Nợ công và trái phiếu “rong chơi”
Đến giữa tháng 8-2017, theo Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đã huy động được tổng cộng 204.500 tỉ đồng trái phiếu chính phủ. Chỉ tiêu còn lại cho năm nay chỉ còn 38.800 tỉ đồng và dư địa thời gian còn quá rộng rãi cho kế hoạch phát hành. Với tốc độ giải ngân trái phiếu chính phủ vô cùng chậm, cụ thể nửa đầu năm nay mới giải ngân được 5.200 tỉ đồng, đạt 10,4% kế hoạch, kho bạc sẽ tiếp tục thảnh thơi không chỉ phát hành, mà cả trong việc gửi tiền ở các ngân hàng thương mại.
Việc tăng thu thuế GTGT để bù đắp cho chi ngân sách, trong đó chủ yếu chi hành chính sự nghiệp, sẽ đánh mạnh lên sức mua của người tiêu dùng nói chung vì người chi trả cuối cùng cho sắc thuế này là người dân.
|
Việc huy động thêm trái phiếu chính phủ đặt trong bối cảnh hiện tại là không cần thiết, vừa lãng phí nguồn lực, vừa đẩy nợ công lên cao. Năm ngoái lượng trái phiếu chính phủ huy động ròng (tức số phát hành mới trừ số đáo hạn) gần 200.000 tỉ đồng. Bảy tháng đầu năm nay số lượng phát hành ròng khoảng 120.000 tỉ đồng. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu đẩy số tuyệt đối và tỷ lệ nợ công trên GDP năm 2017 cao hơn hẳn so với những năm trước bất chấp bội chi ngân sách đang giảm dần.
Thu ngân sách khả quan, bội chi giảm
Bảy tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Thống kê, thu ngân sách đạt 666.700 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý đây là mức tăng thu ngân sách cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây. Năm ngoái và năm 2015 tăng lần lượt 6,6% và 5%. Trong số này, thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) tăng rất mạnh, tới 17,2%, cao nhất trong sáu năm, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng 10,6%. Hai sắc thuế trên chiếm 43% tổng thu ngân sách, nên dù thu thuế xuất nhập khẩu chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ, thu ngân sách nhìn chung vẫn thành công.
Thâm hụt ngân sách trong nửa đầu năm tính theo thông lệ quốc tế được Tổng cục Thống kê công bố là 19.400 tỉ đồng, tương đương 0,95% GDP. So với mức thâm hụt ngân sách 4,1% cùng kỳ năm 2013 hoặc 2,96% cùng kỳ năm 2016, mới thấy thâm hụt ngân sách (không tính trả nợ gốc) đã và đang giảm rất mạnh.
Như vậy số tuyệt đối thâm hụt ngân sách nửa đầu năm chưa bằng 16,2% số lượng trái phiếu chính phủ phát hành ròng, trong khi tính ra từ đầu năm 2016 đến nay, lượng trái phiếu phát hành ròng đã “nhảy vọt” lên 320.000 tỉ đồng, ảnh hưởng nặng tới nợ công. Việc phát hành trái phiếu chính phủ cao hơn nhu cầu giải ngân từ thứ hàng hóa an toàn này cho nền kinh tế chỉ giải quyết được một vế của bài toán là cơ cấu lại thời hạn cũng như lãi suất trái phiếu chính phủ từ ngắn hạn sang dài hạn, từ lãi suất cao về lãi suất thấp.
Không thể giảm nợ công để rồi đẩy tín dụng ngân hàng tới 21-22%. Đến nay dư nợ tín dụng của cả hệ thống ngân hàng đã vượt mức 5,5 triệu tỉ đồng, tức gấp đôi quy mô nợ công năm 2015. Đâu là mức an toàn của tăng trưởng tín dụng? |
Trái phiếu chính phủ về bản chất là một phần của nợ công. Cơ cấu lại kỳ hạn, lợi tức trái phiếu cũng là cơ cấu lại một phần nợ công. Tuy nhiên việc cơ cấu lại bằng cách đẩy lượng phát hành ròng lên cao, làm trần nợ công tăng và xem đó như một trong những lý do để buộc phải tăng thu ngân sách thông qua việc đề xuất nâng mức thu một số sắc thuế như GTGT liệu có công bằng?
Người tiêu dùng gánh chịu
Trong chi ngân sách, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy chi sự nghiệp kinh tế sáu tháng đầu năm tăng 22,6% so với cùng kỳ. Bây giờ hãy thử làm một con số: Giả sử chúng ta giảm bớt biên chế hành chính, mỗi đơn vị như xã, phường giảm 1 người, thì số chi lương hành chính sự nghiệp đã giảm được hàng ngàn tỉ đồng.
Còn thuế GTGT, sáu tháng đầu năm thu được 141.000 tỉ đồng. Cứ cho là cả năm cơ quan hành thu sẽ thu được gấp đôi, tức 282.000 tỉ đồng thuế GTGT. Nếu mức thuế GTGT tăng 2 điểm phần trăm như Bộ Tài chính đề xuất, từ 10% lên 12%, số thuế GTGT thu thêm cho năm 2019 có thể là 5.640 tỉ đồng.
Việc tăng thu thuế GTGT để bù đắp cho chi ngân sách, trong đó chủ yếu chi hành chính sự nghiệp, sẽ đánh mạnh lên sức mua của người tiêu dùng nói chung vì người chi trả cuối cùng cho sắc thuế này là người dân. Trong khi nền kinh tế đang trông chờ vào xuất khẩu và sức mua để tăng trưởng, thì việc ngáng chân sức mua, ngáng chân tiêu thụ hàng hóa bằng tăng thuế rõ ràng là chưa thích hợp.
Trong kỳ họp Quốc hội tháng 5-2017 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết quy mô nợ công đến cuối năm 2015 đã tới 2,68 triệu tỉ đồng và theo ông năm 2017-2018 là đỉnh của nợ công. Cứ cho đến cuối năm nay quy mô nợ công vươn lên 3 triệu tỉ đồng, thì 320.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ phát hành ròng từ đầu năm 2016 đến tháng 7-2017 đã tương đương hơn 10% quy mô nợ công. Lẽ nào kho bạc cứ liên tục phát hành trái phiếu, mang tiền ấy gửi ở tổ chức tín dụng theo kiểu “nhàn rỗi”, rồi đẩy nợ công lên cao?
Cũng cần nói thêm không thể giảm nợ công để rồi đẩy tín dụng ngân hàng tới 21-22% - một mức không thể nói là không “nóng”. Tín dụng là tiền ngân hàng, mà tiền ngân hàng là tiền huy động của dân. Đến nay dư nợ tín dụng của cả hệ thống ngân hàng đã vượt mức 5,5 triệu tỉ đồng, tức gấp đôi quy mô nợ công năm 2015. Chúng ta thường nói nợ công đã tiệm cận mức an toàn, vượt qua đó là nguy hiểm. Vậy đâu là mức an toàn của tăng trưởng tín dụng?
Năm nay là năm đầu tiên tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng thấp hơn tổng dư nợ đã cho vay ra. Điều đó minh chứng nguồn lực trong dân đang được san sẻ vào các kênh đầu tư khác, không đơn thuần chỉ gửi ngân hàng như trước. Nếu ngân hàng không đưa tín dụng về một mức hợp lý dựa trên tổng nguồn huy động, thì nguy cơ rủi ro và vượt ngưỡng an toàn rất cao.
Bài toán sử dụng nguồn lực vốn ngân sách, nợ công và vốn ngân hàng cho phát triển kinh tế đang cần phải được tính toán lại ở tầm quốc gia!
http://www.thesaigontimes.vn/164157/No-cong-va-trai-phieu-rong-choi.html
|