Thứ Ba, 11/07/2017 07:15

Không dễ đạt tăng trưởng 6,7%

VEPR dự báo cả năm, GDP chỉ tăng khoảng 6,37%. Nếu Chính phủ quyết tâm tăng trưởng cao hơn vẫn có khả năng đạt được nhưng sẽ phải hy sinh rất nhiều.

Tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) ngày 10-7, Viện trưởng Nguyễn Đức Thành cho biết hiện nay, Việt Nam đã mất vai trò là "học sinh giỏi" trong khu vực ASEAN do nhóm nước Lào, Campuchia và Myanmar đang vươn lên dẫn đầu về tăng trưởng.

Cảnh báo tăng trưởng tín dụng nóng

VEPR dự báo cả năm, GDP chỉ tăng khoảng 6,37%. Nếu Chính phủ quyết tâm tăng trưởng cao hơn vẫn có khả năng đạt được nhưng sẽ phải hy sinh rất nhiều bởi kéo căng chỗ này sẽ tạo sức ép chỗ kia.

Điểm khác biệt, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã quyết tâm rất cao trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra là 6,7%, bất chấp nhiều cảnh báo đó là mục tiêu khó khả thi. Cho nên giải pháp điều hành có phần mang dáng dấp của công tác kế hoạch tập trung, khoán cho các doanh nghiệp, bộ, ngành phải làm gì, đạt được các chỉ tiêu cụ thể ra sao…

Công nhân làm việc tại Nhà máy Lock and Lock (Hàn Quốc) Ảnh: TẤN THẠNH

Nhìn lại quý II/2017, tăng trưởng của Việt Nam vẫn nhờ chủ yếu vào động lực từ nước ngoài như tăng đầu tư, tăng xuất khẩu và khai khoáng. Còn khu vực trong nước đang giảm, thể hiện ở yếu tố giảm lao động, việc làm. "Đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô... có thể sẽ không khả thi. Đã đến lúc nên đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng một cách rất thực tế, là mức tăng trưởng chung, dù cao, có phản ánh thực lực của nền kinh tế hay không" - TS Thành quan ngại.

TS Cấn Văn Lực cảnh báo nếu Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công để có tăng trưởng trong những tháng cuối năm có thể gây cú sốc đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Vì 6 tháng đầu năm nay, giải ngân đầu tư công chỉ đạt khoảng 26%, tiền ứ đọng được gửi trong các kho bạc, hỗ trợ cho thanh khoản ngân hàng.

"Tổ chức tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo Việt Nam tăng trưởng tín dụng 18% năm 2017 là bắt đầu hơi nóng. Không nên đẩy tiền ra lưu thông mạnh hơn nữa vì khái niệm tín dụng tăng trưởng cao để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế không hoàn toàn đúng. Chúng tôi đã chạy mô hình của 52 nước thu nhập trung bình thấp, bao gồm cả Việt Nam thì nhận thấy trong 19 năm qua, tín dụng tăng 10% thì GDP chỉ tăng thêm 0,5%. Ở Việt Nam, tín dụng chiếm 58%-60% tổng đầu tư vào nền kinh tế, nếu năm nay tăng trên 18% mà đầu tư công không hiệu quả thì không những không hỗ trợ tốt cho tăng trưởng mà còn gây hệ lụy lâu dài" - TS Cấn Văn Lực cảnh báo.

Mấu chốt ở cải cách

Các chuyên gia đánh giá giải pháp để đạt được tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng nhằm đạt mục tiêu ngắn hạn, ví dụ như tăng sản lượng dầu thô, trông chờ vào xuất khẩu của Samsung và hoạt động của Formosa.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng tăng trưởng của Việt Nam đã đến cận mức tiềm năng, không thể giải quyết bằng kích cầu với các giải pháp về vốn hoặc khai thác dầu thô. Thay vào đó, phải kích cung, đột phá trong cải cách môi trường kinh doanh, khu vực doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Thu ngân sách gần đây tăng ở tiền sử dụng đất, các khoản thu phi thuế cho thấy cộng đồng doanh nghiệp có nhiều khó khăn.

Đồng quan điểm, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng bài toán của Việt Nam trong dài hạn hiện vẫn nằm ở cải cách. Mỗi lần thay đổi chính sách, doanh nghiệp đều kỳ vọng làm ăn tốt hơn nhưng hiện nay, các bộ ngành, địa phương đang tranh thủ "cài cắm" điều kiện kinh doanh, khiến doanh nghiệp còn khó khăn hơn. Mỗi thủ tục có 5-7 cơ quan cùng chịu trách nhiệm, 4 tầng lớp quản lý từ trung ương đến địa phương, chỗ này gỡ, chỗ kia thắt không biết bao giờ gỡ ra cho được.

"Công chức không dám hành nhà đầu tư nước ngoài vì sợ đại sứ quán của họ lên tiếng, sợ báo chí nước ngoài đưa tin. Thay vào đó là hành doanh nghiệp trong nước. Chi phí là tiếng kêu rất lớn nhưng chưa thấy giảm ở đâu cả mà chỉ thấy tăng lên" - bà Phạm Chi Lan bức xúc. 

Áp lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% là rất lớn, có nguy cơ dẫn đến khả năng mâu thuẫn trong chính sách điều hành vì mục tiêu dài hạn hay ngắn hạn.

http://nld.com.vn/kinh-te/khong-de-dat-tang-truong-67-20170710220918873.htm

Các tin tức khác

>   Vượt Trung Quốc, Hàn Quốc đứng đầu nhập siêu vào VN (11/07/2017)

>   “Lối ra” cho tăng trưởng kinh tế (09/07/2017)

>   IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam xuống 6.3% (07/07/2017)

>   Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2017 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh (07/07/2017)

>   Bộ trưởng Tài chính cam kết giữ nợ công mức 5,1 triệu tỷ đồng (06/07/2017)

>   Phấn đấu GDP năm 2018 đạt khoảng 6,4-6,8% (06/07/2017)

>   Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: “Phải siết chặt quản lý chi tiêu công” (06/07/2017)

>   Thủ tướng: "Gần 20 nghìn quy hoạch để làm gì?" (05/07/2017)

>   Thủ tướng Chính phủ: "Có căn cứ để đạt tăng trưởng cả năm 6,7%" (03/07/2017)

>   PMI tháng 6 đạt 52.5 điểm, lĩnh vực sản xuất cải thiện mạnh mẽ (03/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật