Thứ Năm, 02/11/2017 21:51

Lỗ hổng BT

Cơ chế đổi đất lấy hạ tầng hay hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng như một “sáng kiến” từ những năm 1990. Chính quyền tỉnh này ký hợp đồng với nhà đầu tư để họ bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng, sau đó được địa phương trả bằng đất đai (thường là một con đường nào đó và đất đem đổi là đất hai bên đường). Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nhớ lại, chính sách này đã làm cho tham nhũng nảy sinh, và hệ quả là nhiều lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hồi đó bị thi hành kỷ luật sau khi bị thanh tra.

Xét tổng thể bức tranh tài chính doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có rất nhiều lợi thế so với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác, chưa cần so sánh với các doanh nghiệp dân doanh. Ảnh: NGUYỄN NAM.

Nhìn từ kết quả thanh tra, kiểm toán

Vấn đề đáng quan tâm đối với các dự án BT là giá trị đem ra đánh đổi như thế nào? Giá trị con đường hay công trình hạ tầng nói chung được xây dựng do ai định giá, quyết toán? Kiểm toán ra sao, kể cả kiểm toán kỹ thuật để xác định chất lượng, hay chỉ lấy theo giá trị khái toán trong dự án? Đất đai hai bên đường hay đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị đem đổi lấy con đường được tính theo giá đất nông nghiệp hay đất ở, đất ở đã có con đường hay chưa có con đường? Hồi đó, theo ông Võ, tất cả phần giá trị của hạ tầng và giá trị đất đai đem ra đánh đổi hoàn toàn mù mờ, chưa hề có quy định nào của pháp luật.

Những năm gần đây, các dự án theo hình thức BT đang có xu hướng nở rộ trên khắp cả nước, dù chưa hề có một báo cáo đầy đủ nào về toàn cảnh các dự án BT tại Việt Nam. Theo ghi nhận của ông Nguyễn Đình Hòa, trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thuộc Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ở cấp Bộ Giao thông Vận tải, chỉ có bốn dự án BT với tổng mức đầu tư 16.035 tỉ đồng. Thật ra các dự án BT hầu hết nằm ở các địa phương. Số liệu về dự án BT chỉ ở riêng Hà Nội rất ấn tượng. Một báo cáo của UBND thành phố Hà Nội hồi tháng 6-2017 về các dự án BT cho thấy, tổng mức đầu tư của 16 dự án đã và đang triển khai từ năm 2015 về trước lên tới 28.874 tỉ đồng. Tuy nhiên, số dự án BT đội lên thành 24 dự án từ năm 2014, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ vào tháng 6-2017. Trên thực tế thì đã khác, khi tháng 9 vừa qua chính quyền thủ đô đã kêu gọi đổi hơn 800 héc ta đất lấy bốn cây cầu cho các nhà đầu tư là tập đoàn VinGroup, SunGroup, Him Lam và T&T.

Việc giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi hoàn thành công trình hạ tầng là không phù hợp vì cơ chế Nhà nước quy hoạch hạ tầng, đấu giá khu đất để trả cho nhà đầu tư lấy tiền xây dựng hạ tầng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Mặt trái của các dự án BT là điều rất đáng nói. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 15 dự án BT trên địa bàn Hà Nội thì có tới 14 dự án là chỉ định thầu, nhiều nhà đầu tư yếu kém và cả 15 dự án BT này đều có sai phạm ở mức độ khác nhau. Ví dụ, nhà đầu tư chỉ mới làm được 12/41 ki lô mét đường nhưng đã bán hết đất được đổi như dự án khu đô thị Thanh Hà, Hà Đông.

KTNN cũng phát hiện và đề nghị giảm quyết toán tương đương 61,9 triệu đô la Mỹ tại dự án BT xử lý nước thải Yên Sở, hay giảm hơn 18 tỉ đồng trong tổng số chi phí đầu tư được kiểm toán gần 1.665 tỉ đồng tại dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Hà Nội. KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.815 tỉ đồng trong tổng số 30.425 tỉ đồng được kiểm toán tại 21 dự án BT, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán. Một tỷ lệ rất lớn!

Lỗ hổng pháp luật

Theo bà Trương Hải Yến, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp của KTNN, hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức BT không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, không được thông qua hội đồng nhân dân. Nhu cầu, mục tiêu đầu tư dự án BT không rõ ràng, không thể hiện được sự cần thiết, cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn liên quan. Qua kết quả kiểm toán cho thấy, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu mà không thực hiện đấu thầu để chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án. Hầu hết các dự án BT được giao đất trước khi hoàn thành công trình BT, có đơn giá đất tại thời điểm giao đất thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình, dẫn đến việc thanh toán không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, làm lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Ông Phạm Quang Tú thuộc Tổ chức Oxfam (Anh), cho biết các Luật Đất đai, Đầu tư công và Quản lý, sử dụng tài sản công đã có quy định về hình thức BT nhưng còn rất nhiều lỗ hổng. Chẳng hạn, Luật Đất đai 2013 chỉ có khoản 3, điều 155 (đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất để thực hiện dự án BT và dự án BOT) quy định về việc Nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án mà không có quy định cụ thể nào về đất đai, loại đất, giá trị đất đai để trả cho nhà đầu tư khi thực hiện các dự án BT. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công và Nghị định 15/2015/NĐ-CP cũng đều rất yếu về pháp lý. Thậm chí, Nghị định 15 có nhiều bất lợi cho phía Nhà nước. Chẳng hạn, việc giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi hoàn thành công trình hạ tầng là không phù hợp vì cơ chế Nhà nước quy hoạch hạ tầng, đấu giá khu đất để trả cho nhà đầu tư lấy tiền xây dựng hạ tầng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Nghị định này không có quy định chi tiết về đánh giá chất lượng và định giá giá trị công trình hạ tầng và định giá khu đất để trả cho nhà đầu tư là một khoảng trống pháp luật rất lớn.

Trong một cuộc hội thảo gần đây về mô hình đầu tư BT do KTNN tổ chức, ông Tú cảnh báo: “Quyền sử dụng đất và xây dựng công trình đầu tư công khi thực hiện dự án BT lẽ ra phải được định giá và đấu giá công khai, minh bạch; nhưng thực tế lại theo cơ chế xin - cho. Vì thế, BT có nguy cơ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và tiêu cực”.                                                    

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cũng đồng tình. Ông cho rằng, hình thức BT rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai, minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn. Khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có nhưng chậm và công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu.

Trước mắt cần thực thi nghiêm chỉnh Luật Đất đai

Về dự án BT, thực chất đó không phải là loại hình hợp tác công - tư, theo đó Nhà nước và tư nhân cùng xây dựng và quản trị dự án, mà chỉ là hoán đổi việc thanh toán một dự án công ích bằng quyền sử dụng đất thay cho tiền từ ngân sách. Đã có những bài báo gọi loại dự án này là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và tiêu cực, và tôi cho rằng nhận định đó có cơ sở. Tuy nhiên, việc hạn chế hay cấm hẳn các dự án này bằng một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tương tự như Nghị quyết 437 mới được ban hành áp dụng cho các dự án BOT e rằng khó khả thi một khi các công trình công ích vẫn cần được xây dựng, quỹ đất vẫn còn và được mở rộng theo các quy hoạch phát triển. Hơn nữa, các cơ quan chính quyền vẫn tiếp tục muốn có thành tích về chính trị và xã hội thông qua các dự án được triển khai nhanh, gọn...

Cho nên, để hạn chế các khía cạnh tiêu cực của cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”, trước mắt chỉ cần thực thi nghiêm Luật Đất đai. Theo đó, các khu đất cấp cho nhà đầu tư dự án BT bắt buộc phải được đấu thầu công khai. Đồng thời với đó là công khai hóa quy hoạch phát triển của toàn bộ địa bàn có liên quan nhằm bảo đảm cho việc xác định giá trị khu đất sát nhất với giá trị trường.

LS. NGUYỄN TIẾN LẬP

Tư Giang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Nghìn tỷ ồ ạt đổ vào hạ tầng, bất động sản Cần Giờ hưởng lợi (02/11/2017)

>   Novaland: Lãi ròng quý 3 hơn 488 tỷ đồng, tổng tài sản tăng thêm 11,350 tỷ đồng (31/10/2017)

>   Vingroup báo lãi ròng hợp nhất 9 tháng 2,764 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch (31/10/2017)

>   Giá đất bờ sông Sài Gòn cao nhất hơn 700 triệu đồng một m2 (30/10/2017)

>   Bác bỏ thông tin cá nhân sở hữu nhiều ngàn hécta đất ở Long Thành (30/10/2017)

>   Vì sao chủ đầu tư “né” bảo lãnh ngân hàng? (29/10/2017)

>   Hóc Môn phát thông báo khẩn về việc lừa mua bán nhà (27/10/2017)

>   Tướng Lê Chiêm: Dân TPHCM đổ xô về Long Thành mua đất (27/10/2017)

>   Trước thềm APEC, dòng vốn 35.000 tỷ lan tỏa tới thị trường địa ốc Đà Nẵng (27/10/2017)

>   TPHCM kiến nghị áp mức thuế suất cao đối với căn nhà thứ 2 trong vòng 1 năm (26/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật