Bác bỏ thông tin cá nhân sở hữu nhiều ngàn hécta đất ở Long Thành
Trước thông tin đăng tải trên một số cơ quan báo chí ngày 27/10 cho rằng, một cá nhân đang sở hữu diện tích đất lên đến 500.000 hécta tại xã Sông Trầu (1 trong 6 xã bị thu hồi đất để xây dựng sân bay Long Thành), ông Trương Văn Phương -Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành- khẳng định đó là thông tin sai sự thật.
* Tướng Lê Chiêm: Dân TPHCM đổ xô về Long Thành mua đất
Vùng quy hoạch Sân bay Long Thành. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)
|
Chia sẻ thêm với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ngày 28/10, ông Trương Thanh Phương cho biết, trong cơ sở dữ liệu đất đai của huyện Long Thành, hoàn toàn không có cá nhân nào sở hữu hàng trăm hécta đất ở vùng dự án quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành chứ chưa nói là cả ngàn hécta.
Bởi theo ông Trương Thanh Phương, diện tích đất của toàn xã Sông Trầu là 1.200 hécta và tổng diện tích cả huyện Long Thành là 43.000 hécta. Vì thế, một cá nhân không thể nào sở hữu tới 500.000 hécta.
Về thông tin nhiều cán bộ đến thu mua, gom đất vùng dự án sân bay Long Thành, ông Phương nói: “Đối với cán bộ ở đâu thì chúng tôi không biết, riêng đối với cơ quan nhà nước thì không cho phép chuyển nhượng đất ở trong khu vực này. Nếu có, thì có thể là do người dân tự thỏa thuận mua bán tay với nhau với nhau thông qua hình thức ủy quyền tại các phòng công chứng. Còn đối với cơ quan nhà nước, chúng tôi giữ nguyên hiện trạng đất trong vùng 5.000 ha quy hoạch xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Riêng thông tin cán bộ đi gom đất ở vùng phụ cận ven khu vực quy hoạch xây dựng sân bay thì chúng tôi chưa phát hiện trường hợp cán bộ nào."
“Đối với đất thuộc dự án sân bay Long Thành, thực hiện quy chế về đầu tư xây dựng, thì mọi giao dịch trong việc chuyển nhượng, mua bán, đầu tư xây dựng trên diện tích đất này không được cơ quan chức năng cho phép. Đối với 5.000ha đất quy hoạch để xây dựng sân bay Long Thành, các cơ quan chính quyền địa phương đã thực hiện nghiêm công tác quản lý và không có tình trạng chuyển nhượng, mua bán trên diện tích đất này,” ông Trương Văn Phương cho biết.
Ông Phương cũng cho rằng, nếu có tình trạng mua bán thì đó là giao dịch dân sự do người dân tự thỏa thuận mua bán với nhau thông qua hình thức ủy quyền.
Hình thức này, có thể người dân tự ra phòng công chứng hoặc văn phòng luật sư tự thỏa thuận mua bán với nhau. Riêng đối với việc chuyển nhượng, mua bán thông qua cơ quan nhà nước là không có.
Theo ông Phương, hình thức người dân tự thỏa thuận mua bán, chuyển nhượng với nhau đó là quyền của người dân.
Thống kê cho thấy, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng diện tích hơn 5.000 ha, tổng mức đầu tư hơn 336.000 tỷ đồng. Quy mô thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Trong đó, Quốc hội đã chấp thuận tách dự án thành phần bồi thường, giải phóng mặt bằng và ổn định đời sống người dân thành một phần và giao tỉnh Đồng Nai thực hiện.
Báo cáo nghiên cứu khả thi cũng nêu rõ tổng mức giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ, tái định cư và ổn định cuộc sống người dân cho dự án này hơn 23.000 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2019 dự án sẽ khởi công và đến năm 2025 giai đoạn 1 của dự án sẽ được đưa vào khai thác.
Giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 nhà ga, 1 đường cất hạ cánh với công suất 25 triệu khách/năm. Giai đoạn 2 (năm 2035), sân bay Long Thành được nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm và giai đoạn 3 nâng lên 100 triệu hành khách/năm sau năm 2035.
Sỹ Tuyền
Vietnam +
|