Những nút thắt tăng trưởng đang được gỡ
Những nút thắt của tăng trưởng về giải ngân vốn đầu tư, vay vốn tín dụng… đang được Chính phủ chỉ đạo giải quyết một cách quyết liệt.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 nhưng không tăng trưởng bằng mọi giá. - Ảnh: VGP
|
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những nút thắt đối với tăng trưởng kinh tế.
Nút thắt đầu tiên vẫn là thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư xây dựng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thì kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm rất thấp, đạt xấp xỉ 91.400 tỷ đồng, bằng 25,6% kế hoạch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ liên quan rà lại, báo cáo Chính phủ trước 30/7 về những vướng mắc trong Luật Đầu tư công để trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét chỉnh sửa. Tinh thần là tạo điều kiện phân cấp, quản lý, giao quyền và trách nhiệm rõ hơn cho bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng cũng khẳng định dứt khoát, hạn định vào tháng 10/2017, đơn vị nào, địa phương nào không giải ngân thì sẽ điều động vốn cho đơn vị khác.
Nút thắt thứ hai là vay vốn. Liên quan đến tín dụng, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo “không dồn cho các đại gia” mà tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng cũng thống nhất với ý kiến của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng là có thể tăng trưởng tín dụng từ 18-20%.
Nút thắt thứ ba là giải phóng mặt bằng cho các dự án, kể cả ODA và các dự án khác. “Tại sao địa phương A giải phóng mặt bằng nhanh như thế còn các địa phương ì ạch, mãi không giải phóng được?”. Việc này được Thủ tướng giao các địa phương xử lý, đẩy mạnh.
Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, ngay sau phiên họp của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã triệu tập cuộc họp của Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7. “Cần thiết sẽ yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra để làm rõ trách nhiệm ai giao vốn chậm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Cũng Bộ này cần khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan theo hình thức rút gọn; thực hiện công bố công khai các bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân trong việc thiếu trách nhiệm, trì trệ, gây cản trở đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Về lãi suất, 3 ngày sau phiên họp Chính phủ, tới chiều 7/7, NHNN đã quyết định điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, qua đó hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng giảm chi phí tiếp cận vốn vay từ NHNN khi có nhu cầu.
Đây là lần đầu tiên sau hơn 3 năm, tính từ tháng 3/2014, NHNN sử dụng công cụ này, mà theo ông Nguyễn Đức Long – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN, là nhằm “giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế”.
Tuy nhiên, trần lãi suất huy động được giữ ổn định trên cơ sở đánh giá thận trọng diễn biến và kỳ vọng của lạm phát, việc Fed điều chỉnh tăng lãi suất và khả năng đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.
Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá đây là một nỗ lực lớn của ngành Ngân hàng để góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy sản suất. Đồng thời, vẫn bảo đảm thận trọng cần thiết trên cơ sở tính toán và cân đối nhiều yếu tố khác để đạt được mục tiêu ổn định hệ thống và ổn định vĩ mô.
Với diễn biến trên, theo tính toán của một số chuyên gia, khả năng lãi suất cho vay giảm được từ 0,25% - 0,5%/năm là hoàn toàn khả thi trong thời gian từ giờ tới đầu quý IV. Tuy nhiên, mức giảm nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào tốc độ xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng cũng đã yêu cầu NHNN phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo nhiều chuyên gia, nền kinh tế vẫn còn tiềm lực tăng trưởng lớn. Theo kiểm kê bước đầu mới đây, thì giá trị tài sản khu vực Nhà nước khoảng hơn 300 tỷ USD, trong đó tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước là trên 200 tỷ USD. Theo tính toán, nếu tăng được 1% hiệu quả sử dụng thì có thêm khoảng 3 tỷ USD, tương đương 1,5% tăng trưởng GDP. Cũng theo kiểm kê bước đầu, tổng giá trị số lượng tài sản của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khoảng 400 tỷ USD, trong đó tài sản cố định của doanh nghiệp tư nhân trên 180 tỷ USD. Và nếu tăng được 1% hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp tư nhân thì sẽ có thêm 2 tỷ USD, tương đương 1% tăng trưởng GDP.
http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nhung-nut-that-tang-truong-dang-duoc-go/311156.vgp
|