Thứ Năm, 13/07/2017 21:59

WB: Kinh tế Việt Nam chuyển biến tích cực với triển vọng ổn định

Chiều 13/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Công bố Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

Phát biểu tại buổi công bố, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện “sức dẻo dai” nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng của đất nước, bao gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo chế biến.

Đà tăng trưởng vẫn được duy trì là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý những trở ngại có tính chất cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập những khoảng đệm chính sách.

Báo cáo lần này ghi nhận, kinh tế Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, dần lấy lại đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2017, đồng thời khuyến nghị những lựa chọn chính sách nhằm củng cố khả năng ứng phó về kinh tế vĩ mô và xử lý những trở ngại tăng trưởng có tính chất cơ cấu.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vững nhịp khôi phục từ cuối năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 5,7% trong nửa đầu năm 2017, đồng thời chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp và lạm phát cơ bản duy trì dưới 2%.

Báo cáo ghi nhận cân đối tài khoản vãng lai của Việt Nam sau khi đạt thặng dư lớn trong năm 2016 đã giảm dần trong những tháng đầu năm 2017 do tăng trưởng nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu. Tỷ giá hối đoái danh nghĩa vẫn tương đối ổn định, nhưng tỷ giá thực tiếp tục tăng. Tỷ giá thực tăng nhờ khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thặng dư kinh tế đối ngoại lớn, nhưng điều đó lại có thể là mối quan ngại cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước của Việt Nam, vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn về năng lực cạnh tranh.

Triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn được đánh giá là tích cực. GDP dự báo sẽ tăng nhẹ ở mức 6,3% trong năm 2017, nhờ sức cầu trong nước, sản xuất nông nghiệp được phục hồi và ngành chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu tiếp tục cải thiện nhờ sức cầu bên ngoài trên đà khôi phục. Áp lực lạm phát ở mức vừa phải trong đó lạm phát cơ bản ổn định nhờ giá lương thực, thực phẩm và năng lượng dự báo vẫn ở mức thấp, các điều chỉnh giá, các dịch vụ do nhà nước quản lý được phối hợp hợp lý hơn. Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng dự kiến được cải thiện lên mức 6,4% trong các năm 2018-2019, cùng với ổn định chung về kinh tế vĩ mô.

Báo cáo lưu ý rằng những bất định gia tăng trên toàn cầu đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục cẩn trọng hơn nữa trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trên cơ sở đà tăng trưởng được duy trì, ưu tiên hàng đầu vẫn là củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và tái lập lại các lớp đệm chính sách. Giảm bội chi ngân sách là hết sức cần thiết để kiềm chế những rủi ro ngày càng tăng về bền vững ngân sách và tạo dư địa tài khóa nhằm đối phó với các cú sốc tiềm năng trong tương lai. Việt Nam cần tiếp tục cải thiện công tác đánh giá rủi ro và thanh tra giám sát về an toàn vốn nhằm giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong bối cảnh mở rộng tín dụng.

Báo cáo cho rằng thách thức về lâu dài của Việt Nam vẫn là duy trì bền vững tốc độ trăng trưởng cao và giảm nghèo bền vững. Những rào cản đối với tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ được loại bỏ theo tiến trình của cải cách cơ cấu bao gồm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố, hoàn thiện thị trường các yếu tố sản xuất bao gồm vốn và đất đai.

Báo cáo kỳ này còn bao gồm một chuyên đề đặc biệt về "Hướng tới củng cố tài khóa chất lượng cao" với khuyến nghị cần củng cố tài khóa từng bước theo hướng chất lượng, có cân đối hợp lý giữa cải thiện nguồn thu ngân sách và nâng cao hiệu quả chi tiêu công./.

http://www.vietnamplus.vn/wb-kinh-te-viet-nam-chuyen-bien-tich-cuc-voi-trien-vong-on-dinh/456009.vnp

Các tin tức khác

>   Những nút thắt tăng trưởng đang được gỡ (13/07/2017)

>   Không dễ đạt tăng trưởng 6,7% (11/07/2017)

>   Vượt Trung Quốc, Hàn Quốc đứng đầu nhập siêu vào VN (11/07/2017)

>   “Lối ra” cho tăng trưởng kinh tế (09/07/2017)

>   IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam xuống 6.3% (07/07/2017)

>   Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2017 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh (07/07/2017)

>   Bộ trưởng Tài chính cam kết giữ nợ công mức 5,1 triệu tỷ đồng (06/07/2017)

>   Phấn đấu GDP năm 2018 đạt khoảng 6,4-6,8% (06/07/2017)

>   Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: “Phải siết chặt quản lý chi tiêu công” (06/07/2017)

>   Thủ tướng: "Gần 20 nghìn quy hoạch để làm gì?" (05/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật