Vì sao Trung Quốc xây dựng một thành phố mới ở vùng sa mạc Oman?
Oman đang lên kế hoạch đổi mới ngôi làng đánh cá bụi bặm Duqm thành một thành phố hoàn toàn mới trị giá 10.7 tỷ USD trên bờ biển đã bị sa mạc hóa của Biển Ả-rập, cách thủ đô của Oman 550 km về phía Nam, và lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, Forbes cho hay.
Không! Nói đúng hơn là Trung Quốc mới là “người” dự định thay đổi làng đánh cá này thành khu đô thị hoàn toàn mới trị giá 10.7 tỷ USD.
1 năm về trước, Oman đã ký kết một thỏa thuận và mở ra cánh cửa để một liên minh doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập vào và thực hiện những gì mà họ giỏi nhất: Đó là xây dựng một thành phố phát triển cực kỳ nhanh chóng (boomtown).
Nhà đầu tư Trung Quốc chụp ảnh ở nơi sắp xây dựng nên thành phố mới
|
Sau khi xây dựng hàng chục thành phố mới và phát triển lại hoàn toàn tại một số thành phố ở nước nhà, các công ty Trung Quốc bắt đầu rời khỏi quốc gia và di chuyển dọc theo những tuyến đường được nhắm đến trong kế hoạch “Vành đai và Con đường” ("Belt and Road") để xây dựng các thành phố mới xuyên khu vực châu Á, Trung Đông và châu Phi. Và Duqm chỉ là một trong những dự án đầy tham vọng nhất của Trung Quốc.
Thành phố mới của Trung Quốc ở sa mạc Oman sẽ được gọi là Thành phố Công nghiệp Sino-Oman, và với kế hoạch trên, Trung Quốc ấp ủ tham vọng biến cảng biển xa xôi và chưa được tận dụng hết này thành một trung tâm đầu não quan trọng của hoạt động thương mại và sản xuất trên toàn cầu. Tuy nhiên, dự án trên sẽ không chỉ bao gồm một cảng biển mà còn có một loạt các lĩnh vực kinh doanh “siêu mạo hiểm” khác như một nhà máy lọc dầu, một nhà máy methanol trị giá hàng tỷ USD, một nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời khổng lồ, một nhà máy lắp ráp xe hơi, một địa điểm sản xuất thiết bị dầu khí và một doanh nghiệp phân phối vật liệu xây dựng trị giá hơn 100 triệu USD.
Bên cạnh việc trở thành một khu vực hoạt động công nghiệp, Thành phố Công nghiệp Sino-Oman cũng cung cấp nhà ở cho 25,000 người dân, hoàn tất cơ sở trường học, thiết bị y tế, phức hợp văn phòng và các trung tâm giải trí – trong đó còn có cả một khu vực du lịch 5 sao trị giá 200 triệu USD.
Liên minh doanh nghiệp Trung Quốc còn cam kết phát triển 30% khu vực của dự án này chỉ trong vòng 5 năm, trong đó nguồn tài trợ và các công ty xây dựng sẽ đến trực tiếp từ Trung Quốc.
Liên minh doanh nghiệp Trung Quốc được nhắc tới ở trên có tên gọi là Oman Wanfang bao gồm 6 công ty đến từ khu vực Ningxia Hui Autonomous Region, nơi có phần lớn là người hồi giáo Trung Quốc. Và nhờ đó, họ có mối liên kết văn hóa với Oman (vì dân Oman cũng chủ yếu là người Hồi giáo). Điều này đã góp phần tạo điều kiện dễ dàng hơn để tiến tới các thỏa thuận giữa Trung Quốc và Oman.
Tuy nhiên, không như các liên minh đầu tư Trung Quốc khác đang hoạt động theo chính sách Vành đai và Con đường, tất cả công ty thuộc Oman Wanfang đều là công ty tư nhân, và không được Chính phủ cấp vốn trực tiếp để thực hiện các dự án cá nhân ở Duqm. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là họ không được hậu thuẫn từ phía Bắc Kinh – vốn hỗ trợ các lĩnh vực mạo hiểm thông qua Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC).
Vị trí của Duqm, Oman
|
Tọa lạc trên Biển Ả-rập giữa Vịnh Oman và Vịnh Aden, vị trí của dự án kết hợp cảng biển và Đặc khu Kinh tế (SEZ) phù hợp với chương trình Con đường Tơ lụa Hàng hải của Trung Quốc. Trong kế hoạch của Bắc Kinh, 3 tuyến đường biển giữa Trung Quốc, châu Âu và châu Phi sẽ đóng vai trò như là một “bệ đỡ” cho quá trình phát triển các cảng biển thuộc sự quản lý của Trung Quốc và các siêu dự án khác. Từ việc thiết lập một căn cứ ở Duqm, Trung Quốc sẽ có khả năng tiếp cận tốt hơn và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng và thương mại trên khắp vùng Trung Đông và Đông Phi.
Có lẽ cũng không phải là ngẫu nhiên khi Trung Quốc lựa chọn Oman vì 77.1% lượng dầu thô và lượng khí ngưng tụ của nước này được xuất khẩu sang Trung Quốc (tính tại thời điểm 2015).
Thành phố Công nghiệp Sino-Oman chỉ mới là một trong mạng lưới thành phố mới mà các công ty Trung Quốc hiện đang tất bật xây dựng dọc theo những tuyến đường bộ và đường biển trong kế hoạch Vành đai và Con đường – một cửa ngõ khác để đi đến các nơi như Colombo Financial City và Hambantota ở Sri Lanka, Forest City và Robotic Future City ở Malaysia, một cảng biển và dự án SEZ ở Abu Dhabi, Đặc khu Kinh tế Kyauk Pyu ở Myanmar, cùng với những dự án phát triển quy mô lớn ở các thành phố phía Tây Trung Quốc như Horgos, Urumqi, Lanzhou, và Xi’an.
Thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc dần trở thành đối tác quan trọng của các quốc gia – vốn đang trải qua 3 dạng chuyển dịch kinh tế như sau:
- Các thị trường mới nổi cố gắng xây dựng nền kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng và công nghệ hiện đại.
- Các nền kinh tế phát triển đang trong tình trạng trì trệ hoặc suy yếu như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Anh (lao đao vì Brexit) hiện rất cần thêm các nguồn kinh tế.
- Các quốc gia phụ thuộc vào nguồn năng lượng đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Cùng với các nước như Kazakhstan và Azerbaijan, Oman đang trong quá trình chuyển biến dạng thứ 3 (tức cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng).
Hiện nay, nền kinh tế Oman đang phụ thuộc rất nhiều nguồn thu từ ngành năng lượng. Cụ thể, tại Oman, dầu khí chiếm gần 50% GDP, 70% hàng hóa xuất khẩu và 71% tổng nguồn thu Chính phủ.
Việc quá lệ thuộc vào dầu khí được xem là rủi ro lớn nhất của Oman, và đất nước này đang cố gắng phát triển các lĩnh vực khác của nền kinh tế với mục tiêu cắt giảm một nửa tỷ trọng đóng góp của các sản phẩm từ hydrocarbon vào GDP nước này vào năm 2020. Vì lẽ đó, Oman đã đầu tư 106 tỷ USD vào các ngành như vận tải, du lịch và bất động sản. Trong đó, các dự án xây dựng mạng lưới đường sắt mới, các sân bay mới, các cảng biển và các thành phố mới hiện đang được thực hiện. Công ty nghiên cứu BMI dự báo rằng Thành phố Công nghiệp Sino-Oman sẽ trở thành một yếu tố chính góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng Oman. Được biết, tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng được dự báo tăng gấp đôi vào năm 2019.
Cũng nên biết rằng, lúc đầu, Oman không “chạy thẳng đến” Trung Quốc và nài nỉ họ tài trợ cho chương trình đa dạng hóa của mình. Cũng như trường hợp của Sri Lanka, lúc đầu Oman cố gắng tìm kiếm các nguồn tài trợ bổ sung cho các dự án phát triển lớn của nước mình từ các quốc gia khác, như Iran, nhưng không hề có kết quả. Và chỉ có Trung Quốc chấp nhận lời đề nghị. Có lẽ, đây cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới có đủ vốn, ý chí chính trị và động cơ để thực hiện các nỗ lực phát triển tốn kém và dài hạn như thế.
Omani Yahya bin Said bin Abdullah Al-Jabri, Bộ trưởng Quản lý Đặc khu Kinh tế ở A'Duqum (C-R), và Ali Shah, Chủ tịch Oman Wanfang, bắt tay sau khi ký một thỏa thuận kinh trong ngày 23/05/2016 ở Muscat
|
Theo khuôn khổ của kế hoạch Vành đai và Con đường, bằng nguồn vốn khổng lồ của mình, Trung Quốc sẽ tài trợ cho các sự thiếu hụt nguồn kinh tế từ các quốc gia trên thế giới để đổi lấy các cam kết dài hạn.
Với việc tài trợ vốn cho các quốc gia khác, Trung Quốc sẽ dần lấn sâu hơn vào kết cấu chính trị và kinh tế của thế giới. Và nhờ kế hoạch trên, Trung Quốc sẽ có vị thế vững chắc trên thương trường quốc tế, và nhờ đó họ có thể đứng vững trong nhiều thập kỷ tới.
Trong khi các nhà lãnh đạo quốc gia tươi cười và bàn về mối quan hệ hợp tác để cùng nhau thắng lợi, thì các dự án cơ sở hạ tầng quốc tế như phát triển hàng hải của Trung Quốc lại tạo ra mặt trận mới của thế kỷ 21 – nơi sức ảnh hưởng kinh tế là vũ khí./.
|