Tuần từ 16-22/11/2017
Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Mục đích nào là hợp lý?
Trong tuần vừa qua, khối lượng chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông nội bộ và có liên quan cùng các cổ đông lớn đã có phần đột biến hơn so với các tuần trước đó tại các mã rất "nổi" như HAG, HAI, KLF, FMC và VIB...
Tại VIB, gia đình ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch VIB vẫn tiếp tục tăng nắm giữ cổ phiếu Ngân hàng này khi vừa qua con trai Đặng Quang Tuấn đã chi khoảng 600 tỷ đồng để mua vào hơn 27.6 triệu cp VIB (4.9%). Trước đó, hồi tháng 9 và 10, vợ ông Vỹ là bà Trần Thị Thảo Hiền đã mua thành công gần 28 triệu cp VIB, đúng bằng lượng cổ phiếu mà ông Trần Báu (bố bà Hiền) muốn bán ra cùng khoảng thời gian. Còn riêng Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ hiện đang sở hữu hơn 28.16 triệu cp VIB (4.99%).
Trong khi đó, cổ phiếu VIB vẫn trên đà ghi nhận đỉnh mới với mức tăng 104% kể từ khi lên sàn, gần chạm mức 25,000 đồng/cp (23/11).
Cổ phiếu HAI đã giảm gần 29% trong vòng 1 tháng qua và trong thời gian này, FLC đã mua vào thành công hơn 3 triệu cp để tăng sở hữu lên 19.7%. Với mức giá quanh 7,300 đồng/cp, có lẽ FLC đã chi ra khoảng gần 23 tỷ đồng cho giao dịch này.
Còn Chủ tịch HAG Đoàn Nguyên Đức đã bán thỏa thuận 23 triệu cp HAG (giảm sở hữu xuống hơn 324.7 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 35.02% vốn) nhằm dùng tài sản đảm bảo hỗ trợ HAG tái cơ cấu các khoản vay.
Cổ phiếu SGS cũng có đường giá khá đẹp khi tăng một mạch tới 323% trong vòng 1 năm qua để lên mức 14,600 đồng/cp (23/11), tuy nhiên, khối lượng giao dịch tại đây khá thưa thớt, bình quân chỉ 51,582 cp/phiên. Còn biến động cổ đông lớn tại đây có lẽ là điều không bất ngờ bởi ĐHĐCĐ bất thường của SGS hồi tháng 10 đã thông qua việc cho cổ đông Trịnh Minh Hiếu được chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ cho Tiếp vận Toàn Cầu.
Cổ đông nội bộ và có liên quan đã giao dịch (công bố từ 16-22/11)
|
Đối với hoạt động của nhóm cổ đông lớn, tại KLF, sau hơn 10 lần mua vào bán ra từ đầu năm đến nay, Liên Thành Seafood đã quyết định gần như buông tay khi bán ròng hơn 5.8 triệu cp để giảm sở hữu xuống mức 2.81% và không còn là cổ đông lớn. Đây là tỷ lệ nắm giữ thấp nhất của Liên Thành Seafood từ đầu năm đến nay dù trước đó cũng có lần giảm xuống mức 4.98% nhưng sau đó tổ chức này đã mua vào để trở thành cổ đông lớn trở lại. Vì thế hiện vẫn chưa nói được gì sau các giao dịch của tổ chức này tại KLF.
Công cuộc chuyển giao tại FMC đã kết thúc khi HVG rời đi và thế chân vào đó là nhóm SSI khi ABT và SSIAM lần lượt mua vào hơn 7.7 triệu cp và 7.8 triệu cp tại đây. Cổ phiếu FMC cũng đã tăng khá hơn 20% trong vòng 1 quý vừa qua, lên mức 22,300 đồng/cp (23/11). Sau thương vụ này, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho biết, với chiến lược phát triển bền vững lấy chất lượng sản phẩm làm giá trị cốt lõi, 40% sản lượng xuất khẩu vào thị trường Nhật, FMC chính là thành viên phù hợp nhất đóng vai trò hạt nhân để Tập đoàn Pan tham gia vào ngành đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức này.
Cổ đông lớn đã giao dịch (công bố từ 16-22/11)
|
Về hoạt động đăng ký giao dịch của cổ đông nội bộ và liên quan, trong tuần qua cũng có nhiều điểm lưu ý.
Với chiến lược tập trung vào sữa và trà, GTN đang tiến hành gom vào nhằm mục đích chi phối hơn 70% vốn VLC. Phải chăng với mục tiêu tránh đầu tư dàn trải khi thoái vốn khỏi mảng nhựa, bất động sản của GTN mà Investment Đại Tây Dương lại muốn đầu tư thêm vào doanh nghiệp này khi mua gần 4 triệu cp GTN để tăng tỷ lệ sở hữu lên gần 29%?
Tại SAS, Liên Thái Bình Dương vừa có đính chính chưa mua được 3 triệu cp SAS như công bố trước đó. Nghĩa là Liên Thái Bình Dương chưa nâng sở hữu lên hơn 34.6 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 25.94% vốn trong thời gian giao dịch từ ngày 10-13/11/2017. Dù trong tháng qua, cổ phiếu SAS đã giảm gần 4% và hiện đang giao dịch tại 28,379 đồng/cp (23/11).
Cổ đông nội bộ và có liên quan đăng ký giao dịch (công bố từ 16-22/11)
|
Hoàng Nguyên
Fili
|