Chính phủ: Tăng trưởng GDP 2017 sẽ đạt mục tiêu 6,7%
Với kết quả đạt được 8 tháng đầu năm, Chính phủ cho biết năm 2017 có thể đạt được tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6,7% như mục tiêu đã đề ra.
Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra vào 6 giờ chiều 30-8, ông Mai Tiến Dũng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã cho biết thông tin trên.
Trong khi đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 diễn ra vào tháng 5 vừa qua, với kết quả thực hiện trong bốn tháng đầu năm không như mong muốn, Quốc hội lo ngại tăng trưởng GDP năm 2017 sẽ khó đạt 6,7% và khả năng chỉ đạt 6,3-6,5%.
Theo ông Dũng, Chính phủ thống nhất đánh giá trong tháng 8, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có diễn biến tích cực; chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 133,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. Tính đến ngày 21-8-2017, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,06% so với tháng 12-2016 (so với cùng kỳ năm 2016 tăng 9,01%).
Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của 8 tháng ước đạt trên 137 nghìn tỉ đồng, bằng 38,4% tổng kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước được Quốc hội giao, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm trước (39%) và bằng 44,3% kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Ông Dũng cho biết, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 ước đạt 1,23 triệu lượt, tăng 18,5% so với tháng trước, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay. Tính chung 8 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách quốc tế ước đạt 8,47 triệu lượt, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016. Năm nay mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ đón 13 triệu lượt khách.
Trong 8 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 8 tháng năm 2017 ước đạt 23,36 tỉ đô la Mỹ, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tính chung 8 tháng tăng 6,7%, tiếp tục xu hướng tăng so với mức tăng trưởng của 7 tháng (6,5%) nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (7,2%). Khai khoáng giảm 6,9% so với cùng kỳ, sản xuất điện tăng 8,6% (cùng kỳ tăng 12,3%) do năm nay mưa nhiều, nhu cầu tiêu thụ điện năng ít hơn.
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 8 tập trung vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa và thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu; trong đó diện tích thu hoạch lúa hè thu ước đạt gần một triệu héc ta, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp phấp đấu đạt mục tiêu xuất khẩu nông nghiệp đạt 35 tỉ đô la Mỹ.
Tính chung cả 8 tháng năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 104.511. Tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm đạt 11 triệu tỉ đồng, trong đó vốn đăng ký mới là 822 nghìn tỉ đồng.
Trên cơ sở đánh giá tình hình 8 tháng đầu năm, Chính phủ ước thực hiện 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm nay đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt mục tiêu 6,7% như đã đề ra và xuất khẩu dự kiến tăng hơn 14%, gấp đôi so với mục tiêu đã đề ra.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong khi các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt mục tiêu là một cố gắng lớn trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô”.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho rằng mặc dù đạt được một số kết quả khả quan nhưng cũng còn một số tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục như: công nghiệp đang trên đà phục hồi nhưng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp vẫn thấp hơn so với cùng các năm trước; còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh…
Mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên giấy phép con vẫn còn nhiều. Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, vẫn còn vấn đề về thuế, phí đối với doanh nghiệp, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc.
Ngoài ra, chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan lên tới 35%. Chính phủ đã yêu cầu phải giảm còn 15%. Sắp tới Tổ công tác của Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm tra từng bộ ngành về từng thủ tục kiểm tra và để thấy nếu thủ tục nào không cần thiết thì bãi bỏ.
http://www.thesaigontimes.vn/164204/Chinh-phu-Tang-truong-GDP-2017-se-dat-muc-tieu-67.html
|