“Phút thăng hoa của thị trường sẽ đến vào cuối tháng 11” Dòng tiền không hề có dấu hiệu rút ra, thậm chí có khả năng sẽ tiếp tục được đổ thêm vào góp phần mang lại thanh khoản cao cho thị trường. Như vậy, không có lý do gì phải suy nghĩ về đợt điều chỉnh kéo dài của chứng khoán Việt Nam trong năm 2017. Theo đó, sự thăng hoa có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2017, ông Nguyễn Hồng Điệp - Giám đốc chi nhánh TPHCM CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định về chặng đường thị trường chứng khoán 3 tháng cuối của năm 2017. Ông Nguyễn Hồng Điệp - Giám đốc chi nhánh TPHCM CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) | Thị trường 9 tháng đầu năm 2017 đã trải qua với sự tăng trưởng vượt bậc, VN-Index có thời điểm vượt mốc 800 điểm – đây cũng là mốc cao nhất trong gần 10 năm. Thanh khoản thị trường cũng luôn được giữ ở mức trên 4,000 tỷ đồng/phiên, đồng thời giá trị vốn hóa trên hai sàn đã lên gần 100 tỷ USD. Trong nhiều nguyên nhân tác động thì chính sự ra đời những chính sách mới là một yếu tố quan trọng đạt được những kết quả trên. Cụ thể như câu chuyện Chính phủ đang trong tiến trình đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, không chỉ dòng vốn trong nước được tăng cường đổ vào thị trường mà dòng vốn ngoại cũng có nhiều cơ hội hơn để tiến sâu vào sân chơi chứng khoán. Hay như việc bắt buộc phải thực hiện niêm yết tập trung đã góp phần gia tăng chất lượng hàng hóa, đảm bảo thanh khoản lưu thông và còn tạo cho nhà đầu tư nhiều sự lựa chọn hơn. Ngoài ra còn có sản phẩm chứng khoán phái sinh đã chính thức hoạt động cũng đã đáp ứng được sự chờ đợi bấy lâu của thị trường. Ông Điệp cũng cho biết, trong quý 4/2017, nhiều chính sách mới sẽ được áp dụng và sẽ góp phần nâng đỡ cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. T+0 vẫn còn “bỏ ngỏ”, quy định cắt margin đã quá “mạnh tay”? Song song với những chính sách đã được đưa vào thị trường vận hành, vẫn còn đó những chính sách mãi còn “ì ạch” chưa thể tham gia vào cuộc chơi. Có thể kể ngay đến là chính sách cho phép nghiệp vụ giao dịch T+0 và bán chứng khoán chờ về đến nay vẫn chưa thực hiện như dự kiến dù Thông tư 203 đã được ban hành cuối năm 2015. Đề cập vấn đề này, ông Điệp chia sẻ chính sách thì đã có nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về nhiều phương diện nên chưa thể thực hiện được. Xét đến mặt bằng hạ tầng kỹ thuật từ phía Trung tâm Lưu ký (VSD) và tại hai Sở GDCK hiện đều đã đủ khả năng phục vụ, tuy nhiên hệ thống giao dịch tại các công ty chứng khoán cơ sở lại chưa đồng đều. Hơn nữa, về kinh nghiệm cũng như mặt nhân sự đủ khả năng vẫn chưa đảm bảo. Song song đó, trình độ nhà đầu tư Việt Nam cũng cần cải thiện nhiều hơn trước khi cho chính sách T+0 chạy. Từ những lý do trên ông nhận thấy khả năng thực thi chính sách này ngay trong năm nay vẫn là rất khó. Việc áp dụng nghiệp vụ này rất cần sự thận trọng vì tính chất rủi ro thanh toán ở mức khá cao, tuy vậy, một khi chính sách được đưa vào thị trường thì thanh khoản cũng sẽ tăng rất mạnh. Một chính sách mới được áp dụng trong thời gian gần đây là quy định về việc cắt margin đối với doanh nghiệp có vị phạm về thuế. Khi được đề cập đến những luồng ý kiến trái chiều, ông Điệp cho biết quy định này được áp dụng nhằm phân loại sự tuân thủ của các doanh nghiệp niêm yết và hơn hết mục đích là cung cấp cho nhà đầu tư về tính minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết, do đó quy định này không sai. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra ý kiến: “Có lẽ cũng không cần thiết phải áp dụng biện pháp 'mạnh tay' như vậy. Nên chăng chỉ cần công khai tên các doanh nghiệp có vi phạm về thuế, nêu rõ lý do. Còn quyền cung cấp margin hãy để cho các công ty chứng khoán tự quyết định.” Chứng quyền có đảm bảo – cầu khối ngoại sẽ rất lớn Khối ngoại – một thành phần cũng góp sức không nhỏ vào sự tăng trưởng của thị trường. Và theo ông Điệp, những nhà đầu tư khối ngoại trong thời điểm hiện tại đang rất trông chờ vào sản phẩm mới sắp ra mắt thị trường vào tháng 11 tới là chứng quyền có đảm bảo (Covered Warant). Khác với hợp đồng tương lai chỉ số, sản phẩm này được xây dựng trên tài sản cơ sở là những chứng khoán giao dịch trên thị trường, mà hiện tại có 21 mã chứng khoán đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để trở thành chứng khoán cơ sở. Đây đều là những mã tiêu biểu luôn được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư và hơn hết cũng là khẩu vị yêu thích của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, có rất nhiều mã trong số 21 chứng khoán đã kín room, do đó khi các công ty chứng khoán bắt đầu phát hành chứng quyền trên thị trường, dự báo nhu cầu từ khối ngoại sẽ rất lớn. Cùng với sự hưng phấn của khối ngoại với sản phẩm mới, ông Điệp đưa ra đánh giá về tổng quan thị trường quý 4 với màu sắc tích cực nhờ vào mức GDP năm 2017 dự kiến đạt mức tăng trưởng cao 6.7%, sự kiện APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017 tới và sự tác động dần rõ nét của những chính sách tăng trưởng tín dụng 22%, giảm nợ xấu, quá trình thoái vốn Nhà nước. Do đó, dòng tiền hiện không có dấu hiệu rút ra, thậm chí có khả năng sẽ tiếp tục đổ thêm vào góp phần mang lại thanh khoản cao cho thị trường. Như vậy, không có lý do gì để suy nghĩ về đợt điều chỉnh kéo dài của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017. Sự thăng hoa do đó có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2017. Theo đó, ông Điệp dự báo VN-Index khả năng sẽ chinh phục mốc cao nhất là 920 điểm trong quý 4/2017 với mức thanh khoản trung bình khoảng 4,500 tỷ đồng. Nhóm ngành ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất là chứng khoán, ngân hàng, vật liệu cơ bản và bất động sản, trong đó chứng khoán và ngân hàng sẽ là “hoa tiêu” dẫn dắt thị trường. Về khối ngoại, mua ròng vẫn được cho là xu hướng và khả năng sẽ đạt kỷ lục xấp xỉ 800 triệu USD. Trí Nhiên FiLi
|