Dự trữ ngoại hối châu Á chưa bao giờ cao như thế này!
Ở một số quốc gia châu Á, dự trữ ngoại hối chưa bao giờ cao như thế này, Bloomberg cho hay.
Dự trữ ngoại hối Ấn Độ chuẩn bị lên mức cao kỷ lục mới với 400 tỷ USD, đủ để trang trải cho 1 năm nhập khẩu, còn tỷ lệ nắm giữ của Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Indonesia đồng loạt lên kỷ lục mới.
Còn quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất trên thế giới là Trung Quốc chuẩn bị ghi nhận 7 tháng leo dốc liên tiếp lên mức 3.09 ngàn tỷ USD, qua đó giúp xóa sạch đà sụt giảm gần 1 ngàn tỷ USD trước đó.
Dòng vốn vào ổn định từ các nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất cao và đồng USD suy yếu đã tạo điều kiện gia tăng dự trữ ngoại hối ở các nước châu Á. Điều này sẽ giúp các ngân hàng trung ương châu Á giải quyết bất kỳ sự bất ổn nào xuất phát từ kế hoạch thu hẹp số dư trên bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Được biết, các thông tin chi tiết về kế hoạch này được kỳ vọng công bố vào cuộc họp chính sách ngày 19-20/09 tới.
“Đây là một chiến lược có chủ ý nhằm tạo ra các biện pháp phòng ngừa khi Fed chuẩn bị rút thanh khoản, qua đó gia tăng rủi ro cho dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi. Sự thận trọng đang bao trùm cả thị trường”, Frederic Neumann, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings ở Hồng Kông, cho hay.
Các ngân hàng trung ương châu Á có lý do hợp lý khi tỏ ra thận trọng đến thế. Tín hiệu từ cựu Chủ tịch Ben Bernanke trong năm 2013 về việc giảm bớt quy mô chương trình mua trái phiếu đang có khả năng khiến nhà đầu tư rút vốn ra khỏi khu vực này và gia tăng thêm áp lực lên các đồng tiền châu Á. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) là một trong những đối tượng bị tác động mạnh nhất trong năm đó, khi các nhà đầu cơ quay lưng với đồng Rupee.
Dòng vốn vào Ấn Độ
Các điều kiện ở Ấn Độ đã được cải thiện. Những nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất cao đang đổ xô vào thị trường Ấn Độ vì lãi suất thực cao, đồng Rupee ổn định và triển vọng cải cách kinh tế nhiều hơn.
Tính cho tới thời điểm này của năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã rót hơn 20 tỷ USD vào trái phiếu Ấn Độ và 6.5 tỷ USD vào thị trường cổ phiếu nước này, nhờ đó đồng Rupee tăng hơn 6% so với đồng USD. Chưa hết, Ấn Độ còn nhận được 60 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn 3/2016-3/2017, trở thành một trong những nước nhận FDI nhiều nhất trên thế giới.
Và các quốc gia khác trong khu vực cũng chứng kiến điều tương tự vì tăng trưởng kinh tế mạnh và lợi suất “khá hào phóng” đã thu hút nhà đầu tư ngay cả khi Fed đã thực hiện 4 đợt nâng lãi suất.
Ám ảnh vì nỗi đau từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Indonesia đã bồi đắp dự trữ ngoại hối lên gần 129 tỷ USD. Tính tới cuối tháng 8/2017, nước này đã sở hữu lượng dự trữ tương đương với 8.6 tháng nhập khẩu và khoản thanh toán nợ nước ngoài của Chính phủ.
Trong khi đó, dự trữ ngoại hối Thái Lan đã leo lên mức kỷ lục tại 196 tỷ USD khi dòng vốn vào tăng vọt. Thật vậy, vị thế nước ngoài của nước này đang quá mạnh và tạo nên một cơn đau đầu đối với các nhà lập chính sách.
Tương tự, Hàn Quốc cũng tích lũy dự trữ lên mức kỷ lục với 384.8 tỷ USD vào cuối tháng 8/2017. Đây là một lý do tại sao các nhà lập chính sách nước này lại tự tin vào khả năng chống chịu của nền kinh tế, bất chấp các rủi ro xuất phát từ Fed và căng thẳng địa chính trị với Triều Tiên.
Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Nhật Bản vẫn ổn định quanh mức 1.2 ngàn tỷ USD kể từ sau lần can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm kìm hãm đà tăng của đồng Yên. Không như các quốc gia khác của châu Á, Nhật Bản đã trải qua hàng thập kỷ trì trệ kinh tế, qua đó làm giảm lợi suất từ các chứng khoán nước này.
Đáng chú ý, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tiếp tục trên quỹ đạo tăng trưởng, một phần là nhờ đồng USD suy yếu và đà tăng bất ngờ của đồng Nhân dân tệ (NDT) trong năm nay. Dẫu vậy, vẫn còn các dấu hiệu cho thấy các quan chức nước này cảm thấy đà leo dốc của NDT đã đi quá xa.
Một lý do thúc đẩy nhà đầu tư đổ tiền vào châu Á là sự khác biệt chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương trong khu vực này và Fed.
Sian Fenner, Trưởng Bộ phận Kinh tế châu Á tại Oxford Economics ở Singapore, nhận định: “Trong chu kỳ thắt chặt chính sách của Mỹ trước đây, chính sách tiền tệ ở châu Á gần như phản ứng đồng bộ với chính sách của Fed. Nhưng lần này thì không”./.
|