Thứ Năm, 24/08/2017 22:02

Đặc khu được dành cơ chế vượt trội, thuê đất 99 năm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ xây dựng thể chế cho các đặc khu theo hướng tăng thẩm quyền, tăng tính chịu trách nhiệm với nhiều cơ chế ưu đãi vượt trội...

Một góc Phú Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Trong quá trình 25 năm phát triển, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ở nước ta có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhưng đến nay, việc phát triển và thu hút đầu tư của các mô hình kinh tế này có dấu hiệu chậm lại, gặp nhiều khó khăn, hạn chế”.

Tạo “sân chơi mới” hấp dẫn, thông thoáng

* Thưa Bộ trưởng, định hướng phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có ý nghĩa thế nào trong thời điểm này?

Việc khai thác các tiềm năng tĩnh của đất nước như tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên, lao động giá rẻ đã dần tới hạn, cần chuyển sang phát huy các tiềm năng động thông qua cải cách thể chế, sáng tạo, tiềm năng trí tuệ để tạo ra năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Vì vậy, việc xây dựng mô hình đặc khu với các cơ chế, chính sách về hành chính, kinh tế đột phá, vượt trội, có đủ sức hợp tác và cạnh tranh quốc tế nhằm tạo động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ở Việt Nam là hết sức cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Chủ trương xây dựng đặc khu đã được đề cập tại Hiến pháp năm 2013, văn kiện Đại hội VIII, XI, XII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020. Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương xây dựng ba đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Theo đó, mục tiêu là các đặc khu của Việt Nam sẽ tạo được “sân chơi mới” hấp dẫn, minh bạch, thông thoáng, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư khu vực tư nhân, nhất là nhà đầu tư chiến lược toàn cầu.

Các đặc khu sẽ đủ sức cạnh tranh với các đặc khu kinh tế thế giới, khắc phục được những hạn chế, khó khăn mà mô hình khu kinh tế đang gặp phải.

Các đặc khu cũng sẽ có thể chế kinh tế và hành chính phù hợp với thể chế chính trị, Hiến pháp của Việt Nam để tạo một cực tăng trưởng mới, nhanh và ổn định, có tác động lan tỏa tích cực với khu vực xung quanh, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu kinh tế.

* Để đạt mục tiêu trên thì việc xây dựng thể chế hoạt động cho các đặc khu phát triển có ý nghĩa rất quan trọng. Các chuyên gia cho rằng mô hình đặc khu nên trực thuộc trung ương thay vì trực thuộc tỉnh, vậy định hướng trong dự thảo luật thiết kế mô hình tổ chức đưa ra là gì?

Theo quy định của Hiến pháp, đặc khu có thể trực thuộc trung ương hoặc trực thuộc tỉnh. Qua thảo luận, Bộ Chính trị đã đồng ý các đặc khu trực thuộc tỉnh. Các đặc khu kinh tế này được thành lập dựa trên các khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc hiện do địa phương quản lý.

Mặc dù trực thuộc tỉnh nhưng chính quyền đặc khu có những thẩm quyền “đặc biệt”. Bên cạnh những thẩm quyền tương đương với thành phố trực thuộc tỉnh, còn được phân quyền thực hiện một số quyền và nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, kinh tế, tài chính, xây dựng, lao động...

Mục tiêu là giải quyết nhanh nhất các thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công cho nhà đầu tư và người dân.

Ví dụ chính quyền đặc khu là đầu mối quản lý trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh từ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, quản lý dự án sau đầu tư...

Người đứng đầu chính quyền sẽ quyết định đầu tư nếu dự án đó phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy người đứng đầu đặc khu đòi hỏi phải có năng lực, kinh nghiệm điều hành, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế và do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Đối với vấn đề nhất thể hóa chức danh, một số ý kiến thảo luận cũng ủng hộ phương án bí thư đặc khu kiêm trưởng cơ quan hành chính đặc khu để trao quyền cho người đứng đầu quyết định các nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm hoàn toàn với quyết định của mình.

Tuy nhiên, việc thực hiện nhất thể hóa chức danh sẽ thực hiện theo quy định riêng của Đảng, không nằm trong quy định của luật này.

Trả lương theo yêu cầu vị trí

Tương tự các mô hình đặc khu trên thế giới, các trung tâm hành chính công sẽ được thành lập để giải quyết tất cả các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” và qua mạng. Cơ chế tiền lương sẽ thực hiện chế độ tự chủ, cán bộ công chức được hỗ trợ thêm phụ cấp, được tuyển dụng và trả lương theo yêu cầu vị trí việc làm đối với cán bộ, nhà khoa học, chuyên gia.

Một góc Vân Đồn.

Đề xuất không có HĐND ở cấp đặc khu

* Vậy dự kiến mô hình tổ chức của các đặc khu sẽ được xây dựng thế nào? Đâu là những lợi thế của mô hình này, thưa Bộ trưởng?

Hiện nay dự thảo luật thiết kế mô hình tổ chức theo hai phương án để xin ý kiến Chính phủ. Với phương án 1, tổ chức cơ quan hành chính không có HĐND ở cấp đặc khu.

Các thẩm quyền của HĐND (là cấp huyện trước đây) sẽ được rà soát theo hướng phân quyền tối đa cho người đứng đầu cơ quan hành chính. Một số chức năng nhiệm vụ về giám sát và quyết định các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng, chính quyền và an sinh xã hội sẽ được giao cho HĐND cấp tỉnh thực hiện.

Ở cấp xã, phường cũng sẽ không tổ chức HĐND và UBND mà tổ chức thành các khu hành chính với chức năng là cánh tay nối dài của cơ quan hành chính cấp đặc khu, thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho khu vực đó.

Phương án 2 là tổ chức chính quyền địa phương một cấp có đầy đủ gồm HĐND và UBND. Tuy nhiên sẽ phân quyền tối đa cho UBND và chủ tịch UBND đặc khu trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đất đai...

Một số nhiệm vụ về giám sát, quyết định các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng, chính quyền và an sinh xã hội được giao cho HĐND đặc khu. Ở cấp xã, phường sẽ tổ chức thành các khu hành chính như phương án 1.

* Hiện trong quy định vẫn còn giới hạn nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh. Vì vậy nhiều nhà đầu tư quan tâm là ở các đặc khu có áp dụng quy định về các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay không?

Hoạt động đầu tư kinh doanh được đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước với nước ngoài.

Dự thảo luật cũng cho phép nhà đầu tư được lựa chọn luật nước ngoài để điều chỉnh hợp đồng đầu tư, thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài; hoặc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn giải quyết tranh chấp tại tòa án nước ngoài có thẩm quyền.

Đặc khu cũng sẽ áp dụng các chính sách mở cửa thị trường, như mở cửa lĩnh vực phân phối cho một số sản phẩm chưa được quy định trong WTO và một số hiệp định thương mại tự do.

Các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện với 243 danh mục ngành nghề cũng sẽ được rút xuống tối đa, chỉ giữ lại một số ngành thật sự đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe.

Đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng và UBND cấp tỉnh; các dự án PPP và dự án đầu tư ra nước ngoài sẽ không cần phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư cũng như cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Thời hạn sử dụng đất đến 99 năm

* Cơ chế về đầu tư đã mở nhưng điều quan trọng nhất vẫn là các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, liệu có gì vượt trội hơn so với các địa phương?

Một trong những chính sách quan trọng là đất đai, sở hữu nhà ở. Theo đó, sẽ cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa 99 năm đối với một số ngành nghề ưu tiên phát triển nếu được Thủ tướng đồng ý.

Tuy nhiên, xin lưu ý là không phải nhà đầu tư nào cũng được hưởng ưu đãi này, mà tùy vào từng lĩnh vực và địa bàn, ví dụ như ở Vân Đồn thì chỉ các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ cao mới có được ưu đãi này.

Các tổ chức kinh tế trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài. Người nước ngoài cũng được sở hữu nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng tại đặc khu gắn với một số điều kiện.

Ngoài ra, các chính sách ưu đãi đầu tư sẽ áp dụng hấp dẫn, linh hoạt từng ngành nghề. Cụ thể, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, đất đai, sử dụng đất theo hai mức là đối với ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư như khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, khởi nghiệp và sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, dự án y tế, giáo dục chất lượng cao... sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất, vượt các ưu đãi áp dụng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao hiện nay.

Chưa kể sẽ có chính sách bầu trời mở, cho phép các hãng hàng không quốc tế được vận chuyển hàng không kết hợp nhiều điểm, trong đó có ít nhất một điểm đến tại đặc khu để thu hút khách du lịch.

Bộ Chính trị cũng đã đồng ý về mặt nguyên tắc việc xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp có casino tại ba khu vực này. Hiện một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như Singapore, Macau, Hong Kong, Campuchia đều áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với casino thấp hơn quy định hiện hành. Do đó, ban soạn thảo đang đánh giá, so sánh để nghiên cứu và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định phương án phù hợp.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170824/dac-khu-duoc-danh-co-che-vuot-troi-thue-dat-99-nam/1374013.html

Các tin tức khác

>   Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng (22/08/2017)

>   Đầu mối quản nợ công: Ba không xong, một cũng khó! (17/08/2017)

>   Triển vọng kinh tế phụ thuộc nhiều vào cải cách DNNN (16/08/2017)

>   Chính phủ thống nhất loạt giải pháp để đạt mục tiêu GDP năm nay (13/08/2017)

>   Tiền chảy (10/08/2017)

>   Kinh tế Việt Nam: Triển vọng những tháng cuối năm 2017 (09/08/2017)

>   Lương tối thiểu sẽ khó tăng mạnh trong những năm tới (08/08/2017)

>   Những thách thức khi Việt Nam gia nhập câu lạc bộ những con hổ kinh tế của châu Á (07/08/2017)

>   "Chốt" mức đề xuất tăng lương 2018 là 6,5% (07/08/2017)

>   Nhiều thách thức trong hội nhập kinh tế (06/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật