Hợp đồng tương lai chỉ số VN30: Phòng vệ hay để đầu cơ?
Tương tự như thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh của Hàn Quốc, cấu trúc thị trường Việt Nam có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thời gian đầu đi vào vận hành, các giao dịch đang dừng ở mức thăm dò, tìm hiểu thị trường và nghiêng về lướt sóng phái sinh giống như lướt cổ phiếu, tức đang đầu cơ hơn là phòng vệ.
Trong lịch sử hình thành, sự tồn tại của thị trường phái sinh có chức năng cơ bản nhất là để phòng ngừa rủi ro biến động giá của tài sản cơ sở. Do các công cụ phái sinh là một thỏa thuận mua hoặc bán một loại hàng hóa trong tương lai với mức giá thỏa thuận trước, cả bên mua và bên bán đều có thể cố định mức giá của tài sản cơ sở. Ngay cả trong trường hợp loại hàng hóa cơ sở không được giao dịch trên thị trường phái sinh tập trung, các nhà phòng ngừa rủi ro vẫn có thể phòng ngừa cho tổn thất có khả năng gặp phải bằng cách mua hoặc bán công cụ phái sinh tài sản cơ sở khác có cùng xu hướng biến động giá với tài sản cơ sở mà mình đang nắm giữ, hoặc tham gia vào thị trường phái sinh không tập trung.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chủ thể tham gia vào thị trường công cụ phái sinh với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận từ kinh doanh chênh lệch giá hoặc đầu cơ. Chính nhờ việc đầu tư trên thị trường phái sinh có thể sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, nên các nhà đầu cơ có thể tìm kiếm được nguồn lợi nhuận khổng lồ với mức đầu tư ban đầu khiêm tốn, tất nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với mức rủi ro rất cao khi đầu cơ trên thị trường.
Thực tế trên TTCK phái sinh Việt Nam, với sản phẩm đầu tiên được triển khai là hợp đồng tương lai chỉ số VN30, ông Hoàng Thạch Lân - Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Rồng Việt (HOSE: VDS) cho rằng, có hai cách “đánh” phái sinh căn bản: Thứ nhất là đánh theo chiến lược phòng vệ, tức phối hợp với các lệnh giao dịch trên chứng khoán cơ sở; thứ hai là coi các hợp đồng tương lai (HĐTL) như mã cổ phiếu và lướt sóng như lướt cổ phiếu.
Theo ông Lân, đối với cách đánh theo chiến lược phòng vệ thì về lý thuyết nhà đầu tư cần có một danh mục mô phỏng VN30, hoặc đơn giản hơn là “chơi” trên chứng chỉ quỹ E1VFVN30 hay tìm một cổ phiếu nào đó có Beta bằng đúng Beta của chỉ số VN30. Việc phòng ngừa rủi ro thông qua các hợp đồng phái sinh, ông Lân đánh giá thường được sử dụng bởi các nhà đầu tư tổ chức hơn.
Trước đó, trong một bài chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) từng cho rằng, hiện chỉ có các tổ chức như Công ty quản lý quỹ (CTQLQ) và Ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia thị trường phái sinh với mục đích chính là phòng vệ rủi ro cho danh mục đầu tư tài sản cơ sở của mình. Hoạt động này được các CTQLQ, NHTM thực hiện chủ yếu thông qua một loại chứng khoán phái sinh OTC là Hợp đồng kỳ hạn. Do đó, theo ông Sơn, các CTQLQ và NHTM này chắc chắn sẽ tham gia vào thị trường phái sinh niêm yết, nơi mà sản phẩm được chuẩn hóa, thông tin được minh bạch hơn so với thị trường OTC.
Tuy nhiên, thời gian đầu TTCK phái sinh đi vào vận hành, đa phần lại là sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhằm thăm dò thị trường và tích lũy kinh nghiệm. Vì vậy, ông Lân vẫn nghiêng về nhận định rằng nhà đầu tư đang lướt sóng phái sinh giống như lướt cổ phiếu, tức đang đầu cơ hơn là phòng vệ. Hơn nữa, “nếu nhìn ở góc độ đầu cơ thì phái sinh mang lại tỷ suất sinh lợi cao nhờ lợi thế đòn bẩy và nhà đầu tư không phải trả lãi vay như margin, do đó lướt sóng phái sinh có vẻ hấp dẫn hơn”, ông cho biết.
Đòn bẩy phái sinh – con dao hai lưỡi
Lợi thế đòn bẩy là một đặc điểm khác biệt của chứng khoán phái sinh đối với chứng khoán cơ sở và cũng là điểm hấp dẫn nhất xét trên phương diện đầu tư. Về cơ bản, khi tham gia giao dịch HĐTL, nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra một khoản tiền (ký quỹ) có giá trị nhỏ hơn giá trị của hợp đồng mà nhà đầu tư muốn tham gia (giá trị hợp đồng).
Và vì TTCK phái sinh là một thị trường mới, đa số nhà đầu tư chưa thực sự hiểu rõ về thị trường và các giao dịch mới chỉ dừng ở mức “thăm dò”, “trải nghiệm” nên rất dễ bị thu hút bởi mức sinh lời hấp dẫn khi vốn phải bỏ thấp hơn nhiều giá trị hợp đồng nhưng sẽ rất dễ vấp ngã nếu không chú ý, thận trọng. Bởi, đòn bẩy luôn là một “con dao hai lưỡi”: Lợi nhuận cao song hành với rủi ro cao, lời nhiều thì lỗ cũng nặng.
Theo ông Lân, rủi ro lớn nhất khi đầu tư trong thị trường này là tỷ lệ lỗ cao vì đòn bẩy cao. Vì phái sinh thanh toán lãi lỗ vị thế hàng ngày nên nếu nhà đầu tư sử dụng chính khoản tiền ký quỹ để cắt lỗ thì sẽ thấy số tiền giảm rất nhanh chóng.
Rủi ro thứ hai là sớm “banh tài khoản”, khi sử dụng gần hết tiền ký quỹ cho hạn mức 10% thì rất dễ vượt cảnh báo 3 chỉ sau vài hôm lỗ, tức là bị phong tỏa tài khoản.
Rủi ro thứ ba là không nhớ rằng HĐTL là có ngày đáo hạn, chứ không “vô hạn” như chỉ số. Khi đó sẽ xảy ra một số trường hợp hôm trước mở mới vị thế (ví dụ như VN30F1709), thì hôm nay mã đó đáo hạn và không còn trên bảng giá; còn số dư chứng khoán bằng 0 và tiền của nhà đầu tư lại giảm vì hệ thống báo lỗ. Thực tế, website của HNX và các công ty chứng khoán có 1 cột về đáo hạn, nhưng có thể nhà đầu tư không chú ý.
Rủi ro thứ tư là nhiều nhà đầu tư cho rằng biến động HĐTL sẽ bám sát biến động chỉ số VN30, nên nếu thấy chỉ số tăng điểm thì mình cũng tăng giá mua (và ngược lại). Thực tế diễn biến giá của HĐTL có thể đi ngược diễn biến chỉ số trong những thời điểm nhất định, nên nhà đầu tư vẫn có thể lỗ.
Rủi ro thứ năm là khả năng thao túng giá HĐTL do khối lượng lệnh tại 3 mức giá mỗi bên mua bán hiện hay vẫn còn rất ít. Theo dõi bảng giá, có những thời điểm xuất hiện lệnh bên bán quét hết khối lượng ở cả 3 mức giá bên mua, ông Lân cho rằng đó cũng là dấu hiệu của rủi ro thao túng giá.
Cơ hội dành cho các nhà đầu tư có như nhau?
Mặc dù chỉ phải bỏ ra một phần giá trị của hợp đồng tương ứng với tỷ lệ ký quỹ khi tham gia vào các giao dịch phái sinh; nhưng tính trên giá trị hợp đồng lớn, số tiền phải bỏ ra ban đầu cũng không phải là nhỏ. Đó là chưa kể cần phải có đủ tiền để duy trì vị thế hàng ngày, tránh trường hợp bị call margin (gọi ký quỹ) khi thua lỗ. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư trên thị trường cho rằng, cơ hội sẽ nghiêng về những tổ chức, cá nhân có tiềm lực tài chính mạnh và khẩu vị rủi ro cao.
Đánh giá về điều này, ông Lân cho rằng tiềm lực tài chính luôn là một ưu thế cho người chơi chứng khoán. Trong kinh doanh thường có một tiêu chí gọi là trường vốn, ông nghĩ cũng áp dụng được vào chứng khoán phái sinh. Ngoài ra, nếu nhìn ở góc độ đầu cơ dựa trên đòn bẩy hay sự chênh lệch giữa các kỳ hạn của hợp đồng, cơ hội cũng chỉ thuộc về những người nắm vững kiến thức về chứng khoán phái sinh, mà ở đây có lẽ nhà đầu tư chuyên nghiệp như tự doanh công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư là có ưu thế hơn nhà đầu tư cá nhân.
Từ quan điểm trên, ông Lân cho rằng, bên cạnh tính kỷ luật thì sự hiểu biết là một yếu tố mà ai cũng thừa nhận nếu muốn thành công trên thị trường chứng khoán, nhất là chứng khoán phái sinh. So với chứng khoán cơ sở, chứng khoán phái sinh có độ phức tạp cao hơn, nhiều thuật ngữ khó hiểu hơn, lời lỗ cũng tính hàng ngày nên được/mất nhanh hơn…, nếu không hiểu rõ thì sẽ sớm “banh” tài khoản, rời cuộc chơi.
Do đó, theo ông Lân, nhà đầu tư nên tìm hiểu thêm về chứng khoán phái sinh, cũng như nên chơi thử ở mức độ thử nghiệm, có thể là mua hay bán 1 hợp đồng mỗi ngày và tìm hiểu lý do tại sao lời/lỗ. Khi giao dịch nên hạn chế dùng hết tiền ký quỹ vào lệnh đặt, cũng như đừng đua lệnh MP, ATO, ATC như đánh chứng khoán cơ sở.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tại thời điểm cuối tháng 9 đã có 9,679 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, tăng 34.5% so với cuối tháng 8.
Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch trong tháng là 131,903 hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch đạt 10,300 tỷ đồng, tăng lần lượt 127% và 136% so với tháng trước. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 6,595 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch bình quân theo quy mô danh nghĩa đạt 514.96 tỷ đồng/phiên, tăng gấp 1.9 lần so với tháng trước.
Thanh khoản thị trường tập trung vào các hợp đồng ngắn hạn, khối lượng mở (OI) toàn thị trường nhìn chung duy trì xu hướng tăng. Tính đến cuối ngày 29/09/2017, khối lượng OI của toàn thị trường tăng 51.2% so với cuối tháng 8, đạt 3,275 hợp đồng với OI của các hợp đồng VN30F1710, VN30F1711, VN30F1712 và VN30F1803 lần lượt là 2,843, 62, 153 và 217 hợp đồng.
Số lượng lệnh vào hệ thống trong tháng 9 tăng 91.3% so với tháng trước, trong tháng đã có 121,991 lệnh của nhà đầu tư được đưa vào hệ thống, tính bình quân có 6,100 lệnh/ngày, trong đó tổng cộng 66,692 giao dịch đã được thực hiện, chiếm 54.7% lượng lệnh đặt. Đặc biệt phiên giao dịch ngày 12/09 có 9,817 hợp đồng, khối lượng giao dịch cao nhất từ khi khai trương thị trường đến nay, tương ứng giá trị giao dịch 756.27 tỷ đồng.
|
|