốn chiếm phần lớn giá trị của tất cả các DNNN để phân tích một số khía cạnh có liên quan. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý lại một lần nữa rằng các kết quả phân tích ở phần này có thể vẫn bị ảnh hưởng phần nào bởi sự thay đổi mẫu thống kê qua các năm.

Có thể thấy một sự khá nhất quán về xu hướng cải thiện của TĐKT trên các chỉ tiêu chọn lọc ở bảng 2. Trong khi tổng tài sản tiếp tục tăng (dù số lượng doanh nghiệp nhỏ đi), mức tăng của nợ phải thu có chiều hướng chậm lại và chậm hơn mức tăng tổng tài sản. Đặc biệt, mức nợ phải thu khó đòi cũng đã tăng chậm lại, thậm chí còn tụt giảm trong năm 2016, bù vào chuyện tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản tăng nhẹ hoặc không thay đổi trong ba năm qua. Đây là những chỉ báo tích cực về tình hình công nợ của DNNN.

Tỷ lệ tồn kho trên tổng tài sản đã giảm hoặc theo hướng ổn định cho thấy mối lo về tồn kho đã vơi bớt phần nào, không quá căng thẳng như các năm trước.

Về chuyện nợ nần, mức tăng nợ đã “khiêm tốn” hơn từ năm 2015, đặc biệt là khi hệ số tổng nợ phải trả trên tổng nguồn vốn giảm dần liên tục trong ba năm qua, trong khi tổng tài sản tiếp tục tăng. Thực tế này cho thấy gánh nặng nợ vay tại các DNNN đã có dấu hiệu cải thiện.

Nhờ vốn chủ sở hữu tăng (từ các nguồn nêu ở trên) nên hệ số vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản cũng tăng dần, cho thấy mức an toàn hoạt động của DNNN nhìn chung cũng đã có sự cải thiện nhę.

Tóm lại, qua báo cáo của Chính phủ, tuy vẫn còn hạn chế về phạm vi và tính nhất quán về thông tin được cung cấp, có thể thấy một bức tranh đan xen sáng tối liên quan đến DNNN, từ chuyện không tuân thủ quy định về báo cáo của không chỉ DNNN mà còn của cơ quan chủ quản, đến chuyện hiệu quả hoạt động (thể hiện ở mức sinh lợi) có xu hướng suy giảm song song với sự cải thiện nhẹ về chỉ số an toàn hoạt động.

Phan Minh Ngọc

TBKTSG

Các tin tức khác

>   APEC CEO Summit 2017 chờ màn đối thoại đỉnh cao (10/11/2017)

>   Các bộ trưởng đã thống nhất về nguyên tắc cho TPP-11 (10/11/2017)

>   Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng (09/11/2017)

>   Các CEO APEC: Rút khỏi toàn cầu hoá không phải là sự lựa chọn (09/11/2017)

>   Việt Nam ở vị trí trung tâm cơ cấu kinh tế mới của APEC (09/11/2017)

>   Nhật Bản đưa ra gói thỏa thuận cuối cùng cho TPP-11 (09/11/2017)

>   Phó thủ tướng: Nếu phải tăng giá điện, tăng ở mức thấp nhất có thể (09/11/2017)

>   Thủ tướng đồng ý thoái vốn Nhà nước tại CTCP Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam (08/11/2017)

>   Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại APEC CEO Summit (08/11/2017)

>   ExxonMobil sẽ sớm khai thác mỏ dầu khí tỉ đô tại Việt Nam (08/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật